Vườn nhãn của gia đình ông Bùi Văn Lực, xóm Khoang, xã Sơn Thủy (Kim Bôi) là mô hình tiên phong tiêu biểu về cải tạo vườn tạp thành công.
Từ những cá nhân tiên phong
Tại xã Sơn Thủy (Kim Bôi), không ai không biết đến ông Bùi Văn Lực - người đầu tiên đưa cây nhãn vào đất Sơn Thủy, cũng là người tiên phong thực hiện phong trào CTVT của địa phương. Bỏ ra nhiều tâm huyết tìm kiếm loại cây phù hợp, cuối cùng ông Lực đã thành công khi chuyển đổi toàn bộ diện tích đất ruộng và đất vườn của gia đình để trồng giống nhãn Hương Chi. Đây là quyết định mang tính chất "đổi đời” không chỉ riêng đối với gia đình ông mà còn tạo ra đột phá về giá trị cho sản xuất nông nghiệp của toàn xã.
Vào đầu những năm 2010, xã Sơn Thủy còn nhiều diện tích vườn tạp trong khi nơi đây lại chính là địa bàn có diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít nhất trong toàn huyện, bình quân diện tích đất lúa và màu chỉ khoảng 250 m2/người. Ông Bùi Văn Lực cho biết: Cùng với diện tích ít, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cũng hạn chế đòi hỏi người dân phải tìm lời giải để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Sau nhiều năm tìm tòi và trải qua không ít lần thất bại, chúng tôi đã tìm được lời giải cho bài toán CTVT của địa phương, đó là chuyển đổi sang các loại cây có giá trị kinh tế cao, trong đó chủ lực là cây nhãn.
Từ sự tiên phong của ông Bùi Văn Lực, người dân Sơn Thủy đã quyết tâm xóa bỏ vườn tạp, thay thế bằng các loại cây trồng mới. Đến nay, toàn xã có khoảng 140 ha nhãn, gần 200 ha cây ăn quả các loại, diện tích vườn tạp đã được cải tạo thành công nên mỗi niên vụ thu hoạch mang đến hàng chục tỷ đồng, bình quân mỗi ha nhãn trong kỳ thu hoạch mang lại thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng.Thành công trong CTVT đã góp phần quan trọng tiếp thêm sức mạnh cho xã Sơn Thủy về đích NTM trong năm nay, trở thành địa phương có hiệu quả sản xuất nông nghiệp vượt trội với loại nông sản đặc trưng nhất mang tên: Nhãn Sơn Thủy.
Đến sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn tỉnh
"Muốn vận động người dân mạnh dạn CTVT để chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, không gì thuyết phục bằng việc để họ được mắt thấy, tai nghe, sau đó tự nguyện làm theo những cá nhân điển hình đã tiên phong thành công” – đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định. Từ câu chuyện của xã Sơn Thủy cho thấy, yếu tố cốt lõi để xã CTVT thành công là có sự tiên phong của những cá nhân dám nghĩ, dám làm và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm như ông Bùi Văn Lực.
Nhìn rộng ra quy mô toàn tỉnh, có thể thấy những địa phương thực hiện tốt phong trào CTVT như Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy… đều xuất hiện những nhân tố tiên phong đầy thuyết phục khiến người dân địa phương tin tưởng làm theo.Từ xuất phát điểm đầu tiên là CTVT trong từng hộ gia đình sẽ nhân rộng thành phong trào mạnh mẽ,rộng khắp trên phạm vi toàn tỉnh, dần tạo thành những vùng sản xuất hàng hóa có tính chuyên canh cao. Đây cũng chính là chỉ đạo xuyên suốt của UBND tỉnh khi phê duyệt Đề án CTVT trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.
Theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, bắt đầu từ năm 2016, toàn tỉnh chú trọng triển khai chương trình CTVT, phấn đấu hàng năm cải tạo khoảng 1.200 ha vườn tạp thành vườn cây có hiệu quả kinh tế cao, lợi nhuận thu được tăng 2,5 - 3 lần so với năm 2015. Trong 3 năm đầu thực hiện Đề án CTVT, toàn tỉnh đãcải tạo khoảng 3.800 ha vườn tạp, có 11.505 hộ tham gia với tổng kinh phí được Nhà nước hỗ trợ 82.175 triệu đồng. Nhìn chung, phong trào CTVT đã bước đầu trở thành phong trào thi đua lan tỏa sâu rộng đến mọi nhà, góp phần đắc lực giúp nâng cao thu nhập cho người dân.
Quyết tâm cải tạo vườn tạp thành công, xã Trường Sơn (Yên Thủy) đã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành vùng quê đáng sống với sự lan tỏa sâu rộng của các mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp".
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 21.125 ha đất vườn, trong đó, diện tích vườn tạp khoảng12.380 ha, diện tích đã cải tạo khoảng 6.350 ha, còn lại khoảng 2.395 ha chưa trồng cây.Nhờ đẩy mạnh CTVT nên các địa phương đã gia tăng hiệu quả sử dụng đất. Giá trị thu nhập trung bình trên 1 ha canh tác trồng trọt các năm 2016 - 2018 lần lượt là: 102 - 120 - 130 triệu đồng/ha, năm 2019, dự kiến 135 triệu đồng/ha, năm 2020 phấn đấu 145 triệu đồng/ha. Như vậy, trong cả giai đoạn 2016 - 2020, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác nông nghiệp đạt trung bình 126 triệu đồng/ha/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Chủ trương CTVT đã bước đầu đi sâu vào cuộc sống, tạo sự thống nhất trong ý chí,hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Nhờ đẩy mạnh CTVT, trên địa bàn tỉnh đã bước đầu hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần đắc lực để nhiều địa phương xây dựng NTM thành công trong giai đoạn 2016 - 2020. Chính vì thế, trong giai đoạn phát triển tiếp theo, CTVT tiếp tục được xác định là giải pháp quan trọng. Sở NN&PTNT tiếp tục đôn đốc các huyện, thành phố thực hiện CTVT. Đồng thời chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường hỗ trợ người dân nâng cao hiệu quả CTVT, hướng tới các giá trị cao hơn, bền vững hơn, chú trọng hình thành những khu vườn kiểu mẫu trong các khu dân cư kiểu mẫu.
Ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 26/4/2016 về CTVT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư CTVT. Theo đó, nhằm khuyến khích người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh CTVT, tỉnh có cơ chế hỗ trợ xây dựng,nâng cấp hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất vườn trồng cây; hỗ trợ kinh phí xây dựng các điểm trình diễn; chuyển giao kỹ thuật cải tạo, thâm canh cây trồng; hỗ trợ sau đầu tư 10 triệu đồng/ha cho hộ nông dân CTVT; hỗ trợ sau đầu tư 2 triệu đồng/ha cho doanh nghiệp tham gia tổ chức sản xuất,tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị với nông dân thông qua hợp đồng… Ngoài ra, BTV Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án gắn với kế hoạch CTVT, tăng cường nguồn vốn và mức vay tín chấp trung, dài hạn thông qua các tổ chức CT-XH để có nguồn lực CTVT. Với những quyết sách quan trọng này, Nghị quyết đã đi sâu vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương đẩy mạnh CTVT. |
Thu Trang