Nhờ nguồn lực từ chương trình 135, đường làng được bê tông hóa tạo điều kiện thuận lợi cho bà con dân tộc Dao ở xóm Đồng Bưởi , xã Trường Sơn (Lương Sơn) từng bước ổn định cuộc sống.
(HBĐT) - Tập tục di canh, di cư từ lâu đã tồn tại trong cách sống của đồng bào dân tộc Dao, thế nên mới có chuyện 10 năm họ chuyển đến dăm vài chỗ. Người Dao ở xóm Đồng Bưởi, xã Trường Sơn (Lương Sơn) sau nhiều lận đận, gập gềnh, cuối cùng họ đã tìm được “bến đỗ” để an cư, lạc nghiệp. Thành quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, đặc biệt là hiệu quả thiết thực mà chương trình 135 đem lại.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường nhựa được hoàn thiện từ năm 2008 chạy từ trung tâm xã Trường Sơn đến Đồng Bưởi, anh Nguyễn Văn Đặng, Công an viên giới thiệu khái quát: “Trước đây bà con người Dao ở Đồng Bưởi đời sống khó khăn, quanh năm đầu tắt, mặt tối mà vẫn nghèo nhưng bây giờ thì khác lắm, nhà nào cũng có gần chục ha rừng và làm được nhà xây kiên cố”. Quả đúng như vậy, vừa đặt chân đến Đồng Bưởi, chúng tôi đã cảm nhận được sự thay da, đổi thịt trong đời sống của bà con ở nơi này. Đó là những ngôi nhà mái bằng mới được xây dựng vẫn còn thơm mùi vôi vữa; điện, nước sạch đã về khắp bản và chỉ còn 2 hộ chưa có đường bê tông đến tận cổng.
Theo chia sẻ của Trưởng xóm Dương Chí Công: Đồng Bưởi là nơi sinh sống của bà con dân tộc Dao chuyển từ xóm Suối Bến, xã Tiến Sơn (Lương Sơn) lên khai hoang, định cư từ năm 1988; từ 4 hộ ban đầu, hiện xóm có 16 hộ, 74 nhân khẩu. Thời gian đầu, do giao thông cách trở và tập quán di canh, di cư vẫn ăn sâu trong nếp nghĩ nên bà con Đồng Bưởi gặp rất nhiều khó khăn, đời sống của họ phụ thuộc vào cây nứa, bó củi trong rừng, kiếm từng đồng đong gạo qua ngày. Đến năm 2008, khi có đường giao thông thuận lợi đến tận xóm, bà con được tiếp xúc, giao lưu với xã hội bên ngoài nên nhận thức từng ngày thay đổi; cùng với đó, năm 2010, xóm được hưởng lợi từ chương trình 135 và từ đây Đồng Bưởi thực sự lột xác.
Cụ Lý Kim Thắng, năm nay đã gần 80 tuổi vẫn nhớ như in 7 lần di cư về miền đất mới, mỗi lần rời đi là một lần tay trắng, sống cảnh tạm bợ nhà tranh, vách nứa. Thế nhưng, phải khi quyết định dừng chân ở Đồng Bưởi thì bà con mới an cư, lạc nghiệp, cụ tâm sự: “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người Dao chúng tôi giờ thay đổi nhiều lắm. Trước đây thiếu thốn đủ thứ, giờ nhà văn hóa được xây dựng khang trang, có điện, có nước và đường giao thông thuận lợi rồi nên mọi cái cũng tiến bộ hơn”. Điều cụ phấn khởi nhất là bà con đều nắm vững kỹ thuật trồng rừng nên thu nhập được cải thiện đáng kể; những lúc đau ốm cũng được hưởng chế độ ưu tiên của khu vực 135.
Cụ Triệu Thị Thao đang thêu thùa trong ngôi nhà mái bằng được xây dựng khang trang. Giờ cụ không còn lo cảnh nay ở mai đi như trước đây.
Đồng chí Bạch Chí Điển, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn khẳng định, chính nguồn lực từ chương trình 135 đã giúp Đồng Bưởi có được những bước tiến đổi đời như ngày hôm nay. Nói về bí quyết để đạt được những thành quả này, ông cho biết: “Nếu trước đây, các dự án hay các nguồn hỗ trợ từ trên xuống thường áp đặt nên xảy ra tình trạng cái cần không có, cái cho không phù hợp. Do vậy, từ năm 2008, chúng tôi luôn lập kế hoạch trước, họp bàn với người dân rồi tổng kết lại ý kiến, mong muốn của họ để báo cáo, đề xuất lên cấp trên đầu tư cho phù hợp với nguyện vọng của người dân. Chính điều đó đã giúp các dự án phát huy hiệu quả”.
Viết Đào
(HBĐT) - Trong 2 ngày diễn ra Lễ hội cam Cam Phong (28 – 29/10), đã có hàng nghìn người náo nức đổ về điểm tổ chức để khám phá và chứng kiến những sắc màu lễ hội. Và hẳn là đến giờ, trong lòng bao người vẫn còn cảm giác lâng lâng cùng dư âm lễ hội.
(HBĐT) - Băng qua con đường gồ ghề, cuộn đầy bụi mù đến với Cối Cáo, xã Tự Do (Lạc Sơn), mảnh đất này trước kia từng có một thời bị cô lập, xa lánh bởi căn bệnh quái ác mà người dân gọi là “hủi lùn”, thực chất là bệnh phong. Tuy nhiên, những ám ảnh về căn bệnh này giờ đây đã chìm vào quá khứ khi y học phát triển, sản xuất được thuốc đặc trị và đem lại một luồng sáng mới cho cuộc sống đầy khó khăn của người dân nơi đây.
(HBĐT) - Đã nhiều năm nay, người dân ở xóm Khoang, xã Phúc Tuy (Lạc Sơn) phải sang xã Phú Lương “cõng” điện về làng. Thế nhưng, do đường dây xa, lại có quá nhiều hộ chung nhau nên ánh điện chỉ lập lè như đom đóm. Đặc biệt, ở xóm nghèo này vẫn còn những hộ bao đời nay chỉ leo lét bên ánh đèn dầu...
(HBĐT) - Đúng 16h ngày 23/11, công tác cứu hộ - cứu nạn (CHCN) các nạn nhân còn mắc kẹt trong vụ sập hầm khai thác than ở Lỗ Sơn (Tân Lạc) kết thúc sau khi thi thể nạn nhân cuối cùng còn mắc kẹt được đưa ra khỏi miệng lò.
(HBĐT) - Gần 300 người gồm lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (CHCN) - Công an tỉnh; Bộ CHQS tỉnh; lực lượng Dân quân các xã Tử Nê, Lỗ Sơn, Gia Mô, Do Nhân; lực lượng cứu hộ hầm lò chuyên nghiệp của Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã và đang nỗ lực hết mình cho nhiệm vụ CHCN các nạn nhân còn mắc kẹt trong vụ sập hầm khu vực thăm dò mỏ khai thác than của Công ty TNHH Tân Sơn tại xóm Chiềng, xã Lỗ Sơn (Tân Lạc) xảy ra từ ngày 18/11/2015.
(HBĐT) - Do sự chia cắt của lòng hồ Sông Đà, xóm Ngòi, xã Ngòi Hoa (Tân Lạc) được người dân nơi đây ví von như một “ốc đảo”. Địa lý cách trở, đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn, đây là 1 trong 36 xóm khó khăn nhất của tỉnh. Ở bản nghèo này, bao năm qua vẫn có những cô giáo giàu nhiệt huyết, yêu trò như con, lặng thầm gieo chữ, bất kể ngày nắng hay mưa...