Không chỉ thực hiện dạy nghề miễn phí mà còn tìm kiếm đơn hàng, chị Nguyễn Thị Bảy, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Lương Phú, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc đã tạo việc làm cho hơn 600 lao động nông nhàn. Bao năm qua vượt lên nỗi đau bệnh tật, chị miệt mài giúp bà con có đơn hàng và thu nhập.
Đưa nghề về bản
Chị Bảy sinh ra và lớn lên ở huyện Mai Châu. Năm 1983, gia đình chị chuyển về sống ở huyện Tân Lạc. Nơi đây người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, ngày nông nhàn họ tỏa đi khắp nơi tìm kiếm việc làm. Năm 1996, trong lần về thăm quê ở huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ - nay là Hà Nội) chị thấy bà con có nghề đan lát song mây rất phát triển, phù hợp với nhiều phụ nữ ở Hòa Bình lúc nông nhàn. Trở về chị mạnh dạn gặp lãnh đạo huyện Tân Lạc đề đạt nguyện vọng, hỗ trợ về thủ tục, tài chính để đi học nghề đan lát về truyền dạy cho bà con. Ý tưởng được đồng chí Chủ tịch UBND huyện ủng hộ. Trước hôm lên đường về Yên Nghĩa (Hà Đông - Hà Nội) học nghề, ông đưa chị 800 nghìn đồng mong chị sớm học được nghề về hướng dẫn bà con. Chị chia sẻ: Số tiền đó với tôi to lắm. Tôi tâm niệm mình phải thành công để không phụ lòng mong mỏi của Chủ tịch huyện đã gửi gắm.
Vốn ham học hỏi nên chị Bảy học rất nhanh. Chị nhận hàng mang về gia công, tập hợp chị em để truyền nghề. Sau học nghề chị em có việc làm, thu nhập, tranh thủ lúc nông nhàn cũng kiếm được đồng ra đồng vào, nhiều chị em không phải xa gia đình để kiếm sống nữa. Chị cho biết: Khi đó để làm được một đồng từ nghề đan lát cực nhọc vô cùng. Tôi nhận hàng, giao hàng cho chị em làm rồi lại trả hàng cho các chủ ở dưới xuôi, mình chỉ lấy công làm lãi. Bù lại tôi cũng quen được nhiều mối hàng và biết cách tổ chức, vận hành một cơ sở sản xuất.
Gần chục năm trời chị Bảy cũng dần rút ra được những kinh nghiệm quý báu. Chị cho rằng, muốn nghề đan mây phát triển mạnh không thể đi làm gia công mãi. Năm 2013, chị vận động chị em thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp Lương Phú với 13 thành viên. Từ khi HTX ra đời chị lại vất vả hơn trước, chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm mối hàng. Có đơn hàng lại lo đào tạo nghề, hướng dẫn chị em cách làm ra sản phẩm. Nghề đan lát đã mất nhiều công, việc giao hàng, trả hàng còn phức tạp hơn nhiều. Hàng lỗi, hàng hỏng, hàng chưa đạt chất lượng... không ít chuyến hàng HTX phải bù lỗ để trả công cho chị em. Khó khăn, vất vả cực nhọc là vậy, nhưng nhìn chị em có việc làm, thu nhập ổn định là động lực để chị nỗ lực, cố gắng.
Chiến thắng bệnh tật
Đến thăm HTX cảm nhận không khí làm việc sôi nổi, tất bật của các thành viên và người lao động. Người bê hàng, người kiểm hàng, người xếp lên xe từng món đồ thủ công mỹ nghệ đan bằng cỏ gianh. Từ cái nệm để chân tới cái ổ, khay hay cái bồ… được làm chau chuốt, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Chị Bảy kiểm tra cẩn thận từng lô hàng rồi mới cho lên xe. Mặt hàng nào chưa vừa, chưa ưng ý là chị loại ra ngay. Hai chiếc xe ô tô chở đầy hàng thủ công mỹ nghệ chở về xuôi giao cho đối tác. Chị cho biết, sản phẩm đan bằng cỏ gianh của chị em làm bao nhiêu đối tác thu mua hết bấy nhiêu, đây là mặt hàng làm hoàn toàn tự nhiên, không dùng bất cứ một loại hóa chất nào. HTX đã có hàng xuất khẩu sang Mỹ và các nước Tây Âu, họ thích mặt hàng mang đậm chất tự nhiên này. Trước đây, HTX nhận đan song mây cho nhiều đối tác ở dưới xuôi. Tuy nhiên, từ khi nhận được đơn hàng dùng cỏ gianh để đan các đồ thủ công mỹ nghệ cho một đối tác ở Hải Dương, thu nhập của chị em được nâng lên rõ rệt. Nguyên liệu cỏ gianh lấy ở sau đồi, sau khi cắt về phơi khô, qua đôi bàn tay khéo léo của các chị đã biến thành những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp mắt, tiện dụng. Mấy năm qua, đơn hàng dùng cỏ gianh làm nguyên liệu đã giúp 600 phụ nữ ở các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu có việc làm, thu nhập ổn định từ 5 - 8 triệu đồng/ người/tháng.
Bao năm vất vả công việc, HTX dần đi vào hoạt động ổn định bỗng biến cố cuộc đời đổ ập xuống gia đình chị. Chồng ra đi đột ngột, chưa lâu sau chị đi khám phát hiện mình bị ung thư vú. May mắn phẫu thuật thành công. Sau đợt phẫu thuật chị phải trị xạ nhiều lần. Cơ thể suy kiệt, khi đó ai cũng nghĩ cuộc sống của chị chỉ còn những ngày ngắn ngủi. Thay vì suy sụp, chị tự động viên mình phải sống và sẽ sống khỏe. Bất chấp cơn đau hành hạ, chị tìm đến công việc đan lát. Chị vẫn lo liên hệ với các mối hàng nhằm duy trì công việc cho chị em nơi đây.
Chính niềm say mê công việc đã giúp chị quên đi những tháng ngày bệnh tật. Sức sống mãnh liệt và tinh thần lạc quan đã vực chị dậy, sức khỏe dần hồi phục. Chị Bảy chia sẻ: Sau 4 năm chiến đấu giành giật sự sống tôi dần bình phục. Hiện tôi đến nhiều nơi trong tỉnh để truyền nghề và giúp chị em học nghề. Nếu không có niềm đam mê và vui sống với công việc, có lẽ tôi không vượt qua được chặng đường gian khó vừa qua.
Việt Lâm