Ban tổ chức Hội thi Tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc vừa ban hành Thể lệ Hội thi "Tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc” tỉnh Hòa Bình. Cụ thể nội dung Thể lệ như sau:

Thể lệ Hội thi "Tìm hiểu pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc” tỉnh Hòa Bình

Điều 1. Đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian tổ chức Hội thi

1. Đối tượng

Cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, cộng tác viên xã hội cấp xã; Bí thư Chi bộ, Phó Bí thư Chi bộ thôn, xóm; Trưởng thôn, phó trưởng thôn; Bí thư, Phó Bí thư Đoàn thanh niên thôn, xóm; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Chi hội phụ nữ thôn, xóm; Ban công tác mặt trận thôn, xóm; Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Người dân kinh doanh, sản xuất giỏi, người dân tiêu biểu trên địa bàn xã, thị trấn…

2. Nội dung

Các chủ đề pháp luật mang tính thời sự, liên quan thiết thực đến thực thi pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được ban hành theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, những quy định của pháp luật liên quan trực tiếp đến đời sống của đồng bào như: phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống bạo lực gia đình; bình đẳng giới; phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ rừng và môi trường sinh thái; các chính sách, pháp luật khác liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

3. Hình thức, thời gian tổ chức Hội thi

Hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, được diễn ra tập trung trong 1 ngày (dự kiến vào Chủ nhật, ngày 22/9/2024, thời gian cụ thể sẽ có thông báo sau), các phần thi trực tiếp trên sân khấu, theo phương thức các đội thi bốc thăm số thứ tự dự thi. Số thứ tự dự thi của mỗi đội bốc thăm được sẽ là thứ tự dự thi của đội đó trong từng phần thi.

Điều 2. Điều kiện, tiêu chuẩn, thành phần đội thi

1. Hội thi cấp huyện, thành phố

Căn cứ Kế hoạch, thể lệ Hội thi cấp tỉnh, các huyện, thành phố chủ động lựa chọn nội dung, hình thức, thời gian, địa điểm tổ chức Hội thi cấp huyện phù hợp với điều kiện của địa phương, đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch. Các huyện, thành phố chọn cử đội thi tham gia Hội thi cấp tỉnh.

2. Hội thi cấp tỉnh

a) Thành lập 10 đội thi (mỗi huyện, thành phố 01 đội thi) tham gia Hội thi cấp tỉnh.

b) Thành phần đội thi

Mỗi đội thi gồm 20 người (tính cả trưởng đoàn), đảm bảo tỷ lệ nam, nữ không được chênh lệch quá 30% tổng số người trong đội thi, tỷ lệ thành viên là người dân tộc thiểu số từ 50% trở lên. Có năng khiếu về ca, múa, kịch, có khả năng diễn đạt trước đám đông... có kiến thức pháp luật, xã hội để tham dự Hội thi.

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành quyết định thành lập đội thi tham gia Hội thi cấp tỉnh trên cơ sở lực lượng nòng cốt là đội thi có thành tích xuất sắc nhất trong Hội thi cấp huyện do địa phương tổ chức. Trong danh sách ghi rõ họ và tên, năm sinh, giới tính, dân tộc, chức vụ, đơn vị công tác (nếu có), địa chỉ, gửi về Ban Dân tộc tỉnh, cơ quan thường trực Hội thi cấp tỉnh trước ngày 20/8/2024.

Điều 3. Nội quy Hội thi

1. Các đội dự thi phải tập trung đúng giờ và thực hiện các phần thi theo đúng thời gian quy định của Ban Tổ chức Hội thi. Nếu đội thi đến chậm quá 5 phút theo thời gian quy định, đội thi đó sẽ bị loại khỏi danh sách dự thi.

2. Thành viên các đội thi phải có tên đúng với danh sách đã đăng ký với Ban Tổ chức và đeo số báo danh do Ban Tổ chức cung cấp. Trường hợp đột xuất có sự thay đổi thành viên đội thi, yêu cầu có văn bản của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố gửi Ban Tổ chức trước thời gian khai mạc Hội thi. Thành viên Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Tổ Thư ký trong thời gian thực hiện nhiệm vụ, thành viên các Đội thi trong thời gian thi phải đeo thẻ do Ban Tổ chức cấp phát.

3. Các đội thi đều có trách nhiệm bảo vệ tài sản chung của đội mình cũng như của đội bạn; giữ gìn vệ sinh chung trong suốt thời gian tham gia Hội thi.

4. Trong thời gian thi, thành viên các Đội thi không được sử dụng điện thoại di động, thiết bị thu, phát tin, không mang theo tài liệu lên sân khấu. Nếu Ban Giám khảo phát hiện có thành viên nào vi phạm thì đội sẽ bị trừ điểm hoặc không được tính điểm cho phần thi đó.

5. Trong Hội thi, các đội thi phải tuyệt đối chấp hành sự điều hành, hướng dẫn của Ban Tổ chức Hội thi.

Điều 4. Nguyên tắc chấm thi, thang điểm, cách tính điểm, căn cứ xếp hạng các đội thi

1. Nguyên tắc chấm điểm

- Đảm bảo khách quan, trung thực, công bằng, đúng thang điểm, bảng điểm.

- Chấm điểm theo thang điểm, làm tròn đến 0,5 điểm đối với mỗi phần thi.

2. Cách chấm điểm

Mỗi thành viên Ban Giám khảo chấm điểm cho đội dự thi vào một phiếu điểm theo ba-rem của Ban Tổ chức, ký và ghi rõ họ, tên sau đó chuyển cho Tổ Thư ký để tổng hợp. Kết quả điểm thi của từng đội là điểm trung bình cộng theo kết quả chấm thi của các thành viên Ban Giám khảo cho đội thi ở các phần thi.

Điểm từng phần thi của đội thi là điểm theo thang điểm Ban Tổ chức quy định sau khi đã trừ điểm theo quy định.

3.Thang điểm và hình thức thi cụ thể

Các đội thi tham gia 4 phần thi với tổng số điểm tối đa là 100 điểm.

* Phần thi thứ nhất: Chào hỏi (tối đa 20 điểm)

- Hình thức: Mỗi đội tham gia dự thi tùy theo khả năng, sở trường lựa chọn một hình thức (thuyết trình, giới thiệu, thơ ca, hò vè…) nhằm truyền tải được chủ đề của Hội thi, giới thiệu về địa phương, đơn vị mình, nêu rõ ý nghĩa, kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, những hiệu quả của công tác này gắn với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của địa phương, đơn vị mình.

- Thời gian: tối đa 5phút.

- Thang điểm: Điểm tối đa dành cho phần thi là 20 điểm, bao gồm nội dung đúng theo yêu cầu, hình thức thể hiện phong phú, sinh động, hấp dẫn, rõ ràng, chính xác, ngắn gọn, diễn xuất hay, hấp dẫn, trang phục, đạo cụ đẹp, phù hợp và không quá thời gian quy định.

- Mỗi đội cử tối thiểu ½ số thành viên Đội thi tham gia phần thi này (tối đa 100% thành viên Đội thi).

* Phần thi thứ hai: Trắc nghiệm kiến thức (tối đa 20 điểm)

- Hình thức: Mỗi đội cử đại diện 05 thành viên trong đội tham gia phần thi trắc nghiệm kiến thức. Tất cả các đội thi cùng tham gia thi chung một bộ đề. Các đội tham gia thi sẽ cùng trả lời bộ câu hỏi trắc nghiệm kiến thức gồm 10 câu (lựa chọn đáp án đúng A, B, C, D). Từng câu hỏi với các phương án trả lời được đọc và chiếu lên màn hình.

- Thời gian: sau khi người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi và các đáp án, các đội sẽ có 10 giây suy nghĩ để lựa chọn đáp án đúng.

- Thang điểm: Điểm tối đa dành cho phần thi là 20 điểm, mỗi câu trả lời đúng được tính 02 điểm. Trả lời sai không được điểm.

* Phần thi thứ ba: Xử lý tình huống (tối đa 20 điểm)

- Hình thức: Mỗi đội tối đa gồm 5 thành viên lên sân khấu và bốc thăm trả lời 01 câu hỏi tình huống.

- Thời gian: Tối đa 3 phútkhông kể thời gian hội ý. Sau khi người dẫn chương trình nêu câu hỏi tình huống, các đội có 60 giây hội ý và cử người trả lời. Các thành viên khác có quyền bổ sung câu trả lời tình huống của đội mình (nếu còn thời gian).

- Thang điểm: Điểm tối đa dành cho phần thi là 20 điểm, trả lời đúng, đủ ý được tính 15 điểm, liên hệ thực tế địa phương phù hợp với câu hỏi được 05 điểm. Trả lời sai không được điểm.

* Phần thi thứ tư: Tiểu phẩm tuyên truyền (tối đa 40 điểm)

- Hình thức: Mỗi đội thi xây dựng 01 tiểu phẩm với nội dung tìm hiểu các quy định pháp luật về lĩnh vực công tác dân tộc; nêu gương những cán bộ, cộng đồng, người dân tiêu biểu trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo; chia sẻ kinh nghiệm của địa phương về tổ chức triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, những cách làm hay, mô hình hiệu quả, phù hợp với vùng dân tộc thiểu số và miền núi để nhân rộng…

- Thời gian: tối đa 15 phút (bao gồm cả thời gian chuyển cảnh, không gồm thời gian chuẩn bị ban đầu).

- Thang điểm: Điểm tối đa dành cho phần thi là 40 điểm, bao gồm:

+ Ý tưởng kịch bản sát thực tế, đúng chủ đề: 10 điểm.

+ Ý nghĩa thông điệp truyền tải: 10 điểm.

+ Diễn xuất: 10 điểm.

+ Trang phục và đạo cụ: 10 điểm.

- Số lượng thành viên của đội tham gia vòng thi này tùy theo nội dung kịch bản xây dựng, nhưng không vượt quá số thành viên của đội thi.

4. Cách trừ điểm khi quá thời gian: tính trên điểm trung bình từng phần thi của các giám khảo, sau khi loại các điểm không hợp lệ (nếu có), nếu quá thời gian quy định cho từng phần thi từ 30 giây trở lên sẽ bị trừ điểm, mỗi 30 giây quá thời gian bị trừ 0,5 điểm.

5. Căn cứ xếp hạng và trao giải

Là tổng điểm cả 4 phần thi của các đội tính từ đội có số điểm cao nhất. Trường hợp hai hay nhiều đội có tổng số điểm bằng nhau thì đội nào có số điểm ở phần thi "Tiểu phẩm tuyên truyền” cao hơn được xếp thứ hạng cao hơn; trường hợp vẫn không phân loại được thứ hạng thì đội thắng thuộc về đội có màn chào hỏi được điểm cao hơn; nếu vẫn bằng điểm nhau thì Ban Giám khảo họp, thống nhất theo đa số.

Điều 5. Cơ cấu giải thưởng

1. Giải nhất tập thể, gồm 01 giải: 10.000.000 đồng.

2. Giải nhì tập thể, gồm 02 giải, mỗi giải 7.000.000 đồng.

3. Giải ba tập thể, gồm 03 giải, mỗi giải 5.000.000 đồng.

4. Giải khuyến khích tập thể, gồm 4 giải, mỗi giải 3.000.000 đồng.

5. Giải phụ khác (tập thể và cá nhân): 7 giải, mỗi giải 500.000 đồng.

Điều 6. Quy định khác

Các khiếu nại về Hội thi (nếu có) cần được phản ánh về Ban Tổ chức ngay sau khi công bố điểm, trước khi Ban Tổ chức công bố giải thưởng, sau thời điểm đó, Ban Tổ chức không xem xét, giải quyết bất kỳ khiếu nại nào./.


Các tin khác


Xã Phú Vinh quan tâm chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Là một trong những xã diện đặc biệt khó khăn, nằm ở vùng thượng của huyện Tân Lạc, xã Phú Vinh hiện có trên 4.400 nhân khẩu, trong đó có đến 99% dân số là người dân tộc Mường. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã luôn nỗ lực để chăm lo tốt hơn đến đời sống của người dân.

Huyện Lạc Sơn: Trên 18 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, huyện được giao gần 18,7 tỷ đồng nguồn vốn sự nghiệp để thực hiện Tiểu dự án 2 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay đã giải ngân gần 3,7 tỷ đồng, đạt 19,6% kế hoạch.

99,9% số phụ nữ đẻ được quản lý thai nghén

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Hoà Bình, tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh có tổng số 2.590 ca đẻ. Trong đó số phụ nữ đẻ là người dân tộc thiểu số chiếm 85,3% (2.209 phụ nữ).

Mô hình nuôi ong kết hợp đa dạng sản phẩm từ mật ong hiệu quả

Những năm qua, phong trào phụ nữ vượt khó vươn lên làm giàu do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thu Phong (Cao Phong) phát động đạt nhiều kết quả. Qua đó, xuất hiện nhiều gương điển hình làm kinh tế giỏi, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Một trong những điển hình là chị Bùi Thị Hải Yến, sinh năm 1987, dân tộc Mường ở xóm Đúng Thá. Chị là Phó chủ tịch Hội LHPN xã, một cán bộ hội chăm chỉ, năng động phát triển kinh kế từ mô hình nuôi ong kết hợp đa dạng sản phẩm từ mật ong.

Cải thiện đời sống người dân xã Miền Đồi

Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Lạc Sơn nhưng được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện với nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, đời sống người dân xã Miền Đồi từng bước được cải thiện. Trở lại thăm xã Miền Đồi vào cuối tháng 6, chúng tôi thấy rõ sự đổi thay của vùng đất này.

Huyện Lạc Sơn: Gần 11 tỷ đồng giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, thực hiện Dự án 1 - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, huyện Lạc Sơn đã giải ngân 10,94 tỷ đồng, đạt 36,5% kế hoạch vốn giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục