Ngoài bán cơm với giá rẻ, hàng tháng, Cơm Quê còn phát tặng vở, bút cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn (Trong ảnh: Cơm Quê tặng vở, bút cho các em học sinh Trường Tiêu học Tân Vinh, huyện Lương Sơn).
(HBĐT) - Nhịp sống càng hối hả, gánh nặng về cơm, áo, gạo, tiền ngày càng gia tăng khiến con người ngày càng trở nên bon chen, ích kỷ hơn. Thế nhưng, vẫn còn đó những tấm lòng thơm thảo và câu chuyện về quán cơm 2.000 đồng/suất ở thị trấn Lương Sơn (Lương Sơn) là một minh chứng.
Đó là quán Cơm Quê, số nhà 74A, Tiểu khu 13, thị trấn Lương Sơn. Khai trương ngày 28/10 trong sự ngỡ ngàng và hoài nghi của nhiều người với giá chỉ 2.000 đồng/suất cơm, trong khi ở các quán khác, giá bình dân nhất cũng phải 15.000 đồng/suất. Trước việc làm lạ đời đó, không ít người tò mò đã đến “mục sở thị” và đều tấm tắc khen ngợi trước việc làm cao đẹp của chủ quán. Người sáng lập và chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động của quán là anh Nguyễn Viết Đức, sinh ra và lớn lên ở Tiểu khu 11, thị trấn Lương Sơn, hiện đang định cư ở Cộng Hòa Liên Bang Đức. Những lần về quê, chứng kiến nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, năm 2010, mỗi tháng anh Đức đã trao 10 suất học bổng trị giá 500.000 đồng, duy trì trong vòng 1 năm.
Anh Nguyễn Viết Dương, em trai ruột của anh Đức và là người quản lý trực tiếp quán Cơm Quê chia sẻ: “Thực ra, ý tưởng này anh ấy đã ấp ủ từ lâu nhưng phải đến bây giờ mới làm được. Mục đích của Cơm Quê không phải là quán cơm từ thiện, mà đơn giản là chia sẻ những suất cơm ngon bổ ích, giúp mọi người có thể tiết kiệm thêm đôi chút cho cuộc sống. Hy vọng rằng, có thể được nhân rộng khắp các miền quê ở Bắc bộ, cũng như cả nước”.
Cơm Quê không phân biệt đối tượng khách hàng, tất cả mọi người đều được bán suất cơm với giá 2.000 đồng. Quán phục vụ vào trưa thứ 2, thứ 4 và thứ 6 hàng tuần, mỗi ngày 100 suất. Những ngày đầu, quán dành 30 suất bán cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa huyện Lương Sơn, tuy nhiên, 2 tuần trở lại đây do không có nhân viên của bệnh viện đặt cơm nên việc này tạm dừng lại. Có mặt ở Cơm Quê, chúng tôi không khỏi bất ngờ với không gian sạch sẽ và đầy thẩm mỹ với nhiều bức tranh, ảnh mang thông điệp ý nghĩa về sự sẻ chia. Từ bàn ăn đến nhà bếp, chỗ vệ sinh cá nhân sau khi dùng bữa xong đều được quán chăm chút. Thực đơn hằng ngày có 4 món: 1 mặn, 1 xào, 1 luộc và 1 canh.
Khoảng 10 giờ 30, rất đông các em học sinh đến ăn cơm, sau khi bỏ tiền vào hòm, mỗi khách hàng được phát một vé ăn để sang lấy cơm và thức ăn. Đó là cách quán kiểm soát số suất cơm đã bán và số còn lại để kịp thời thông báo hết cơm cho khách hàng biết. Chị Trần Thị Điệp, thị trấn Lương Sơn mỗi ngày bình quân thu nhập khoảng 50.000 đồng từ công việc buôn bán đồng nát. Chị là một khách hàng thân thuộc của quán: “Ý nghĩa lắm, rất cảm ơn quán. Cơm vừa ngon, lại vừa rẻ”. Bà Bất cũng là một khách hàng thân thuộc của quán: chồng mất, các con đi làm ăn xa chỉ một mình bà ở nhà nên từ khi Cơm Quê khai trương, bà đã vơi đi nhiều nỗi vất vả. Ngoài ra, hôm nay, chúng tôi còn gặp không ít khách hàng là người đi đường lần đầu tiên vào quán. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ, 100 suất cơm đã hết nhẵn, không ít khách hàng đến muộn đành phải đợi đến hôm sau. Chúng tôi may mắn được chủ quán ưu tiên bán cho một suất cơm và cảm nhận được những tình cảm chứa chan trong từng hạt cơm, miếng thịt mà Cơm Quê đem lại.
