Cây cầu treo dân sinh được xây dựng đã xóa tan nỗi lo của người dân vào mùa mưa bão, tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Con đường bê tông được xây dựng và hiện đã hoàn thành 3/4 quãng đường đưa chúng tôi chạy thẳng đến xóm Sổ, xã Trung Thành, huyện Đà Bắc (1 trong 36 xóm khó khăn nhất tỉnh ta). Cây cầu treo dân sinh mới toanh bắc qua suối Sổ trong sự vui mừng khôn xiết của người dân. Xa xa trên triền đồi, những đồi keo lai vươn sắc xanh mướt. Đó là bức tranh đầy sức sống thể hiện cho những sự chuyển mình của bà con người Tày ở nơi xa xôi này .
Xóm Sổ nằm ở vị trí như lòng chảo, nép mình vào dãy núi; xóm có 58 hộ, 220 nhân khẩu, trên 90% là bà con dân tộc Tày. Những ngày trung tuần của tháng cuối năm, con đường ngoằn ngoèo dẫn vào xóm Sổ trở nên thật lãng mạn với những bông lau ẩn hiện trong làn sương trắng, thảng lại gặp những bông hoa trạng nguyên đỏ sặc sỡ, mặc cho cái lạnh như cứa vào da thịt.
“Bây giờ, đi từ trụ sở UBND xã vào Sổ chỉ 15 – 20 phút thôi, trước đây vào ngày mưa đi cả tiếng đồng hồ”, bà Đinh Thị Lộc, Trưởng xóm Sổ mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy. Theo chia sẻ của bà Lộc, khi chưa có đường, xóm Sổ chỉ biết đến rừng núi, cô lập và khó trăm bề. Đó là khó về tiêu thụ nông sản, làm được 5 tấn ngô thì gùi mòn cả bờ vai, gặp dạo mưa bão thì ngô để thối dưới gầm sàn. Mùa mưa bão cũng là mùa của sự lo âu, cây cầu trước đây bắc qua suối Sổ đã bị mưa lũ cuốn trôi từ năm 2007, gần chục năm trời lội suối, không ít chuyện bi hài đã xảy ra. Câu chuyện cho con vào túi ni lông bơi qua suối để đưa ra xã tiêm phòng của anh Xa Văn Thực vẫn khiến người dân nơi đây hú vía khi nhắc lại. Khi qua được bờ bên kia, đứa trẻ tím tái vì ngạt thở, may mắn là không có chuyện đáng tiếc xảy ra. Đó là chưa kể đến chuyện đi học của con em trong xóm hay những lúc đau ốm...
Thế nhưng, những chuyện đó đã dần trôi vào ký ức của người dân xóm Sổ. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, năm 2010, xóm được hỗ trợ trồng rừng từ dự án 161 và năm nay đã có nhiều hộ cho khai thác với số tiền lãi đến vài chục triệu đồng. Đến năm 2013, cả xóm có điện và giờ nhà nào cũng sắm được ti vi. Nói như người dân xóm Sổ: “Khi cái đầu được mở mang, cái bụng cũng no dần lên”. Vui hơn cả là năm 2015, lần lượt từ đường giao thông đến cầu treo được xây dựng. Bí thư Chi bộ Lường Văn Thảo phấn khởi: “Từ nay sẽ không lo cảnh cô lập như ốc đảo vào mùa mưa bão nữa. Có cầu, có đường rồi thì các cháu đi học sẽ thuận lợi hơn, keo bán được giá cao”. Ông Thảo cho biết, xóm có tiềm năng trồng rừng lên tới 90 ha nhưng trước đây người dân chưa nhìn thấy lợi ích mang lại nên mới trồng 32 ha. Do đó, thời gian tới, việc trồng rừng sẽ là hướng phát triển kinh tế chủ lực của xóm. Cùng với đó, việc phát triển chăn nuôi cũng được chú trọng, nhất là chăn nuôi dê vì vật nuôi này ăn tạp, dễ chăm sóc và sinh trưởng nhanh; hiện xóm đã có 25 hộ nuôi dê. Ngoài ra, những năm trở lại đây, xóm Sổ đã đưa vào canh tác giống ngô, lúa, sắn có chất lượng, năng suất cao hơn. Một điều nữa mà người dân nơi đây rất tự hào, đó là việc vừa bắt nhịp với nếp sống văn minh, hiện đại; họ lại giữ được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Với những bước tiến đó, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xóm đã giảm từ 57% (năm 2014) xuống 41,3% (năm 2015). Tuy vẫn còn đó những niềm trăn trở như: lớp mầm non là nhà tranh, vách nứa được xây dựng từ lâu giờ xuống cấp nghiêm trọng; đường giao thông trong xóm rất khó khăn nhưng với những sự đổi thay từ nếp sống, nếp nghĩ, cách làm và sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền, chúng tôi cảm thấy đầy lạc quan về con đường XĐ-GN mà xóm Sổ đang đi.
