(HBĐT) - 45 năm gắn bó với mảnh đất Hòa Bình, ông đã dành cho nơi đây một tình yêu trọn vẹn, sâu sắc. Tình yêu đó dẫn dắt ông đi qua muôn nẻo đường, tìm hiểu những mảnh đời, những câu chuyện, những lớp lang văn hóa hiển hiện trong cuộc sống… Để rồi, ông sáng tác không biết mệt mỏi những áng văn, bài thơ, bài báo, thậm chí, ông còn đi sâu nghiên cứu về lịch sử Hòa Bình thời kỳ trung đại và cho ra đời những cuốn sách được đánh giá cao về chuyên môn. Ông là nhà văn, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Văn nghệ Hòa Bình.


Nhà văn, nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh nghiên cứu tư liệu quý về mảnh đất và văn hóa Hòa Bình.

"Văn hóa và tình người Hòa Bình đã giữ tôi ở lại”

Năm 1976, tỉnh Hòa Bình sáp nhập với tỉnh Hà Tây (cũ) thành tỉnh Hà Sơn Bình. Một năm sau, tức năm 1977, Lê Va - khi đó là một chiến sỹ Công an nhân dân người Hà Tây (cũ) được điều lên Hòa Bình, nhận công tác tại Công an huyện Đà Bắc, đơn vị đóng tại khu vực Chợ Bờ. Lúc mới nhận nhiệm vụ thì rất hoang mang, chỉ mong hết 3 năm nghĩa vụ được về quê với điều kiện công tác thuận lợi hơn rất nhiều so với ở Hòa Bình. Nhưng rồi càng ở lâu càng gắn bó không muốn rời xa…

"Đưa tôi đến với Hòa Bình là quyết định của tổ chức, nhưng giữ tôi ở lại Hòa Bình là văn hóa, là tình người…” - nhà văn Lê Va tâm sự: "Càng gắn bó với mảnh đất này, tôi càng cảm nhận sâu sắc nghĩa tình mộc mạc, trong sáng của con người miền núi, càng yêu nếp sống yên bình, hạnh phúc nơi đây, càng trân trọng và muốn tìm hiểu nhiều hơn về các giá trị của nền văn hóa Hòa Bình…”.

Thời gian công tác tại Đà Bắc là khoảng thời gian có nhiều trải nghiệm quý giá đối với người chiến sỹ Công an nhân dân Lê Va. Ông tiếp xúc nhiều với bà con, tìm hiểu nhiều về bản sắc văn hóa của người Đà Bắc và "bén duyên” với nghề viết. Chính tình yêu với mảnh đất và văn hóa Hòa Bình đã giữ chân người chiến sỹ công an ở lại quê hương thứ hai và đưa duyên để ông trở thành nhà văn, nhà thơ chuyên viết về Hòa Bình.

Ông kể về cơ duyên đến với nghề viết bắt đầu từ năm 1978, khi ông viết một bài báo kể chuyện một người đàn ông Mường đã cứu sống 4 em bé bị đắm đò trên sông Đà vào mùa nước lũ. Bài báo được in trên Báo Hà Sơn Bình và giành giải nhất trong cuộc thi viết về "Gương người tốt - việc tốt”. Với phần thưởng là một chiếc bút máy Kim Tinh, nghiệp viết bắt đầu từ đó. Càng viết, càng thấy say mê và yêu tha thiết hơn mảnh đất, con người, văn hóa Hòa Bình. Tính đến nay, ông đã có 16 cuốn sách riêng và 4 tập bản thảo hoàn chỉnh viết về Hòa Bình. Đúng như ông nói: "Hòa Bình không phải nơi tôi sinh ra nhưng Hòa Bình là nơi tôi lớn!”. Một chữ "lớn” với trọn vẹn ý nghĩa, bao gồm cả tình yêu, tâm huyết, trí tuệ dành cho mảnh đất Hòa Bình.

Trọn tình yêu trong từng trang viết về Hòa Bình

Nhà văn Lê Va sinh năm 1959, quê quán tại Phú Lương, Hà Đông (Hà Nội), thường trú tại TP Hòa Bình. Sinh sống tại "quê hương thứ hai" đã 45 năm nay, nên ông dành trọn tình yêu cho mảnh đất này và thể hiện sinh động qua từng trang viết. Trong các sáng tác của ông, đã có 3 bài thơ được đưa vào chương trình ngữ văn địa phương tỉnh Hòa Bình do Bộ GD&ĐT xuất bản. Bài thứ nhất là "Người vùng cao đón khách”, ghi lại những trải nghiệm từ khi ông vừa đặt chân tới vùng núi cao Đà Bắc (năm 1977). Hai bài còn lại có tên: "Vẫn ngoài bàn tay” và "Tản bước sông đêm”, đều là những bài thơ thấm đẫm tình yêu với mảnh đất và văn hóa Hòa Bình.

Ngoài ra, Lê Va từng đạt nhiều giải thưởng trong vai trò là nhà báo, nhà văn, nhà thơ… Quá trình công tác, ông có nhiều hoạt động tích cực khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Điển hình như: Giải thưởng Cây bút vàng của Bộ Công an năm 2018; giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam năm 2020…

Đáng ghi nhận, một trong những hoạt động nổi bật của nhà văn Lê Va trong vai trò là hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam là việc tham gia thực hiện bộ sách thuộc đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam”. Tập ký "Như chưa hề có thác”, hay bộ sách ảnh "Bờ xưa” của ông được đánh giá cao, trở thành một phần quan trọng của đề án, góp phần quảng bá di sản văn hóa các dân tộc thiểu số ở Hòa Bình, hòa vào dòng chảy chung của văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, sau khi hoàn thành nhiệm vụ của ngành công an, Đại tá Lê Va được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Trên cương vị Chủ tịch Hội 2 nhiệm kỳ 2012 - 2017 và 2017 - 2022, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng để phát triển Hội lớn mạnh. Trong đó, dấu ấn nổi bật là thu hút thêm nhiều hội viên trẻ người Mường và tạo môi trường thuận lợi để hội viên sáng tác được nhiều tác phẩm hay về văn hóa Hòa Bình. Cá nhân ông tiếp tục có những ấn phẩm, những trang viết lay động lòng người liên quan đến lịch sử, văn hóa Hòa Bình. Gần đây, với tình yêu vô bờ với con người và mảnh đất xứ Mường Hòa Bình, nhà văn Lê Va đã tập trung tìm tòi và viết về thời kỳ trung đại của xứ Mường. Tâm huyết này đã được định hình qua các bản thảo công phu, tới đây sẽ xuất bản thành các ấn phẩm sách, ký sự rất đáng để độc giả đón đọc, điển hình như: Họ Quách tìm về (tập 1); Khớp phả (tập 1); Bờ xưa - Kỳ quan từ ký ức...

Thu Trang


Các tin khác


Người tiên phong phát triển kinh tế ở Nam Thượng

(HBĐT) - Không sợ thất bại, cần cù, ham học hỏi, ông Phạm Đình Lưu, thôn Đội 3, xã Nam Thượng (Kim Bôi) đã mạnh dạn trồng cây ăn quả có múi và chăn nuôi bò 3B theo hướng hàng hóa. Mô hình trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình ông Lưu đã thu hút nhiều bà con trong xã và các địa phương tới học tập kinh nghiệm.

Cán bộ tiêu biểu của lực lượng cảnh sát nhân dân

(HBĐT) - Người chúng tôi nhắc đến là Thiếu tá Nguyễn Đình Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự (CSGT-TT), Công anTP Hoà Bình. Ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với Thiếu tá Hùng là sự khiêm tốn, trách nhiệm, kỷ luật trong công việc, cùng với cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) trong đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Người cán bộ nhiệt huyết với công tác an sinh xã hội

(HBĐT) - Trong những tháng gần đây, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình trên địa bàn TP Hòa Bình có nhiều chuyển biến tích cực.

Thương binh Phạm Đình Chiều - tấm gương tiêu biểu về sự nỗ lực phấn đấu

(HBĐT) - Trở về từ Thành cổ Quảng Trị với thương tật mất 55% sức khoẻ, tuy nhiên, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", ông Phạm Đình Chiều, tiểu khu Hoa Lư, thị trấn Bo (Kim Bôi) chủ động phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư. Với những nỗ lực không ngừng và những đóng góp tích cực, ông Chiều là 1 trong 7 thương binh của tỉnh dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022.

Người làm vơi nỗi đau của nhiều gia đình liệt sĩ

(HBĐT) - Đại tá, nhà văn Nguyễn Tiến Lợi đã ra mắt bạn đọc hai tập truyện ngắn và hai tập thơ. Anh khiêm tốn, không khoe khoang nên được bạn văn, bạn đọc quý mến. Ngày chưa về hưu, anh giữ nhiều chức vụ trong ngành Công an: Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng Phòng Bảo vệ chính trị, Trưởng Công an huyện Lương Sơn… Hơn 40 năm công tác, anh đã được tặng 7 Huân, Huy chương, có một Huân chương Chiến công hạng nhất.

Cô giáo 17 năm chèo đò trên vùng hồ Hoà Bình đưa học sinh đến trường

(HBĐT) - Bằng lòng chân thành, nhiệt huyết, yêu thương con trẻ, suốt 17 năm ròng rã, cô giáo Quách Thị Bích Nụ vẫn bền bỉ chèo đò, đưa đón học sinh đến các chi trường xã vùng hồ Đồng Ruộng, huyện vùng cao Đà Bắc. Qua đó thắp lên tình yêu thương, nhân ái cho các em bước vào tương lai.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục