(HBĐT) - Chỉ khi được tận mắt nhìn thấy vườn cam đang vào vụ quả sai trĩu cành, chúng tôi càng cảm phục hơn những nỗ lực và nghị lực phi thường của nữ chiến sỹ dân quân Bùi Thị Tâm ở xã Kim Sơn (Kim Bôi).


Bùi Thị Tâm (trái) giới thiệu thành quả lao động của mình tại Đại hội thi đua quyết thắng LLVT huyện Kim Bôi giai đoạn 2012 - 2017.

 

Bùi Thị Tâm sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nghề nông nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tâm thi đỗ và theo học tại trường Cao đẳng Sư phạm Hoà Bình với ước mong khi ra trường sẽ về quê dạy học. Trong quá trình học tập tại trường, Bùi Thị Tâm có nhiều dịp được về chơi nhà bạn ở huyện Cao Phong. Khi về đây, nhìn những vườn cam bạt ngàn, trĩu quả mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng/năm, Tâm ngỡ ngàng và có đôi chút chạnh lòng. Tâm nghĩ: Cũng là đồng đất, cũng là những người nông dân nhưng sao ở quê mình quanh năm lam lũ cũng chỉ đủ ăn còn người nông dân ở đây nhà nào cũng tính đến tiền trăm, tiền triệu, có cuộc sống ấm no, đủ đầy. Trong 4 năm học, Tâm luôn đau đáu khát vọng đổi đời.

Tốt nghiệp ra trường, trở về quê với tấm bằng cử nhân loại khá nhưng Bùi Thị Tâm không xin được việc làm như mong muốn. Khi đó, ước vọng đổi đời ngay trên đồng đất quê hương ngày nào lại càng thôi thúc Tâm. Để thực hiện ước vọng đó, Bùi Thị Tâm bàn với gia đình cải tạo vườn tạp, chặt bỏ toàn bộ các loại cây ăn quả giá trị kinh tế thấp chuyển sang trồng cam. Tâm kể: Ban đầu, mọi người trong gia đình em không tin, không đồng tình và cuối cùng là chẳng ai ủng hộ. Phải vận động, thuyết phục mãi, nhất là khi em đưa ra được phương án, kế hoạch chuyển đổi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế gia đình. Khi đó, bố em rồi đến mẹ và các anh chị trong gia đình hiểu và hỗ trợ, động viên em thực hiện việc chuyển đổi, cải tạo vườn tạp để trồng cam.

Theo đó, toàn bộ diện tích 2 ha vườn, đồi rừng của gia đình được chuyển đổi sang trồng 1.600 gốc cam V2 và cam Canh. Quá trình chuyển đổi, xuống giống, Tâm đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình về chọn cây giống, kỹ thuật chăm sóc cây ban đầu của những người có kinh nghiệm ở vùng đất cam Cao Phong. "Do mới bắt tay vào làm, không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên cây cam của gia đình mình trồng chậm lớn, phát triển không đều lại bị sâu bệnh... Có những lúc nhìn vườn cam héo úa dần mà lòng cứ quặn thắt nhưng cũng chẳng biết làm thế nào”, Bùi Thị Tâm trải lòng về thất bại đầu tiên trên con đường khởi nghiệp làm giàu đầy khó khăn và chông gai của mình.

Thất bại nhưng điều đó dường như làm cho cô gái này càng trở nên mạnh mẽ hơn, nhất là khi tham gia vào trung đội dân quân cơ động của xã và được Ban CHQS huyện Kim Bôi cho đi thăm quan các mô hình phát triển kinh tế đem lại hiệu quả cao nhằm thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế vươn lên làm giàu chính đáng trong LLVT huyện. Khi ấy, Bùi Thị Tâm càng quyết tâm hơn.

Đứng lên từ thất bại, Bùi Thị Tâm đã một mình đi xe máy về trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội để tìm gặp những giảng viên, chuyên gia đầu ngành đề nghị họ tư vấn, giúp đỡ về kỹ thuật trồng cam. Cảm phục trước quyết tâm và nghị lực cũng như khát vọng làm giàu chính đáng của cô gái trẻ, trường Đại học Nông nghiệp I đã cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật và phân tích thổ nhưỡng... Được sự giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, chu đáo về kỹ thuật chăm sóc cộng với sự kiên trì của Tâm và những thành viên trong gia đình khi hàng ngày họ đều dậy từ rất sớm miệt mài chăm bẵm từng gốc cam đang lụi tàn, héo úa. Như có một phép màu, 1.600 gốc cam bị sâu bệnh đã hồi sinh mạnh mẽ, cây phát triển xanh tốt như một sự đền đáp xứng đáng với những khó khăn mà Bùi Thị Tâm và gia đình đã phải trải qua.

Xác định việc trồng cam ban đầu cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó, gia đình chưa có điều kiện, nên khi cây cam chưa khép tán, Tâm đã trồõng xen ghép các loại cây ngắn ngày như đậu, vừng, lạc để tăng thêm thu nhập, tăng độ che phủ đất, giảm lượng nước tưới vào mùa nắng nóng, khô hanh, đồng thời, tổ chức thêm chăn nuôi... Đến nay, sau 4 năm chăm sóc vất vả, vườn cam của Bùi Thị Tâm đã cho thu hoạch. Từ nguồn thu này, gia đình Bùi Thị Tâm đã trả hết nợ vay, đời sống ổn định với mức thu nhập hàng năm từ 300 - 350 triệu đồng (đã trừ hết chi phí).

Sự thành công của mô hình kinh tế đã trở thành động lực thôi thúc nhiều chiến sỹ "sao vuông” ở xã Kim Sơn nói riêng và huyện Kim Bôi nói chung vươn lên toả sáng bằng các mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao.


 Mạnh Hùng


Các tin khác


Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Gặp gỡ những điển hình lao động sáng tạo

Tuy khác nhau về tuổi đời, tuổi nghề và trình độ học vấn… nhưng đội ngũ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh nhà đều có điểm chung là tinh thần hăng say thi đua lao động sản xuất. Những ý tưởng, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào thực tiễn. Qua đó góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đồng thời khẳng định CNVCLĐ là lực lượng tiên phong trong phát triển KT - XH địa phương.

Nữ đoàn viên công đoàn tâm huyết với nghề giáo

Giản dị, thân thiện và gần gũi… đó là cảm nhận đầu tiên khi trò chuyện với chị Bùi Thị Phương Thảo, giáo viên Trường liên cấp Dạ Hợp (TP Hòa Bình). Là giáo viên trẻ tràn đầy nhiệt huyết, chị Thảo được đồng nghiệp và học sinh yêu mến không chỉ bởi giỏi về chuyên môn mà còn là đoàn viên sôi nổi, nhiệt tình tham gia các hoạt động do tổ chức công đoàn phát động.

“Nuôi lợn đất” - mô hình ý nghĩa hỗ trợ hội viên khó khăn

Thời gian qua, mô hình "Nuôi lợn đất” được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Yên Trị (Yên Thủy) triển khai thực hiện hiệu quả, có tính lan tỏa. Mô hình không chỉ tạo được ý thức tiết kiệm, quản lý chi tiêu gia đình trong hội viên phụ nữ mà qua đó khơi dậy tinh thần "tương thân tương ái”, giúp chị em khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Huyện Mai Châu lan tỏa những tấm gương điển hình học tập và làm theo Bác

Thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mai Châu đã có nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an sinh xã hội, QP-AN ở địa phương.

Trưởng Công an xã học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

"Hưởng ứng phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc” do Bộ Công an, Công an tỉnh phát động, từ năm 2012 đến đầu năm 2024, với vai trò là Đội trưởng Đội Tổng hợp, tôi đã tham mưu Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT). Tham mưu, phục vụ tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Bộ Công an về công tác đảm bảo ANTT; các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, thẩm định văn bản phục vụ chỉ đạo của Đảng uỷ, lãnh đạo Công an huyện, Huyện uỷ, UBND huyện. Tháng 2/2024, tôi được điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Công an xã Bảo Hiệu” - Trung tá Bùi Văn Tuần, Trưởng Công an xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục