Học sinh trường THCS Hữu Nghị (TP Hòa Bình) tham gia tìm hiểu kiến thức về phòng, chống xâm hại trẻ em.
Đầu năm nay, TAND tỉnh mở phiên tòa xét xử hình sự sơ thẩm đối với Bùi Văn Doanh, xóm Sào, thị trấn Bo (Kim Bôi) về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Bùi Văn Doanh và chị Bùi Thị V. kết hôn, về chung sống với nhau từ năm 2017. Chị Bùi Thị V. có con gái riêng là Bùi Ngọc Ch. (SN 2007). Từ tháng 5/2018 đến tháng 10/2019, Bùi Văn Doanh đã lợi dụng lúc chị V. không có nhà, cũng như sự ngây thơ chưa biết tự bảo vệ của cháu Ch., nhiều lần dọa nạt, khống chế, thực hiện hành vi đồi bại với cháu Ch.
Trước đó, dư luận vô cùng căm phẫn trước vụ án của Bùi Văn Ửng, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đang nói, Bùi Văn Ửng chính là bố đẻ, ông ngoại của các nạn nhân. Từ tháng 2 - 6/2019, lợi dụng vợ không có nhà, Bùi Văn Ửng nhiều lần thực hiện hành vi hiếp dâm đối với con đẻ và cháu ngoại. Căm phẫn hơn khi tại thời điểm bị xâm hại, chị Bùi Thị L. (con đẻ của Ửng) đang mang thai, còn cháu ngoại - người bị Ửng dùng dao kề cổ thực hiện hành vi thú tính mới được hơn 11 tuổi...
Điểm chung ở những vụ án dâm ô trẻ em là đối tượng xâm hại thường quen biết với gia đình nạn nhân, thậm chí là bạn thân với cha mẹ nạn nhân, đã lợi dụng sự non nớt, ngây thơ của trẻ con, sự chủ quan của người lớn để làm điều xằng bậy. Hoặc với các vụ án là người thân trong gia đình, thường dùng sức ép tâm lý, dọa dẫm để khống chế, không cho nạn nhân tố cáo. Nhiều nạn nhân, tâm lý e ngại nếu nói ra thì vừa xấu hổ, vừa sợ người thân của mình sẽ bị xử lý. Vì vậy, chấp nhận tình trạng bị xâm hại kéo dài.
Thực vậy, mới đây, tại xã Vạn Mai (Mai Châu) xảy ra vụ việc xâm hại bé gái N.A.T (SN 2016). Đáng nói, ngay cả mẹ của nạn nhân khi nghe con gái về mách, thâm tâm vẫn nghĩ rằng đó là chuyện đùa. Chị Nguyễn Thị H., mẹ bé N.A.T tâm sự: Khi con gái về nói, tôi vẫn nghĩ thủ phạm đùa, vì bản thân người thanh niên này đã trưởng thành, hàng ngày vẫn sang nhà tôi chơi, vợ chồng tôi cũng quý mến. Ngược lại, anh ta cũng rất quý con tôi, nên thường dẫn cháu đi chơi.
Từ những vụ án như vậy, có thể thấy, trẻ chưa biết cách phòng vệ, thậm chí ngay bậc làm cha, làm mẹ cũng chưa nhận thức, hiểu rõ tình trạng nguy hiểm để bảo vệ con em mình. Mặt khác, đại biểu Quốc hội Quách Thế Tản cho rằng: Trong quá trình giám sát thực hiện pháp luật về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, chúng tôi nhận thấy, thực tế vẫn còn tâm lý ỷ lại, cho rằng công tác đấu tranh, phòng ngừa xâm hại trẻ em chủ yếu do ngành LĐ-TB&XH thực hiện. Ở nhiều nơi, việc phối hợp phòng, chống xâm hại trẻ em giữa gia đình, nhà trường, chính quyền địa phương chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều trường hợp không nắm bắt, xử lý kịp thời các vụ việc xảy ra.
Việc phòng, chống xâm hại phụ nữ, trẻ em, đặc biệt xâm hại về tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, ngành và toàn xã hội. Cần xác định phòng vệ trước khi những sự việc đau lòng xảy ra. Vì vậy, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền cho trẻ em, người dân biết về các phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm này, để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa. Cùng với đó, mỗi gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì gia đình chính là môi trường sống đầu tiên, nơi hình thành, nuôi dưỡng, giáo dục nhân cách con người. Các bậc làm cha, mẹ trước hết cần trang bị kiến thức cho bản thân, giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, kỹ năng cơ bản để phòng vệ, tránh các hành vi xâm hại. Các cơ quan tư pháp cần thực hiện tốt chức năng điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các vụ án xâm hại tình dục đối với trẻ em, để răn đe, xử lý thích đáng đối với những kẻ coi thường pháp luật.
Phương Linh