Giao thông là nỗi trăn trở lớn nhất đối với người dân Đồi Thung.

Giao thông là nỗi trăn trở lớn nhất đối với người dân Đồi Thung.

(HBĐT) - Đồi Thung là tên gọi chung cho 2 xóm Thung 1 và Thung 2, xã Quý Hòa (Lạc Sơn). Xóm nằm chon von trên núi, cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Đây là nơi sinh sống của gần 200 hộ dân tộc Mường. Giao thông cách trở, trình độ dân trí còn hạn chế nên bao đời nay người dân Đồi Thung vẫn sống trong cảnh nghèo khó. Đây là trong 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh.

 

Ám ảnh đường về Đồi Thung

 

Tuy chỉ cách trung tâm xã chừng 7 km nhưng phải mất hơn 1h vượt qua những dốc đá cao chúng tôi mới lên tới Đồi Thung. Vệt xe ô tô sâu, đá hộc lởm chởm là cánh cửa đón chúng tôi vào Đồi Thung. Vừa đi được khoảng 50 mét, chúng tôi gặp trưởng xóm Thung 1 - Bùi Văn Tường đang xuống UBND xã (vì là ngày ngân hàng giải ngân). Anh Tường cho hay: “Sợ nhất là những hôm UBND có việc, nắng thì còn đỡ, mưa xuống chỉ có thể đi bộ. Anh khuyên tôi nên đeo máy ảnh thật chặt vào người để không bị văng sau những cú nhảy ngựa vì đoạn đường phía trước còn rất dài và khó. Đoạn đường dài chừng 3 km toàn đá to, nhẵn và trơn, dù đã cài số 1 nhưng chiếc xe vẫn ì ạch, nhiều lúc bánh quay tít, mà không nhích được mét nào. Trên những tảng đá đó đều hằn in vết đen xì của việc đốt lốp bất đắc dĩ.

 

3 lần xuống dắt xe là 3 lần tôi gọi điện cho trưởng thôn Thung 2 Bạch Công Giang để hỏi về đoạn đường sắp tới và câu trả lời không có gì thay đổi: “Vẫn thế thôi. Thầm nghĩ, nếu có dắt xe vào đến xóm thì lúc về chưa chắc đã xuống được nên chúng tôi tính gửi xe để cuốc bộ vào. Ngặt nỗi, giữa chốn núi rừng heo hút, chẳng có mái nhà nào nên chúng tôi lấy chai nước đã chuẩn bị sẵn để hạ nhiệt cho xe. Trên đường vào Đồi Thung, chúng tôi bắt gặp một tốp người cuốc bộ vào ăn cưới, trong đó có hai người làm thợ ảnh, trang điểm, người nhễ nhại mồ hôi đang ngồi nghỉ.

 

Sau khi đã mướt mồ hôi và thấm mệt vượt qua quãng đường hơn 5 km, chúng tôi dừng chân lại ở dốc Gió. Theo giải thích của ông Bạch Công Ngưu, Bí thư chi bộ Thung 1, sở dĩ gọi là dốc Gió vì ở nơi này là cao nhất, quanh năm gió lộng. Đó là sự an ủi lớn nhất của người dân nơi đây khi đi xa về. Từ dốc Gió vào đến trung tâm Đồi Thung khoảng 1 km, đường cũng trắc trở. Vì thế nên bao đời nay, những câu chuyện về giao thông Đồi Thung vẫn râm ran bên bếp lửa. Người dân nơi đây coi đó là những câu chuyện cười, những điều khó tin nhưng mà có thật và vẫn đang xảy ra...

