Một góc xóm Kế, xã Mường Chiền, huyện Đà Bắc

Một góc xóm Kế, xã Mường Chiền, huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) là nơi sinh sống của 71 hộ dân người Mường. Địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn nên đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn. Một ngày ở bản Mường này, chúng tôi đã cảm nhận được những sự thay đổi trong đời sống, cũng như những trở ngại và niềm mong mỏi của bà con nơi đây.

 

Xóm Kế (1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh) cách trung tâm xã Mường Chiềng 9 km, xóm chia thành 3 KDC là Kế 1, Kế 2 và Kế 3 nằm nép mình giữa những sườn núi cách trở. Các KDC nằm cách xa nhau, đường giao thông đi lại vô cùng khó khăn. Đường vào nhà ông Đinh Công Na, người có uy tín trong xóm và ở tận cùng của khu Kế 2 gồ ghề sỏi đá, hai bên đường là những mái nhà sàn thưa thớt. Điểm nổi bật nhất ở xóm nghèo này là chi trường mầm non được xây dựng khang trang và những cột điện chạy song song “chở” điện đến khắp xóm. Ông Na vừa giảm âm lượng ti vi, vừa phấn khởi cho biết: “Tết sắp tới là năm thứ 2 gia đình tôi được vui xuân dưới ánh sáng điện lưới quốc gia. Từ khi có điện, chúng tôi mua sắm được ti vi để theo dõi tin tức, học hỏi kinh nghiệm làm kinh tế nên đời sống về cả vật chất và tinh thần từng ngày được nâng lên”. Được biết, từ năm 2013, xóm Kế đã dần thoát khỏi cảnh đèn dầu; đến Tết Ất Mùi 2014, tất cả các hộ trong xóm đều có điện lưới quốc gia.

 

Giao thông trắc trở gây ra nhiều khó khăn đối với việc đi lại và phát triển kinh tế của người dân xóm Kế, xã Mường Chiềng (Đà Bắc).

Ánh điện về, bà con được mở mang và nhiều hướng phát triển kinh tế được nảy ra, thế nhưng do đường giao thông quá khó khăn nên họ vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu. Hiện xóm mới có 1,8 km đường giao thông trong xóm được bê tông hóa, còn lại trên 8 km là đường đất, đá rất trắc trở. Theo chia sẻ của ông Na, gia đình ông và nhiều hộ khác trong xóm được hỗ trợ trồng luồng từ dự án 747, đến mùa măng, muốn tiêu thụ phải gùi 5-6 km ra chợ bán; đường khó nên vườn trẩu dù phát triển tốt đến mấy cũng chưa mang lại thu nhập cho gia đình ông Na.

 Ngô và sắn là hai cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của bà con nơi đây, với diện tích khoảng 70 ha. Tuy nhiên, việc tiêu thụ rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão nhiều hộ để ngô nảy mầm dưới gầm sàn. Thêm nữa, thấy bà con khó khăn về vốn, nhiều tư nhân cho ứng trước tiền mua giống, phân bón và thuốc diệt cỏ, đổi lại, đến kỳ thu hoạch phải bán nông sản cho họ nên tình trạng thường xuyên bị ép giá khiến bà con biij thiệt thòi.

Ông Bùi Văn Thượng, Trưởng xóm Kế cho biết. “Tuy là cây trồng chủ lực nhưng giá trị kinh tế của ngô và sắn không cao nên những năm qua, một số hộ trong xóm đã phát triển trồng rừng với những tín hiệu rất khả quan. Thế nhưng, với những trở ngại mà giao thông gây ra khiến tiềm năng chưa được phát triển. Ở khu Kế 3, giáp với vùng lòng hồ sông Đà, có tiềm năng rất lớn về nuôi cá lồng nhưng hiện chỉ mới phát triển manh mún, chủ yếu là đánh bắt mà nguyên nhân cũng đến từ sự cách trở của đường giao thông”. Đường khó cũng đã gây không ít trở ngại đối với hành trình tìm đến với cái chữ của con em trong xóm; nhiều em cách xa trường 6-7 cây số, sáng phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng để cuốc bộ đến trường. Đó là chưa kể những lúc ốm đau, bệnh tật...

