Bác Nguyễn Văn Linh (thôn Liên Hồng 2, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thuỷ) trong lần kiểm tra chất lượng đàn ong.
(HBĐT) - Sau nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam, góp phần vào đại thắng mùa xuân 1975, năm 1977, bác Nguyễn Văn Linh (thương binh) xuất ngũ trở về địa phương. Nay bác đã 60 tuổi, là hội viên hội CCB, hội viên chi hội người cao tuổi xóm Liên Hồng 2, xã Khoan Dụ (Lạc Thủy). Gia đình bác nhiều năm liền được công nhận là gia đình văn hóa, nông dân sản xuất giỏi. Với ý chí thoát nghèo, nhiều năm qua, gia đình bác đã không ngừng nỗ lực lao động, vươn lên làm giàu bằng chính mồ hôi, công sức của mình. Đồng thời, bác còn giúp đỡ mọi người cùng vươn lên thoát nghèo.
Ngoài công việc làm ruộng, chăn nuôi lợn, trâu, bò và trồng rừng, gia đình bác còn nuôi ong. Bác là người đầu tiên thành lập ra CLB nuôi ong ở xã và được chính quyền xã quan tâm, tạo điều kiện để phát triển. Hiện tại, CLB của bác có trên 30 hội viên, trong đó có nhiều người là thương binh, bệnh binh. Mỗi năm, CLB sinh hoạt định kỳ 3 lần để giúp nhau kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ong. Nếu khi thời tiết biến động, CLB phải họp đột xuất để tìm các hướng giải pháp, biện pháp ngăn chặn mầm bệnh cho đàn ong. Trong sự nỗ lực của các thành viên, công việc nuôi ong của gia đình bác ngày càng phát triển. Điều mà bác tâm đắc là dù đã có nghề nuôi ong gần 30 năm, nhưng không lúc nào thôi học hỏi, nghiên cứu. Ngoài sách vở, qua kênh phát thành, truyền hình, bác còn dành thời gian đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh để học hỏi thêm về kỹ thuật, kinh nghiệm. Hiện tại, gia đình bác có 100 đàn ong, thu nhập ổn định cho gia đình 100 triệu/đồng/năm. Trong quá trình phát triển kinh tế gia đình bác còn giúp đỡ các gia đình hội viên khác, tiêu biểu như hội viên Bùi Văn Khâm (thôn Rộc Trụ, xã Khoan Dụ) thu nhập bình quân đàn ong mỗi năm từ 70 - 80 triệu đồng; Tuấn (thôn Chàng Sơn) cũng có nguồn thu ổn định từ nghề nuôi ong. Tấm gương của bác Linh cũng đã có ảnh hưởng tốt với nhiều thương binh, bệnh binh khác ở Khoan Dụ biết vươn lên làm kinh tế như bác Vũ Quý Đức, Bùi Huy Mao…
Bác Nguyễn Xuân Sinh (thương binh) thôn Đồng Riệc, xã Đồng Tâm cũng là một tấm gương sáng. Lăn lộn ở nhiều chiến trường cùng với các công việc khác nhau, sau 37 năm trong quân ngũ, năm 2008, bác nghỉ hưu theo chế độ. Nghỉ hưu nhưng bác vẫn luôn tích cực tham gia các phong trào của địa phương. Hiện giờ bác đang giữ vai trò Chủ tịch Hội nạn nhận chất độc da cam đi-ô-xin huyện Lạc Thủy (260 hội viên). Đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch hội, bác đã cùng BCH thúc đẩy để 100% xã đại hội và đi vào hoạt động nền nếp. Hội đã vận động quyên góp xây dựng quỹ mỗi năm được trên 80 triệu đồng nhằm giúp các hội viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, bác còn tham mưu giúp chi bộ thôn vận động nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa. Nhờ đó, toàn thôn (có 90 hộ, 346 khẩu), đã đóng góp được 71 triệu đồng và đã xây dựng xong nhà văn hóa với diện tích 65m2. Với uy tín đó, bác đã được chi bộ phân công và giúp được 2 quần chúng vào vào Đảng. Ngoài việc chăm lo đóng góp cho việc chung, bác còn được biết đến là người chăn nuôi, làm vườn giỏi. Vườn bưởi Diễn với 100 gốc, đã thu hoạch được 4 năm, mỗi năm thu nhập từ 60-70 triệu đồng, cuộc sống gia đình ổn định, các con ăn học đến nơi, đến chốn, có cuộc sống, công việc ổn định. Với những thành tích trong công tác bác đã được nhận giấy khen của Hội CCB huyện và xã , nhiều năm liền được công nhận gia đình văn hóa.
Đánh giá về những gia đình người có công, trong đó có nhiều thương, bệnh binh, đồng chí Mai Đình Thi, phó phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: ngoài 2 gương điển hình trên còn có những thương binh, bệnh binh, nhiễm chất độc da cam cũng làm kinh tế giỏi như bác Quách Xuân Sinh (thị trấn Chi Nê) có nguồn thu lớn từ trang trại chăn nuôi gà; Nguyễn Văn Dương ở thị trấn Thanh Hà làm chủ một doanh nghiệp xây dựng; Nguyễn Đức Thái (xã Đồng Môn) có một trang trại trồng rừng...Đây là những tấm gương thương binh, bệnh binh tiêu biểu đáng để mọi người học tập; những nỗ lực của họ đã góp phần vào công cuộc xoá đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương Lạc Thuỷ ngày càng giàu mạnh.
Nguyễn Thảo (TTV)
(HBĐT) - Đối với người vùng cao, nhất là ở huyện Đà Bắc, chuyện trồng cây ăn quả chỉ là trồng để ăn chơi. Ít ai nghĩ đến chuyện trồng cây ăn quả trở thành hàng hoá để làm giàu được bởi đường sá xa xôi, khó tiêu thụ. Nhưng anh Vũ Văn Tuấn ở xóm Bằng, Giáp Đắt, Đà Bắc đã mạnh dạn mang cây nhãn Hương Chi lên trồng để phát triển kinh tế.
(HBĐT) - Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ án hình sự nghiêm trọng, đối tượng gây án ngày càng tinh vi, liều lĩnh. Nhưng với sự sáng tạo, không ngừng học hỏi và không ngại khó khăn, đồng chí Trần Bá Dương, chiến sĩ phòng kỹ thuật hình sự cùng đồng đội đã phá được các vụ án lớn tưởng chừng bế tắc.
(HBĐT) - Quê gốc Hưng Yên, sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, gắn bó tuổi trẻ với chiến trường B5. Sau cuộc đời binh nghiệp, ông lại nổi tiếng ở vùng đất Đà Bắc với cái tên ông Quang giảo cổ lam. Đó chính là CCB Bùi Đắc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tùng, có trụ sở tại xóm Tày Măng, xã Tu Lý (Đà Bắc).
(HBĐT) - Chị Lương Thị Thu Vân, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Sankoh Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, sản xuất linh kiện điện tử) gắn bó với hoạt động công đoàn từ khi Công ty mới thành lập Công đoàn cơ sở (CĐCS) năm 2004. Là một Chủ tịch công đoàn trẻ, năng động, vừa là phó phòng Hành chính – Nhân sự của Công ty, ở cương vị nào, chị Vân cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(HBĐT) - Là Trưởng khoa ngoại tổng hợp, Phó Chủ tịch Công đoàn khối ngoại - mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thạc sỹ y khoa Nguyễn Hoàng Diệu luôn kết hợp với các khoa, phòng khác trong bệnh viện tổ chức điều trị cho người bệnh hiệu quả hơn, luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động xã hội.
(HBĐT) - Tại hội nghị gặp gỡ các đối tượng lầm lỡ ở thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn) năm 2013, có một đối tượng đã thực sự làm nhiều người trong hội nghị ngạc nhiên lẫn khâm phục. Ngạc nhiên bởi nụ cười hiền hiền và dáng người thư sinh của anh, khâm phục bởi cuộc đời sóng gió, quá trình hoàn lương kỳ diệu của anh. Đó chính là anh Trịnh Văn Yên (TK II – TT Kỳ Sơn). Từng là một ông trùm buôn lậu gỗ, bị kết án 10 năm nhưng giờ đây anh là chiến sỹ thi đua của ngành nông nghiệp, ông chủ của hơn 400 ha rừng và một trang trại cho thu lợi hàng trăm triệu đồng/năm.