 

“Truyện cười của người vùng cao"

 

11 giờ trưa, Đồi Thung vẫn ẩn hiện trong mây mù. Sau những cái bắt tay thân mật, câu chuyện của chúng tôi trở nên rôm rả, sống động với những giai thoại bi hài xung quanh con đường về Đồi Thung. Bi hài nhất có lẽ là chuyện khiêng các sản phụ xuống trạm xá. Chị Bạch Thị Nghệ, xóm Thung 1 là minh chứng sinh động nhất: Thấy chị đau bụng trở dạ, gia đình lấy võng khiêng xuống trạm xá nhưng vừa đi được nửa đường đứa trẻ đã đòi chui ra. Chẳng còn cách nào khác, gia đình đành đỡ đẻ giữa núi rừng hoang vu, trong khi dụng cụ đỡ đẻ chỉ có mỗi chiếc đen pin. Lúc này, để cắt rốn cho đứa bé, mọi người phải bẻ cây nứa. May sao, mẹ tròn, con vuông và đứa trẻ lớn lên mạnh khỏe hay câu chuyện của chị Bạch Thị Mai, xóm Thung 2 cũng bi hài không kém. Chuyện là, sau khi đã sinh nở xong ở trạm xá, gia đình khiêng hai mẹ con về nhà. Quãng đường xa, dốc nên người nhà phải thay nhau khiêng. Khi đã vượt qua dốc Gió, ai nấy đều vui mừng vì chỉ còn một đoạn nữa là về đến nhà nhưng không may võng bị đứt, mọi người được phen hú vía. Được biết, đó không phải là những trường hợp duy nhất. Cũng do đường xá cách trở, chẳng ít trường hợp người ốm nặng khiêng đi nửa đường phải quay lại mổ lợn cúng, bái.

 

Trong buổi chiều hôm đó, chúng tôi được đi khắp Đồi Thung. Sự đổi thay đáng kể nhất nơi đây đã có điện, nhiều hộ đã mua được ti vi, máy xay xát nhưng vẫn còn những hộ chưa đủ tiền để kéo điện về nhà. Có nhiều hộ không thể đi xe máy vào nhà, ví như 20 hộ ở tận cùng Thung 2. Đường vào nhà ông Bùi Văn Mợm như lối vào rừng. Ông Mợm sống cảnh gà trống nuôi con. Nhà ông thuộc diện nghèo khó nhất xóm, căn nhà tuềnh toàng, vật dụng giá trị nhất là chiếc ti vi con trai đi làm mới mua được gần 1 năm. Đứa con trai đầu của ông mới học hết lớp THPT, đứa thứ THCS chưa biết đến mặt chữ. Do chỉ có trường mầm non và cấp tiểu học nên tỷ lệ học lên cấp THCS và THPT của Đồi Thung không nhiều. Hiện cả Đồi Thung chỉ có 16 em học cấp THPT. Không đi học tiếp, nhiều em đi làm thuê. Có em ở nhà lấy vợ, lấy chồng nên năm nào Đồi Thung cũng có trường hợp tảo hôn...

 

 Giao thông quá trắc trở nên nhiều cây trồng có tiềm năng chưa thể phát triển; hệ thống thủy lợi được kiên cố hóa ở mức khiêm tốn; công trình nước sạch được xây dựng từ những năm trước đây, giờ không phát huy được hiệu quả. Hiện tỷ lệ hộ nghèo ở cả 2 Thung còn khá cao: Thung 1  37% (30/81 hộ), Thung 2  49% (49/100 hộ), còn lại thuộc diện cận nghèo. 

 

Rời Đồi Thung khi những tảng đá đã xám màu lạnh, chúng tôi lại gồng mình hạ sơn với những cảm xúc đan xen. Dẫu nghèo khó nhưng nơi đây hầu như  nhà nào cũng có 1 chiếc chiêng trong nhà. Lễ  ra đồng cầu mưa thuận, gió hòa với đủ các nét văn hóa đặc sắc của người Mường năm nào Đồi Thung cũng tổ chức. Chúng tôi nhớ hình ảnh những chùm quýt cổ sai trĩu cành nhưng cũng chẳng biết bán cho ai. Tin rằng, nếu có một con đường thuận lợi thì mảnh đất đầy tiềm năng này sẽ sớm thoát nghèo.

 

 

 

 

                                                                           Viết Đào (CTV)

                               

 

                                                                      

 

 

Các tin khác

Ngoài bán cơm với giá rẻ, hàng tháng, Cơm Quê còn phát tặng vở, bút cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Trong ảnh: Cơm Quê tặng vở, bút cho các em học sinh Trường Tiêu học Tân Vinh, huyện Lương Sơn).
Cây cầu treo dân sinh được xây dựng đã xóa tan nỗi lo của người dân vào mùa mưa bão, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế.
Hiện trường vụ nổ đầu đạn pháo 105mm xảy ra ngày 07/12/2015 tại xã Trung Minh làm 2 người tử vong
Nhờ nguồn lực từ chương trình 135, đường làng được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc Dao ở xóm Đồng Bưởi , xã Trường Sơn (Lương Sơn) từng bước ổn định cuộc sống.

Những tỷ phủ cam Cao Phong: Ô tô hạng sang, biệt thự đã là chuyện thường ngày

(HBĐT) - Được công nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong, cam Cao Phong tiếp tục khẳng định là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về chất lượng và giá cả. Sau mỗi vụ cam, những người ra nhập đội quân tỷ phủ ở Cao Phong ngày một nhiều hơn trở thành niềm mơ ước của không chỉ nông dân tỉnh nhà, mà còn của toàn quốc

Phía sau vụ sập lò than ở Lỗ Sơn (Tân Lạc): Rủi ro những chuyến đi làm ăn xa của người dân ở Mường Vang

(HBĐT) - Sức “nóng”, nỗi tang thương của vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn những ngày qua đã tạm lắng. Nhưng ám ảnh về nỗi đau mất mát vẫn đang còn hiện hữu trong cuộc sống nơi vùng quê nghèo Phú Lương (Lạc Sơn). Còn đó, trong giấc ngủ chập chờn mộng mị tiếng con trẻ gọi cha; còn đó vành khăn trắng và nỗi ám ảnh của những người trở về... Dẫu tang thương, chia lìa, nhưng sức “nóng”của những chuyến đi làm ăn xa vẫn luôn ám ảnh người dân chốn quê nghèo.

Xã Đồng Ruộng – gập ghềnh bài toán xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện hơn 70 km, Đồng Ruộng chịu sự ảnh hưởng lớn từ vị trí địa lý cách trở, địa hình núi đá, dân cư phân bố rải rác, kinh tế chậm phát triển, nhiều tiêu chí như giao thông, y tế, … còn bỏ ngỏ chưa có hướng giải quyết khiến cho chương trình xây dựng NTM nơi đây gặp nhiều trắc trở.

Sức sống mới ở bản nghèo Nước Ruộng

(HBĐT) - Cách đây 6 năm, dù chỉ cách đường tỉnh lộ 12B hơn 5 km nhưng xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) được coi như chốn thâm sơn, cùng cốc, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Sau 5 năm (2011-2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, Nước Ruộng đang khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống.

Đặc sắc lễ hội cam Cao Phong

(HBĐT) - Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội cam Cam Phong (28 – 29/10), đã có hàng nghìn người náo nức đổ về điểm tổ chức để khám phá và chứng kiến những sắc màu lễ hội. Và hẳn là đến giờ, trong lòng bao người vẫn còn cảm giác lâng lâng cùng dư âm lễ hội.

Niềm vui trở lại Cối Cáo

(HBĐT) - Băng qua con đường gồ ghề, cuộn đầy bụi mù đến với Cối Cáo, xã Tự Do (Lạc Sơn), mảnh đất này trước kia từng có một thời bị cô lập, xa lánh bởi căn bệnh quái ác mà người dân gọi là “hủi lùn”, thực chất là bệnh phong. Tuy nhiên, những ám ảnh về căn bệnh này giờ đây đã chìm vào quá khứ khi y học phát triển, sản xuất được thuốc đặc trị và đem lại một luồng sáng mới cho cuộc sống đầy khó khăn của người dân nơi đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục