Mùa hè lên xã Hang Kia (Mai Châu) khí hậu thật trong lành, mát mẻ. Những homestay xinh xắn ngập sắc hoa đón du khách đến với Hang Kia. Để mở "cánh cửa” bản Mông xưa nay dường như bị khép kín, người dân Hang Kia đang nỗ lực giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển du lịch, nâng cao đời sống kinh tế, góp phần đảm bảo AN-QP địa phương.


Nữ dân quân Sùng Y Múa (ngoài cùng bên phải), xã Hang Kia (Mai Châu) giới thiệu với du khách ẩm thực của người Mông.

Trong sự đổi thay của Hang Kia ghi dấu ấn của nữ dân quân Sùng Y Múa - người tiên phong trong nỗ lực mang đến cuộc sống mới cho bản Mông.

Trò chuyện với chúng tôi, Sùng Y Múa chia sẻ: Người Mông ở Hang Kia cần cù, chịu khó trong sản xuất, có tinh thần khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Tôi nhận thấy Hang Kia có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch như khí hậu, thời tiết mát mẻ, không khí trong lành. Văn hóa của đồng bào Mông như trang phục truyền thống, nghề thêu, dệt vải, vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy giang thủ công, rèn dao, đan gùi, nấu rượu ngô… vẫn được duy trì, bảo tồn trong đời sống hàng ngày. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển du lịch. Khi kinh tế du lịch phát triển, đời sống người dân được nâng lên, bà con sẽ không mắc vào tai, tệ nạn xã hội, AN-QP trên địa bàn xã được giữ vững.

Từ ý tưởng đó, Sùng Y Múa đã tìm tòi, sưu tập những đồ cũ, đồ cổ của đồng bào Mông do ông cha để lại ở các xóm, bản trên địa bàn 2 xã Hang Kia, Pà Cò và lân cận để trưng bày tại không gian văn hóa đồng bào Mông trên diện tích hơn 2.000m2 tại xã Hang Kia. Đến nay, Sùng Y Múa đã sưu tầm được trên 300 hiện vật chủ yếu là của người Mông. Đặc biệt, có những hiện vật đã trên 200 năm tuổi được trưng bày tại không gian văn hóa phản ánh gốc gác, lịch sử người Mông.

Trước nhu cầu khách du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm tại Hang Kia ngày càng nhiều, Y Múa đã mạnh dạn đầu tư hệ thống Homestay Y Múa. Hiện nay, hệ thống Homestay Y Múa đã mở rộng và có sức chứa khoảng 120 khách. Để phát triển không gian văn hoá và đưa vào hoạt động có hiệu quả, mỗi tuần Sùng Y Múa tổ chức 2 buổi mời các nghệ nhân dạy nghề thủ công, dạy nhảy, dạy hát… cho các em nhỏ trong bản. Từ đó tạo động lực khích lệ các em trong học tập, cũng như học văn hoá Mông tại không gian văn hoá. Ngoài ra, trong không gian có tủ sách dành cho các em nhỏ trong bản, hiện có 3 nhóm trẻ độ tuổi từ 8 - 15, mỗi nhóm có 25 em thường xuyên đến đọc sách.

Bên cạnh đó, không gian văn hóa do Sùng Y Múa tổ chức thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, tạo sự thích thú cho du khách. Thực đơn của Homestay Y Múa đều là những món ăn đặc trưng của người Mông, từ gà nướng, măng xào, cải mèo... mang đến cho du khách sự độc đáo, hấp dẫn về ẩm thực của người Mông. Homestay Y Múa đã tạo việc làm thường xuyên cho từ 6 - 8 lao động với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, nữ dân quân Sùng Y Múa đã gợi mở cho bà con Hang Kia một hướng đi mới, phù hợp, hiệu quả, đó là phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để làm kinh tế. Để giờ đây, không còn là vùng đất tách biệt và nguy hiểm vì ma túy, cái tên Hang Kia đã xuất hiện và ngày càng hấp dẫn trong bản đồ du lịch Tây Bắc. Cuộc sống người dân Hang Kia cũng có nhiều đổi thay, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 28,5 triệu đồng; dân trí từng bước được nâng cao, tệ nạn ma túy bị đẩy lùi, AN-QP địa phương được giữ vững.

  

Dương Liễu

Các tin khác


Người phụ nữ dân tộc Mông tiên phong làm “du lịch xanh”

Những năm gần đây, xã Hang Kia (Mai Châu) dần trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là du khách nước ngoài. Có được thành quả này là nhờ sự đồng thuận, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương. Trong đó không thể không nhắc tới chị Sùng Y Múa, xóm Hang Kia - người phụ nữ Mông đầu tiên mạnh dạn làm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Nữ Chính trị viên “hai giỏi”

Là người vợ, người mẹ trong gia đình, lại là Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình), công việc của chị Nguyễn Thị Ngọc Vân rất bận rộn. Tuy nhiên, ở cương vị nào người nữ cán bộ cũng dành trọn tâm huyết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Gương sáng phong trào thanh niên khởi nghiệp

Với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, anh Bùi Hải Nguyên ở thôn Liên Hồng 1, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy) đã trở thành tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp, phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Nữ Đại úy Công an xã nhiệt huyết, gần gũi với người dân

"Nhiệt huyết trong công việc, gắn bó với địa bàn, gần gũi với người dân” - đó là những lời nhận xét và tình cảm mà cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như người dân dành cho Đại úy Lê Thị Thanh Xuân Nhung, cán bộ Công an xã Cuối Hạ, huyện Kim Bôi sau nhiều năm gắn bó, cống hiến cho công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) tại địa bàn cơ sở.

Chàng trai 9X khởi nghiệp từ nuôi cá trên lòng hồ

Khai thác điều kiện tự nhiên sẵn có, anh Nguyễn Đức Tâm, sinh năm 1993 ở xóm Lòn, xã Bình Thanh (Cao Phong) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình và trở thành tấm gương sáng về khởi nghiệp trong thanh niên trên địa bàn.

Gương sáng phát triển kinh tế ở xã Phú Lai

Nhận thấy địa phương có điều kiện phù hợp phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, anh Nguyễn Văn Việt, hội viên nông dân xóm Tân Vượng, xã Phú Lai (Yên Thủy) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển sang nuôi dê thương phẩm. Từ khi xóm chưa có hộ nào nuôi dê, anh đã đi đầu cùng 3 hộ tham gia mô hình nuôi dê thương phẩm. "Tôi đã đi tham quan học tập các mô hình ở trong và ngoài huyện, từ đó mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư chăn nuôi dê", anh Nguyễn Văn Việt chia sẻ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục