Ông Bùi Thanh Bình,tổ 6, phường Thái Bình (TP Hòa Bình) giới thiệu với khách những dụng cụ được lưu giữ tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường.
Ông Bình kể: Năm 1985, khi làm hướng dẫn viên lữ hành cho Công ty du lịch Hòa Bình tôi đã nhận ra khách nước ngoài thích đi vào vùng cao, vùng sâu, nơi cuộc sống còn hoang sơ để tìm hiểu văn hóa các dân tộc. Vốn xuất thân là người Mường Động - một trong những cái nôi của văn hóa dân tộc Mường, tôi đã nuôi ước mơ muốn giữ lại một phần nhỏ di sản văn hóa của người Mường, bởi văn hóa người Mường vừa phong phú, lại còn có giá trị cao của nghệ thuật. Cũng trong năm 1985, tôi đã lặn lội trên các làng quê tìm mua và sưu tầm hiện vật cổ. Đến các bản làng, tôi hứa với các bố, mế người Mường "Con mang về để gìn giữ, trưng bày, để đời con, đời cháu của chúng ta vẫn được xem. Con không mang bán, không mang ra khỏi đất Mường”. Năm đầu với đồng tiền lương ít ỏi tôi đã mua được ít đồ gia dụng dân tộc như cái chậu, cái chảo, mấy chiếc mâm đồng của nông dân vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, thấy sưu tầm với mục đích lưu giữ vì văn hóa, vì cộng đồng, vì lớp lớp con cháu, họ đã đi tìm hiện vật quý hiếm để bán, tặng, cho. Từ năm 1988 - 1998, tôi đã sưu tầm được nhiều gốm sứ, đồ đồng, cối giã gạo, các vật dụng của thầy mo, thầy cúng… dần dần sưu tầm được 5.000 - 6.000 hiện vật khá độc đáo về đời sống quan xứ Mường và đồng bào Mường.
Ông Bình đưa chúng tôi xem toàn cảnh Bảo tàng di sản văn hóa Mường. Trên sườn đồi cao rộng khoảng 4.000 m2, 6 ngôi nhà sàn to đẹp được đưa từ Mường Động, Mường Vang, Mường Bi về dựng ngay ngắn trên nền đất phẳng, mang đậm bản sắc văn hóa Mường, tạo dáng đẹp xóm nhỏ người Mường yên bình lưng chừng đồi. Thăm ngôi nhà sàn của nhà lang Mường với nhiều hiện vật quý như bàn thờ, bộ đồ ăn trầu, trang sức, dụng cụ săn bắn, hái lượm… Đặc biệt là các kỷ vật nhà lang như đồ mỹ nghệ cao cấp bằng xương, sừng, đá quý, các thanh kiếm lệnh của nhiều vùng Mường, các ấn, triện… Ngôi nhà sàn của nông dân Mường có nhiều hiện vật như cối xay lúa, cối giã gạo, vò rượu cần, khung dệt, bộ áo quần của nam nữ. Những nét hoa văn muôn màu sắc bên khung dệt, áo, váy… chúng tôi thêm hiểu nét văn hóa riêng của người Mường.
Chúng tôi thăm ngôi nhà sàn có kiến trúc nhà sàn Mường cổ xưa, thăm nhà trưng bày trên 100 chiếc chiêng Mường cổ, nhà trưng bày cổ vật Mường. Xế chiều, tôi được đến ngôi nhà sàn dành cho khu vực ẩm thực xứ Mường. Ông Bình chỉ vào một mâm cơm bày sẵn nói: Món nem rau rừng thơm mát, đĩa xôi đủ 5 sắc màu, du khách rất ưa thích, còn đĩa cá nướng, cá hấp, thịt lợn bản địa quay, xào, luộc cũng tô thêm vị đậm đà ẩm thực xứ Mường…
Tiếng bình boong ngân nga đằm thắm trước cổng Bảo tàng di sản văn hóa Mường. Tôi quay sang hỏi ông Bình: Có tin vui hả ông? Giọng ông Bình vui vui, ở bảo tàng đón khách bằng giàn chiêng đấy. Có đoàn người Pháp tới thăm. Tối nay còn trình diễn văn nghệ với các tiết mục múa, hát, nhạc mang đậm bản sắc văn nghệ dân gian các dân tộc Hòa Bình. Mời anh ở lại xem nghệ nhân của bảo tàng trình diễn chiêng nhé.
Đêm tháng 8, tôi say chìm trong những làn điệu dân ca Mường. Tiếng trống, lời chiêng làm thức dậy trong tôi lòng yêu thương Tổ quốc, yêu đất Mường xinh đẹp. Nghệ nhân văn hóa Bùi Thanh Bình có công lao tìm kiếm cổ vật văn hóa Mường Hòa Bình và gìn giữ, truyền bá dân ca Mường. Đặc biệt là những bài chiêng cổ, nét văn hóa muôn màu sắc của người Mường xưa.
Bảo tàng di sản văn hóa Mường hơn 10 năm qua đã đón tiếp nhiều nghìn lượt người ở mọi miền trong, ngoài nước tới thăm. Sau này, tôi biết thêm về nghệ nhân Bùi Thanh Bình, ông đã truyền dạy chiêng Mường, âm nhạc dân gian Mường cho người Hà Nội, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Phú Thọ, Hòa Bình, Lâm Đồng. Ông còn là trưởng nhóm nghệ nhân làng Mường - Trưởng làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, Sơn Tây (Hà Nội). Bảo tàng di sản văn hóa Mường là đóa hoa đẹp trong rừng hoa các dân tộc Việt Nam. Bảo tàng để lại giá trị di sản văn hóa Mường cho nhân loại.
Trần Quốc Dũng (TTV)