(HBĐT) - Đã bước sang tuổi 60 nhưng đam mê dành cho văn hóa Mường của bà Đinh Thị Kiều Dung, khu dân cư Bo, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi chưa bao giờ vơi. Bà vẫn dành phần lớn thời gian nghiên cứu, sưu tầm và lưu truyền bản sắc đặc trưng của văn hóa Mường. Đối với bà, những việc đã, đang làm không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường tại địa phương mà cũng là một cách để bà học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bà Đinh Thị Kiều Dung, thị trấn Bo (Kim Bôi) dạy đánh chiêng Mường cho học sinh.
Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Động anh hùng, từ thuở bé, những lời ru của bà, của mẹ như "đập bông bông”, "da ới da ò”, hay những câu hát thường rang, bộ mẹng đã ngấm sâu vào tâm hồn bà Dung. Ước mơ của bà là người giữ lửa, người thổi hồn cho văn hóa Mường luôn tỏa sáng. Để làm được điều đó, trong suốt thời gian qua, bà Dung dành thời gian, tâm huyết đến các bản làng, gặp các cao niên để sưu tầm những bài chiêng cổ, những làn điệu dân ca cổ cha ông để lại. Bên cạnh đó, vào những ngày Chủ nhật, bà mở các lớp truyền dạy đánh các bài chiêng cơ bản, dạy hát các làn điệu dân ca, điệu múa dân tộc Mường cho thế hệ trẻ. Hiện bà Dung đang biên soạn 2 cuốn sách: "Những làn điệu dân ca Mường” và "Nghệ thuật đánh cồng chiêng của người Mường Động”.
Bà Đinh Thị Kiều Dung chia sẻ: "Tôi sinh ra và lớn lên ở xứ Mường nên có một tình yêu mãnh liệt với những phong tục, tập quán, nét đẹp văn hóa truyền thống của người Mường. Những điệu múa, lời hát đúm, hát ru của người Mường tôi đều thuộc lòng và ghi chép lại cẩn thận. Trong cuộc sống hiện đại, phong tục tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc sẽ bị mai một nếu không được giữ gìn. Vì vậy tôi mong ước có thật nhiều thời gian và sức khỏe để nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc Mường. Tôi hy vọng việc làm nhỏ bé ấy sẽ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc dân tộc Mường”.
Là người con của đất Mường Động, cũng là học viên đầu tiên tham gia lớp dạy đánh chiêng, chị Bùi Thị Ngần, thôn 168, xã Vĩnh Tiến, thành viên tổ văn nghệ của Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi luôn ghi nhớ công lao dạy dỗ, dìu dắt và truyền lửa của bà Dung để chị có cơ hội tiếp bước truyền lửa niềm đam mê cho những hạt nhân trẻ tuổi khác. Chị Ngần trải lòng: "Thông qua các lớp học do bà Kiều Dung giảng dạy miễn phí, tôi càng hiểu và thêm yêu nét đẹp bản sắc dân tộc mình. Nhờ có bà Kiều Dung dạy dỗ, chỉ bảo tôi đã đánh thuần thục các bài chiêng, thuộc và nhớ các bài hát, điệu múa đặc trưng của dân tộc Mường. Tôi rất vui và tự hào khi được chung tay, góp sức cùng bà Kiều Dung trong việc bảo tồn, phát huy nét đẹp truyền thống của dân tộc mình”.
Bằng tình yêu và tâm huyết của mình, từ năm 2004 đến nay, bà Dung liên tục mở các lớp truyền dạy chiêng Mường và hát dân ca tự nguyện cho trên 500 cháu ở độ tuổi từ 8 - 15; truyền dạy các bài chiêng cơ bản cho 14 đội chiêng trong và ngoài huyện. Không chỉ là người giữ lửa cho văn hóa Mường, bà Dung còn là người đảng viên có lối sống giản dị, đoàn kết, luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các phong trào thi đua, quy ước, hương ước của khu dân cư. Đặc biệt, tại chương trình giao lưu "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2021" tổ chức tối 5/12/2021 tại Hà Nội, bà Đinh Thị Kiều Dung vinh dự được tôn vinh là một trong những tấm gương điển hình tiêu biểu toàn quốc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí Quách Đình Thu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Bo cho biết: "Những năm qua, đảng viên Đinh Thị Kiều Dung luôn là tấm gương sáng trong việc tích cực tuyên truyền, vận động bà con ở khu dân cư thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Bà hăng hái thực hiện các hoạt động nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Mường và là tấm gương tiêu biểu trong học tập, làm theo Bác mà Đảng ủy, chính quyền thị trấn Bo cần nhân rộng”.
Thu hường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)
(HBĐT) - Năng động, trách nhiệm, sáng tạo, luôn hết mình trong mọi hoạt động, phong trào Đoàn Thanh niên… đó là nhận xét của đoàn viên, thanh niên (ĐV,TN) Đoàn phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) dành cho đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Đoàn phường.
(HBĐT) - Bùi Hoàng Bảo Khánh là cô bé dân tộc Mường hiện đang là học sinh lớp 3, trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Hoà Bình). Sinh ra ở vùng đất được coi là cái nôi của dân tộc Mường nổi tiếng với bốn Mường "Bi, Vang, Thàng, Động” và nền "Văn hóa Hòa Bình” với sử thi Đẻ đất, đẻ nước... nên cô bé luôn mơ ước được giới thiệu văn hoá của dân tộc Mường đến với đến bạn bè năm châu.
(HBĐT) - Gắn bó với bà con vùng cao, Trung úy Hà Thị Thủy thấy rằng, người dân tộc Mông thật thà, chất phác, ham lao động để xây dựng quê hương giàu đẹp. Vì hám lời, bị kẻ xấu lôi kéo nên một số người Mông đã bỏ nương rẫy, bỏ gia đình để tham gia mua bán, vận chuyển ma tuý trái phép. Làm thế nào để quản lý xã hội tốt hơn, ngăn chặn mầm mống phát sinh tội phạm, tạo môi trường an toàn cho người dân là câu hỏi ẩn hiện trong suy nghĩ nữ của Trung úy trẻ Hà Thị Thủy – cán bộ Công an huyện Mai Châu.
(HBĐT) - Công an tỉnh vừa nhận được Thư cảm ơn của chị Bùi Thị Tuyết, sinh năm 1987, trú tại thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong. Trong thư, chị Tuyết bày tỏ xúc động, cảm kích trước việc làm tận tụy, vì Nhân dân phục vụ của Thiếu tá Trần Việt Dũng, cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh đã giúp chị tìm lại tài sản bị mất.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo xóm Bục, xã Tử Nê (Tân Lạc), nữ sinh Quách Thanh Huyền (ảnh), lớp 12A7, Trường THPT Tân Lạc đã xuất sắc trở thành nữ thủ khoa khối C00 của tỉnh và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đứng thứ 3 toàn quốc tổ hợp C00.
(HBĐT) - Gần 200 m hàng rào đá từ đầu dốc qua homestay của Vàng A Nhà đến nhà Vàng A Váu, Vàng A Vàng ở xóm Hang Kia, xã Hang Kia (Mai Châu) đã biến những ngôi nhà gỗ bình dị trở nên thơ mộng và lãng mạn mỗi lúc ráng chiều buông... Đôi tay thoăn thoắt xếp từng phiến đá to, nhỏ một cách chính xác để nối dài thêm hàng rào đá xung quanh nhà, anh Vàng A Nhà thông tin: hàng rào đá này là ý tưởng của cán bộ Sùng A Chênh, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mai Châu cũng là người Mông mình đó.