(HBĐT) - Chúng tôi gặp Thượng úy Đào Ngọc Hồng, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh khi chị vừa trở về từ khóa đào tạo thạc sỹ Học viện An ninh nhân dân. Với thái độ cầu thị, ham học hỏi, Thượng úy Hồng cho rằng, để nắm chắc nghiệp vụ, vận dụng sáng tạo vào quá trình công tác đòi hỏi mỗi cán bộ phải tự học, tự rèn, tự tu dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực công tác. Có như vậy, mỗi cán bộ mới đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.


Thượng úy Đào Ngọc Hồng, cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh trao đổi nghiệp vụ với đồng đội.

Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Thượng úy Đào Ngọc Hồng đã thể hiện sự hiếu học và đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Năm 2010 trúng tuyển vào Học viện An ninh nhân dân, với thành tích học tập xuất sắc, năm 2013, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng khi còn là sinh viên. Sau khi tốt nghiệp, chị được phân công về Văn phòng Công an tỉnh, làm công tác tham mưu, giúp việc lãnh đạo trong chỉ đạo, điều hành các mặt công tác công an. Đây là lĩnh vực khó, đòi hỏi cán bộ tham mưu phải có trình độ phân tích, tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình, từ đó đề xuất các giải pháp đảm bảo ANTT và phòng, chống tội phạm từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Chị đề xuất lãnh đạo đơn vị triển khai quy trình tiếp nhận, xử lý văn bản để phù hợp với tình hình mới, giao việc cụ thể để gắn trách nhiệm người đứng đầu và trách nhiệm cá nhân. Từ đó, giúp lãnh đạo cấp trên chỉ đạo, xử lý có hiệu quả các mặt công tác, đồng thời kiểm điểm, chấn chỉnh tồn tại, hạn chế và cá thể hóa trách nhiệm. Tháng 3/2019, Thượng úy Đào Ngọc Hồng được điều động đến Thanh tra Công an tỉnh làm nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Khi Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao được thành lập, chị tiếp tục được lãnh đạo tin tưởng điều động nhiệm vụ mới. Theo Thượng úy Hồng, an ninh mạng nói chung, trong đó có tội phạm mạng diễn biến phức tạp, là vấn đề xã hội nhức nhối, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Để đấu tranh với loại tội phạm này, đòi hỏi cán bộ không chỉ thành thạo các ứng dụng khoa học công nghệ, nghiệp vụ sắc bén mà phải dự báo tốt tình hình, đi trước, đón đầu tội phạm, có như vậy mới chủ động phát hiện tội phạm. Chị và đồng đội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích, đánh giá hoạt động của tội phạm trên không gian mạng, nhất là thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để phạm tội. Trong đó nổi lên là hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc và đánh bạc qua mạng dưới các tài khoản ảo zalo, facebook hay giả danh các nhà mạng, cơ quan chức năng để phạm tội. Kiến nghị các cơ quan nhà nước khắc phục hàng nghìn lỗ hổng bảo mật, ngăn chặn thông tin xấu, độc, các bài viết xuyên tạc, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn trên không gian mạng. Từ đầu năm đến nay, Thượng úy Đào Ngọc Hồng và đồng đội đã phát hiện, xác minh 4 vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, xử phạt hành chính 2 đối tượng sử dụng mạng xã hội facebook đăng tải, bình luận sai sự thật xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức. Trích xuất, khôi phục 2 chứng cứ điện tử phục vụ công tác điều tra. Đặc biệt, thông qua công tác nghiệp vụ, chị và đồng đội xác minh, làm rõ đối tượng Hà Thị Thu, sinh năm 1987, trú tại tổ 11, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) sử dụng tài khoản "Huệ Phạm” để lừa đảo nhiều người với số tiền trên 2 tỷ đồng. Đây là vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận. Ngày 10/3/2022, cơ quan Công an đã triệu tập đối tượng để đấu tranh, Hà Thị Thu đã thừa nhận hành vi phạm tội.

Theo Thượng úy Đào Ngọc Hồng, không ngừng học tập và trau dồi kinh nghiệm đã giúp chị luôn chủ động trong công việc, nắm chắc và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn công tác. Ở bất kỳ lĩnh vực nào, chị đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, được các cấp, ngành tặng nhiều giấy khen, đồng đội ghi nhận, ủng hộ. Chị còn là tấm gương khuyến học, khuyến tài trong phong trào "Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị” do Công an tỉnh phát động.


Như Hùng

(Công an tỉnh)


Các tin khác


Cán bộ tiêu biểu của lực lượng cảnh sát nhân dân

(HBĐT) - Người chúng tôi nhắc đến là Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công anTP Hoà Bình. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Thiếu tá Hùng là sự khiêm tốn, trách nhiệm, kỷ luật trong công việc, cùng với cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) trong đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Người cán bộ nhiệt huyết với công tác an sinh xã hội

(HBĐT) - Trong những tháng gần đây, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình trên địa bàn TP Hòa Bình có nhiều chuyển biến tích cực.

Thương binh Phạm Đình Chiều - tấm gương tiêu biểu về sự nỗ lực phấn đấu

(HBĐT) - Trở về từ Thành cổ Quảng Trị với thương tật mất 55% sức khoẻ, tuy nhiên, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", ông Phạm Đình Chiều, tiểu khu Hoa Lư, thị trấn Bo (Kim Bôi) chủ động phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư. Với những nỗ lực không ngừng và những đóng góp tích cực, ông Chiều là 1 trong 7 thương binh của tỉnh dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Người làm vơi nỗi đau của nhiều gia đình liệt sĩ

(HBĐT) - Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Lợi đã ra mắt bạn đọc hai tập truyện ngắn và hai tập thơ. Anh khiêm tốn, không khoe khoang nên được bạn văn, bạn đọc quý mến. Ngày chưa về hưu, anh giữ nhiều chức vụ trong ngành Công an: Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị, Trưởng Công an huyện Lương Sơn… Hơn 40 năm công tác, anh đã được tặng 7 Huân, Huy chương, có một Huân chương Chiến công hạng nhất.

Cô giáo 17 năm chèo đò trên vùng hồ Hoà Bình đưa học sinh đến trường

(HBĐT) - Bằng lòng chân thành, nhiệt huyết, yêu thương con trẻ, suốt 17 năm ròng rã, cô giáo Quách Thị Bích Nụ vẫn bền bỉ chèo đò, đưa đón học sinh đến các chi trường xã vùng hồ Đồng Ruộng, huyện vùng cao Đà Bắc. Qua đó thắp lên tình yêu thương, nhân ái cho các em bước vào tương lai.

Người thầy giáo đam mê sưu tầm các câu chuyện về Bác Hồ

(HBĐT) - Hơn 20 năm qua, thầy giáo Trần Đức Long, giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Lạc Thủy cần mẫn tìm tòi, sưu tầm những tư liệu về Bác Hồ và tập trung nghiên cứu các chuyên đề về Người. Năm 2003, thầy Long là người đầu tiên giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện, thầy sở hữu "tài sản” trên 300 bài thơ của Bác Hồ và 6 chuyên đề nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục