Tưởng rằng cuộc sống phía trước chỉ còn lại những ngày tăm tối khi mất đi đôi chân vì tai nạn lao động ở tuổi 26, nhưng vì gia đình và đặc biệt là con gái mới chỉ vài tháng tuổi là động lực để anh Đinh Công Hùng, thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) nỗ lực vượt lên nghịch cảnh. Bằng đôi tay khéo léo, anh Hùng đã vươn lên để sống với đam mê, mở xưởng thủ công mỹ nghệ làm lồng chim với mong muốn có thu nhập trang trải cuộc sống.


Mất đôi chân do tai nạn lao động, anh Đinh Công Hùng, thôn Đồng Làng, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) đã nỗ lực vươn lên, mở xưởng thủ công mỹ nghệ, từng bước ổn định cuộc sống.

Trong căn xưởng rộng chừng 20m2, anh Hùng chăm chút, tỉ mỉ để "hô biến” những thanh tre mộc mạc trở thành chiếc lồng chim có giá trị từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Mất đi đôi chân, việc đi lại rất khó khăn nhưng với sự động viên và giúp sức của gia đình, anh Hùng đã có thể thỏa niềm đam mê với nghề, từng bước mở rộng quy mô sản xuất.

Anh Hùng chia sẻ: "Là công nhân phụ trách hệ thống máy móc tại xưởng làm gạch, năm 2022, tôi không may bị tai nạn lao động và mất đi đôi chân. Sau thời gian điều trị tại Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), tôi mất gần 1 năm để ổn định tâm lý và cuộc sống. Động lực từ gia đình và người thân đã giúp tôi quyết tâm nhiều hơn. Giờ đây xưởng mỹ nghệ vừa là niềm vui, vừa là nơi giúp tôi có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình”.

Từ nhỏ anh Hùng đã đam mê nuôi chim và thường tự tìm tòi làm ra những chiếc lồng theo sở thích. Bản thân anh cũng có năng khiếu với các ngành nghề đòi hỏi sự cần cù, tỉ mỉ. Vì vậy sau khi bị tai nạn lao động, anh Hùng đã nhen nhóm ý tưởng sản xuất lồng chim. Ban đầu anh làm những chiếc lồng đơn giản, không quá cầu kỳ. Sau quá trình không ngừng tìm tòi, sáng tạo, anh mạnh dạn cách tân để tạo ra những chiếc lồng đẹp về mẫu mã, cách điệu về đường nét, phong phú về chủng loại, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng. Bình quân mỗi tháng anh Hùng sản xuất được hơn 10 lồng chim với giá thành từ 400 nghìn đến 1 triệu đồng, loại cao hơn từ 2 - 3 triệu đồng/chiếc. Thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/tháng đã phần nào giúp gia đình vơi bớt khó khăn.

Theo anh Hùng, nghề này đòi hỏi người làm phải kiên trì và tính sáng tạo nghệ thuật. Quy trình làm lồng chim theo nhiều công đoạn như: phơi, ngâm, luộc, hun tre, quang dầu, vót nan làm đáy, làm vanh, cửa, cầu, ráp lồng… Trong đó, công đoạn chạm đường viền, khắc trổ cho các vanh lồng là khó nhất vì các họa tiết trên vanh đòi hỏi sự tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian.

Để nâng cao tay nghề, anh Hùng thường xuyên tìm tòi, học hỏi, nghe ý kiến đóng góp của khách hàng nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp với thị hiếu. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm của anh Hùng được nhiều người chơi chim cảnh trên địa bàn biết tới nên lồng chim làm tới đâu bán hết tới đó. Anh Hùng sử dụng các mạng xã hội facebook, zalo để giới thiệu quy trình, công đoạn làm lồng chim, quảng bá sản phẩm, giới thiệu những lồng chim có mẫu mã độc, lạ đến với thị trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Phó Bí thư Đoàn xã Đồng Tâm cho biết: "Anh Đinh Công Hùng là một trong những tấm gương thanh niên giàu nghị lực với tinh thần lạc quan, vươn lên trong cuộc sống. Thời gian tới, Đoàn xã mong muốn mô hình phát triển kinh tế của anh Hùng tiếp tục mở rộng quy mô, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời hướng dẫn cách làm, chia sẻ kinh nghiệm với những đoàn viên, thanh niên trên địa bàn có chung đam mê, sở thích. Mong muốn các ngành, đoàn thể quan tâm, có chính sách hỗ trợ, khuyến khích giúp gia đình anh Hùng có cuộc sống tốt đẹp hơn. Qua đó lan tỏa tinh thần, những giá trị tích cực trong cộng đồng xã hội góp phần phát triển KT-XH địa phương.

Đức Anh


Các tin khác


Nữ Chính trị viên “hai giỏi”

Là người vợ, người mẹ trong gia đình, lại là Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), công việc của chị Nguyễn Thị Ngọc Vân rất bận rộn. Tuy nhiên, ở cương vị nào người nữ cán bộ cũng dành trọn tâm huyết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Gương sáng phong trào thanh niên khởi nghiệp

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Bùi Hải Nguyên ở thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nữ Đại úy Công an xã nhiệt huyết, gần gũi với người dân

"Nhiệt huyết trong công việc, gắn bó với địa bàn, gần gũi với người dân” - đó là những lời nhận xét và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân dành cho Đại úy Lê Thị Thanh Xuân Nhung, cán bộ Công an xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi sau nhiều năm gắn bó, cống hiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nuôi cá trên lòng hồ

Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, anh Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1993 ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn.

Gương sáng phát triển kinh tế ở xã Phú Lai

Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nguyễn Văn Việt, hội viên nông dân xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Từ khi xóm chưa có hộ nào nuôi dê, anh đã đi đầu cùng 3 hộ tham gia mô hình nuôi dê thương phẩm. "Tôi đã đi tham quan học tập các mô hình ở trong và ngoài huyện, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi dê", anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Gặp thanh niên Mường Bi được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Cái tên Bùi Văn Tường giờ đây không còn xa lạ với nhiều thanh niên và người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc). Lập nghiệp tại quê hương với mô hình "Vườn ươm giống cây trồng”, đến nay Bùi Văn Tường đã là Giám đốc của HTX Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp 0789, xóm Sung, xã Thanh Hối. Thành công từ khát vọng khởi nghiệp tại mảnh đất quê hương, ý chí và nghị lực của anh đã góp phần lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong thế hệ trẻ tại địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục