Xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) vẫn là xóm có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận lợi.
(HBĐT) - Vừa qua, phóng viên Báo Hoà Bình đã nhận được phản ánh của một số người dân xóm Bưng, xã Quy Hậu (Tân Lạc) về việc học sinh trong xóm không có danh sách được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ cho con em vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Trong khi đó, học sinh ở địa bàn thuận lợi hơn vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách này. Chúng tôi đã về Tân Lạc để tìm hiểu, làm rõ vấn đề này.
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng xóm Bưng, xã Quy Hậu bức xúc: Thực hiện Quyết định của UBND tỉnh, đến tháng 9/2014, trường tiểu học và THCS xã Quy Hậu đã chi trả cho mỗi em học sinh hơn 10 triệu đồng tiền chế độ, chính sách hỗ trợ cho con em vùng ĐBKK học bán trú theo quy định của Chính phủ cho các cháu học ở xóm Dom và xóm Bậy. Còn ở xóm Bưng cũng là xóm 135 của xã nhưng các cháu học sinh không được hưởng chế độ theo quy định. Trong khi đó, xóm Bưng cũng là xóm có điều kiện kinh tế, giao thông đi lại khó khăn. Còn xóm Dom chỉ cách trường có 3 km, xóm Bậy có tuyến quốc lộ 6 chạy qua không khó khăn về điều kiện giao thông đi lại nhưng vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách cho học sinh bán trú. Thấy vậy, tôi có xuống Phòng GD&ĐT huyện để hỏi thì được trả lời là khi kê khai danh sách học sinh xóm Bưng, xã không nhất trí để cho học sinh xóm Bưng được hưởng chế độ hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn học bán trú. Tiếp đó, tôi có gửi đơn lên UBND huyện để hỏi được đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện trả lời bằng văn bản là học sinh xóm Bưng đương nhiên được hưởng chế độ và giao cho Phòng GD&ĐT lập hồ sơ bổ sung. Sau đó, về phía Phòng GD&ĐT có trả lời là xóm Bưng không đủ 7 km từ nhà đến trường đối với học sinh THCS theo quy định nên không được hưởng chế độ hỗ trợ. Còn đối với học sinh tiểu học vẫn được hưởng theo quy định. Tuy nhiên, các cháu học sinh ở xóm Bưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ theo quy định. Trong khi học sinh ở các xóm Dom, Bậy đã được nhận tiền từ tháng 9/2014.
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Trần Văn An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc được biết: vào khoảng tháng 9/2014, Phòng GD&ĐT huyện nhận được đơn của nhân dân xóm Bưng đề nghị làm rõ việc học sinh xóm Bưng không được hưởng chế độ hỗ trợ học sinh bán trú ở vùng ĐBKK. Về việc này, Phòng đã có công văn trả lời người dân. Trong đó đã nêu rõ: Căn cứ vào hướng dẫn số 138/SGD&ĐT-STC-SKH& ĐT ngày 10/1/2013 về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 65 ngày 22/12/2011 của liên Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT ban hành một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, đối tượng được hưởng hỗ trợ học sinh bán trú là học sinh tiểu học và THCS bán trú học tại trường tiểu học, THCS công lập ở vùng có điều kiện KT-XH ĐBKK do nhà ở xa trường, địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn, không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày. Căn cứ Quyết định số 1030 ngày 2/8/2012 của UBND tỉnh quyết định về việc phê duyệt quy định danh mục mức km làm căn cứ xác định học sinh bán trú được hỗ trợ theo quy định tại Thông tư liên bộ số 65 không có xóm Bưng trong danh sách xóm có học sinh được hỗ trợ. Theo hướng dẫn và Quyết định nêu trên, học sinh xóm Bưng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú.
Trả lời những thắc mắc về việc xóm Dom chỉ cách trường 3 km, xóm Bậy có quốc lộ đi qua mà vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ cho học sinh bán trú, ông Trần Văn An cho biết: Xóm Dom tuy chỉ cách trường khoảng 3 km nhưng đây là xóm có điều kiện đặc thù về giao thông khi đường đi học của các em phải đi qua suối, chưa có cầu. Còn đối với xóm Bậy, thời điểm lập danh sách hỗ trợ trên tuyến quốc lộ 6 có các điểm sạt lở. Các yếu tố này phù hợp theo các quy định nên đã được đề nghị hỗ trợ. Vừa qua, Phòng GD&ĐT cũng đã có tờ trình UBND huyện về việc xin bãi bỏ chế độ hỗ trợ học sinh bán trú của xóm Bậy do tuyến quốc lộ 6 đã thi công xong việc chống sạt lở. Do vậy, xóm Bậy không còn nằm trong các địa bàn đặc thù được hưởng chế độ hỗ trợ để đảm bảo sự công bằng.
Tuy nhiên, tại buổi tiếp, trả lời công dân định kỳ của lãnh đạo huyện Tân Lạc ngày 6/10/2014, sau khi lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân xóm Bưng, đồng chí Đinh Công Sứ, Chủ tịch UBND huyện đã nói rõ: Việc thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú đối với học sinh tiểu học ở địa bàn ĐBKK là đối tượng đương nhiên được hưởng. Đối với cấp THCS giao cho phòng GD&ĐT lập hồ sơ bổ sung đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định. Về phía ông Trần Văn An cũng đã khẳng định là học sinh bậc tiểu học ở xóm Bưng đương nhiên được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư liên bộ số 65. ông cũng cho biết thêm: Việc cấp tiền chế độ hỗ trợ cho học sinh bán trú ở địa bàn khó khăn bậc tiểu học đã được Phòng GD&ĐT huyện chuyển về các trường trong toàn huyện, trong đó có danh sách các em học sinh tiểu học ở xóm Bưng, trường tiểu học xã Quy Hậu. Việc chi trả chế độ hỗ trợ cho các cháu tôi cũng không hiểu tại sao chưa được thực hiện!
Tìm hiểu vấn đề này tại trường tiểu học Quy Hậu, chị Đỗ Thị Lan Anh, kế toán nhà trường cho biết: Việc chi trả chế độ hỗ trợ cho các cháu, chúng tôi đảm bảo làm đúng theo quy định. Đến nay, nhà trường đã chi trả chế độ hỗ trợ cho các cháu với tổng số tiền hơn 340 triệu đồng. Còn việc các cháu ở xóm Bưng không được nhận tiền hỗ trợ là do chúng tôi không thấy có danh sách đưa về. Nhà trường cũng đã hỏi Phòng GD&ĐT huyện về vấn đề này nhưng được trả lời là căn cứ theo Quyết định số 1030 ngày 2/8/2012 của UBND tỉnh, trong đó chỉ có xóm Dom và xóm Bậy được hưởng chứ không có xóm Bưng. Do vậy, chúng tôi cũng chỉ phát tiền hỗ trợ cho các cháu học sinh ở 2 xóm nêu trên. Vừa qua, nhà trường cũng đã nhận được sự chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện về việc lập danh sách bổ sung học sinh ở xóm Bưng vào diện được hưởng chế độ hỗ trợ. Hiện chúng tôi cũng đã hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền. Khi nào có tiền, chúng tôi sẽ tổ chức chi trả cho các cháu.
Như vậy, ở đây, việc chi trả chế độ cho học sinh các xóm ĐBKK học bán trú bậc tiểu học ở xã Quy Hậu đã có những sai sót, việc tổ chức thực hiện chưa có sự kiểm tra, rà soát một cách chặt chẽ. Chỉ đến khi người dân phản ánh, sự việc mới được đề cập giải quyết. Qua vụ việc này cũng là bài học để các cấp, ngành có sự quan tâm, kiểm tra, rà soát một cách sát sao việc triển khai, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách đối với đồng bào dân tộc, nhất là ở vùng ĐBKK, tránh gây những bức xúc, dư luận xấu trong nhân dân để việc thực hiện các chính sách được đảm bảo đem lại hiệu quả tích cực trong đời sống người dân.
Mạnh Hùng
(HBĐT) - Tập tục di canh, di cư từ lâu đã tồn tại trong cách sống của đồng bào dân tộc Dao, thế nên mới có chuyện 10 năm họ chuyển đến dăm vài chỗ. Người Dao ở xóm Đồng Bưởi, xã Trường Sơn (Lương Sơn) sau nhiều lận đận, gập gềnh, cuối cùng họ đã tìm được “bến đỗ” để an cư, lạc nghiệp. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là hiệu quả thiết thực mà chương trình 135 đem lại.
(HBĐT) - Được công nhận Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm Cam Cao Phong, cam Cao Phong tiếp tục khẳng định là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại về chất lượng và giá cả. Sau mỗi vụ cam, những người ra nhập đội quân tỷ phủ ở Cao Phong ngày một nhiều hơn trở thành niềm mơ ước của không chỉ nông dân tỉnh nhà, mà còn của toàn quốc
(HBĐT) - Sức “nóng”, nỗi tang thương của vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn những ngày qua đã tạm lắng. Nhưng ám ảnh về nỗi đau mất mát vẫn đang còn hiện hữu trong cuộc sống nơi vùng quê nghèo Phú Lương (Lạc Sơn). Còn đó, trong giấc ngủ chập chờn mộng mị tiếng con trẻ gọi cha; còn đó vành khăn trắng và nỗi ám ảnh của những người trở về... Dẫu tang thương, chia lìa, nhưng sức “nóng”của những chuyến đi làm ăn xa vẫn luôn ám ảnh người dân chốn quê nghèo.
(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện hơn 70 km, Đồng Ruộng chịu sự ảnh hưởng lớn từ vị trí địa lý cách trở, địa hình núi đá, dân cư phân bố rải rác, kinh tế chậm phát triển, nhiều tiêu chí như giao thông, y tế, … còn bỏ ngỏ chưa có hướng giải quyết khiến cho chương trình xây dựng NTM nơi đây gặp nhiều trắc trở.
(HBĐT) - Cách đây 6 năm, dù chỉ cách đường tỉnh lộ 12B hơn 5 km nhưng xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) được coi như chốn thâm sơn, cùng cốc, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Sau 5 năm (2011-2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, Nước Ruộng đang khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống.
(HBĐT) - Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội cam Cam Phong (28 – 29/10), đã có hàng nghìn người náo nức đổ về điểm tổ chức để khám phá và chứng kiến những sắc màu lễ hội. Và hẳn là đến giờ, trong lòng bao người vẫn còn cảm giác lâng lâng cùng dư âm lễ hội.