Tổng kinh phí hàng tháng để Cơm Quê hoạt động khoảng 38 triệu đồng, bao gồm cả tiền mua thức ăn, thuê mặt bằng, điện, nước và trả lương cho 4 nhân viên. “Hằng ngày mình phải tổng hợp thu, chi để gửi mail (gửi thư điện tử) báo cáo cho anh trai. Cuối tháng, Cơm Quê sẽ công khai chi phí hoạt động, doanh thu qua việc bán hàng và tài trợ của những tổ chức, cá nhân (nếu có) muốn đồng hành san sẻ khó khăn, cũng như kéo dài hoạt động của Cơm Quê”, anh Dương cho biết thêm.
Được biết, ngoài mở quán ăn giá rẻ, ngày 30/11/2015, Cơm Quê đã phát tặng 400 cuốn vở, 200 chiếc bút cho các em học sinh Trường Tiểu học Tân Vinh (Lương Sơn). Theo chia sẻ của anh Dương, trong thời gian tới, mỗi tháng Cơm Quê sẽ phát tặng một trường, không chỉ trên địa bàn huyện Lương Sơn, mà còn ở các huyện khác trong tỉnh nhằm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn cho biết: Trước khi khai trương, Cơm Quê đã báo cáo và Trạm Y tế đã tiến hành kiểm tra về vấn đề an toàn VSTP. Đây là một mô hình mới nên chúng tôi sẽ bám sát, theo dõi. Nếu hoạt động tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đây là việc làm rất có ý nghĩa, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Rời Cơm Quê sau một buổi sáng được tận mắt chứng kiến hoạt động của quán và thưởng thức suất ăn “rẻ như cho”, chúng tôi thự sự cảm thấy ấm lòng trước những gì mà Cơm Quê đem lại. Bức tranh thêu dòng chữ Thư pháp “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, tên một nhạc phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khiến chúng tôi suy ngẫm mãi...
Viết Đào (CTV)
(HBĐT) - Sức “nóng”, nỗi tang thương của vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn những ngày qua đã tạm lắng. Nhưng ám ảnh về nỗi đau mất mát vẫn đang còn hiện hữu trong cuộc sống nơi vùng quê nghèo Phú Lương (Lạc Sơn). Còn đó, trong giấc ngủ chập chờn mộng mị tiếng con trẻ gọi cha; còn đó vành khăn trắng và nỗi ám ảnh của những người trở về... Dẫu tang thương, chia lìa, nhưng sức “nóng”của những chuyến đi làm ăn xa vẫn luôn ám ảnh người dân chốn quê nghèo.
(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện hơn 70 km, Đồng Ruộng chịu sự ảnh hưởng lớn từ vị trí địa lý cách trở, địa hình núi đá, dân cư phân bố rải rác, kinh tế chậm phát triển, nhiều tiêu chí như giao thông, y tế, … còn bỏ ngỏ chưa có hướng giải quyết khiến cho chương trình xây dựng NTM nơi đây gặp nhiều trắc trở.
(HBĐT) - Cách đây 6 năm, dù chỉ cách đường tỉnh lộ 12B hơn 5 km nhưng xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) được coi như chốn thâm sơn, cùng cốc, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Sau 5 năm (2011-2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, Nước Ruộng đang khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống.
(HBĐT) - Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội cam Cam Phong (28 – 29/10), đã có hàng nghìn người náo nức đổ về điểm tổ chức để khám phá và chứng kiến những sắc màu lễ hội. Và hẳn là đến giờ, trong lòng bao người vẫn còn cảm giác lâng lâng cùng dư âm lễ hội.
(HBĐT) - Băng qua con đường gồ ghề, cuộn đầy bụi mù đến với Cối Cáo, xã Tự Do (Lạc Sơn), mảnh đất này trước kia từng có một thời bị cô lập, xa lánh bởi căn bệnh quái ác mà người dân gọi là “hủi lùn”, thực chất là bệnh phong. Tuy nhiên, những ám ảnh về căn bệnh này giờ đây đã chìm vào quá khứ khi y học phát triển, sản xuất được thuốc đặc trị và đem lại một luồng sáng mới cho cuộc sống đầy khó khăn của người dân nơi đây.
(HBĐT) - Đã nhiều năm nay, người dân ở xóm Khoang, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) phải sang xã Phú Lương “cõng” điện về làng. Thế nhưng, do đường dây xa, lại có quá nhiều hộ chung nhau nên ánh điện chỉ lập lè như đom đóm. Đặc biệt, ở xóm nghèo này vẫn còn những hộ bao đời nay chỉ leo lét bên ánh đèn dầu...