Đồng chí Lường Văn Xiên, Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Với sự đầu tư về các cơ sở hạ tầng thiết yếu, xóm Sổ đã có những thay đổi tích cực. Điều phấn khởi nhất là bà con đã tìm ra hướng phát triển kinh tế và hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cải thiện đời sống. Thời gian tới, xã tiếp tục chú trọng thúc đẩy những lợi thế về trồng rừng và chăn nuôi của xóm, đồng thời huy động các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo bước đệm để bà con vươn lên thoát nghèo.
Viết Đào (CTV)
(HBĐT) - Là xã 135, cách trung tâm huyện hơn 70 km, Đồng Ruộng chịu sự ảnh hưởng lớn từ vị trí địa lý cách trở, địa hình núi đá, dân cư phân bố rải rác, kinh tế chậm phát triển, nhiều tiêu chí như giao thông, y tế, … còn bỏ ngỏ chưa có hướng giải quyết khiến cho chương trình xây dựng NTM nơi đây gặp nhiều trắc trở.
(HBĐT) - Cách đây 6 năm, dù chỉ cách đường tỉnh lộ 12B hơn 5 km nhưng xóm Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) được coi như chốn thâm sơn, cùng cốc, đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Sau 5 năm (2011-2015) triển khai chương trình xây dựng NTM, được sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền, Nước Ruộng đang khoác lên mình tấm áo mới đầy sức sống.
(HBĐT) - Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội cam Cam Phong (28 – 29/10), đã có hàng nghìn người náo nức đổ về điểm tổ chức để khám phá và chứng kiến những sắc màu lễ hội. Và hẳn là đến giờ, trong lòng bao người vẫn còn cảm giác lâng lâng cùng dư âm lễ hội.
(HBĐT) - Băng qua con đường gồ ghề, cuộn đầy bụi mù đến với Cối Cáo, xã Tự Do (Lạc Sơn), mảnh đất này trước kia từng có một thời bị cô lập, xa lánh bởi căn bệnh quái ác mà người dân gọi là “hủi lùn”, thực chất là bệnh phong. Tuy nhiên, những ám ảnh về căn bệnh này giờ đây đã chìm vào quá khứ khi y học phát triển, sản xuất được thuốc đặc trị và đem lại một luồng sáng mới cho cuộc sống đầy khó khăn của người dân nơi đây.
(HBĐT) - Đã nhiều năm nay, người dân ở xóm Khoang, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) phải sang xã Phú Lương “cõng” điện về làng. Thế nhưng, do đường dây xa, lại có quá nhiều hộ chung nhau nên ánh điện chỉ lập lè như đom đóm. Đặc biệt, ở xóm nghèo này vẫn còn những hộ bao đời nay chỉ leo lét bên ánh đèn dầu...
(HBĐT) - Đúng 16h ngày 23/11, công tác cứu hộ - cứu nạn (CHCN) các nạn nhân còn mắc kẹt trong vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn (Tân Lạc) kết thúc sau khi thi thể nạn nhân cuối cùng còn mắc kẹt được đưa ra khỏi miệng lò.