Cùng với giao thông, nước sạch cũng là vấn đề mà người dân nơi đây rất trăn trở. Khu Kế 1 có 31 hộ dân, các hộ chung nhau 2 đường ống dẫn nước to bằng ngón chân cái dẫn nước từ mó trên đồi Ba Lý cách đó hơn 2 km, vào mùa khô nước chảy rất nhỏ nên các hộ phải thay phiên nhau để hứng nước xách về nhà. Đó cũng là tình cảnh của các hộ ở 2 khu còn lại.

Với những đặc thù của một xóm cách xa trung tâm xã và giao thông trắc trở, xóm Kế đang tụt lại so với các xóm khác trong hành trình xây dựng NTM. Mường Chiềng là xã điểm NTM của huyện Đà Bắc, đến nay đạt 14 tiêu chí, thu nhập bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 29%; trong khi đó, con số này ở xóm Kế lần lượt là 4,7 triệu đồng và 85,9%. Tạm biệt chúng tôi, ông Na gửi gắm: “Người dân xóm Kế rất mong các cấp chính quyền quan tâm, đầu tư, nhất là về đường giao thông để thuận tiện cho việc đi lại và phát triển kinh tế”.

Đồng chí Sa Văn Thuần, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chiềng cho biết: Thời gian tới xã tiếp tục kêu gọi, huy động các nguồn lực đầu tư để hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu cho bà con, nhất là về giao thông. Với địa hình chủ yếu là đồi núi dốc, xóm Kế có lợi thế về trồng rừng với các loại cây phù hợp như xoan, bồ đề nên đây được xác định là hướng đi chính mà xã chú trọng thúc đẩy phát triển ở xóm Kế.

 

                                                                            Viết Đào

Các tin khác


“Xe đạp thồ” - Huyền thoại trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Đến thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, chúng tôi được chị Ngô Thị Lai, cán bộ Bảo tàng giới thiệu tham quan, tìm hiểu khá nhiều hiện vật quan trọng, độc đáo, góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu 70 năm về trước. Một trong những hiện vật ấy là chiếc xe đạp thồ huyền thoại.

Ký ức về "mùa hè đỏ lửa" Thành cổ Quảng Trị năm 1972

Cho đến nay, sau 52 năm, trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa” với sự huy động lực lượng lớn chưa từng có trong 81 ngày đêm giằng co từng mét đất, ngôi nhà giữa bom rơi, đạn nổ vẫn còn in đậm trong ký ức quân và dân cả nước cũng như lớp thanh niên tỉnh Hòa Bình lên đường đến với chiến trường Quảng Trị, góp phần tô thắm trang sử hào hùng của dân tộc trong hành trình giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bảo tồn giá trị văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, thúc đẩy phát triển KT-XH.

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Vẹn nguyên ký ức về trận chiến Đồi A1

Sinh năm 1934, năm nay dù đã 90 tuổi nhưng khi kể lại những ngày cùng đồng đội tấn công Đồi A1 ở chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 70 năm, đôi mắt của cựu chiến binh (CCB) Mai Đại Xá ở tổ 7, phường Đồng Tiến (TP Hòa Bình) như có lửa, giọng nói trở lên mạnh mẽ như thuở 20 tay cầm súng, bật dậy từ chiến hào hô xung phong...

Hồi ức về trận chiến đồi Độc Lập tại Điện Biên Phủ

LTS: Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là Trung đội trưởng thuộc Đại đội 924, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Thiếu tướng Bùi Đức Tùng đã kể lại những kỷ niệm tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ trong cuốn sách "Chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh” do Ban liên lạc chiến sĩ Điện Biên Phủ thành phố Vinh biên soạn. Báo Quân đội nhân dân Điện tử trích gửi đến bạn đọc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục