Tại huyện Yên Thủy, cam kết tiêu thụ của Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan vẫn được thực hiện nghiêm túc, tạo tâm lý yên tâm cho người trồng mía. Ảnh: Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua mía nguyên liệu tại xã Lạc Lương.
Thực trạng sản xuất mía đường
Diện tích mía nguyên liệu tiếp tục giảm sút qua các năm do giá thu mua thấp, hiệu quả kinh tế trồng mía đường thấp hơn nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó là tình trạng nợ đọng tiền thu mua mía của doanh nghiệp khiến người dân không còn mặn mà. Niên vụ 2019 - 2020, mía đường được trồng tại 3 huyện: Lạc Sơn, Yên Thủy, Tân Lạc với tổng diện tích 990 ha, chủ yếu sử dụng một số giống mía đã trồng phổ biến như LK-9211, KK3, QD93, ROC10, ROC16, ROC22,VDD00236. Năng suất mía bình quân đạt 47,7 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 47.237 tấn.
Yên Thủy là huyện có tổng diện tích mía nguyên liệu lớn nhất với 742,5 ha, trong đó có 437,43 ha trồng theo hợp đồng với Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan. Qua các vụ sản xuất cho thấy, Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan thực hiện tốt việc tạm ứng kinh phí mua giống, làm đất, phân bón cho người trồng. Đồng thời thanh toán, đối trừ đầy đủ sau 3 ngày cân mía, không có tình trạng nợ đọng tiền thu mua mía. Diện tích mía nguyên liệu còn lại người dân tự bán cho các công ty mía đường. Năng suất mía tại huyện đạt 44,77 tấn/ha, sản lượng 33.241 tấn, chiếm 70,1% tổng sản lượng mía đường của cả tỉnh.
Tại huyện Lạc Sơn, ở đầu niên vụ 2019 -2020, Công ty CP mía đường Hòa Bình đã ký kết hợp đồng với các hộ dân trồng trên diện tích 240 ha. Do công ty còn nợ đọng tiền từ vụ thu mua mía năm trước nên một số hộ đã bán mía non cho vùng chăn nuôi bò. Một số hộ phá bỏ diện tích đã trồng hoặc tự bán nhỏ lẻ ra thị trường. Hiện, trên địa bàn còn 229,68 ha đã đủ yêu cầu thu hoạch nhưng chưa có thông tin về việc thu mua mía từ doanh nghiệp. Năng suất mía niên vụ này đạt khoảng 55 tấn/ha, sản lượng đạt 12.825 tấn, chiếm 27,3% tổng sản lượng mía đường toàn tỉnh. Trước đó, niên vụ 2018 - 2019, Công ty CP mía đường Hòa Bình đã ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với người dân trên diện tích 474 ha. Tổng số tiền công ty nợ đọng tiền mía của nông dân đến nay khoảng trên 2,6 tỷ đồng.
Tại huyện Tân Lạc, diện tích mía nguyên liệu do người dân trồng 18 ha, trong đó, 15 ha đã ký kết hợp đồng với Công ty CP mía đường Hòa Bình. Năng suất mía bình quân đạt 65 tấn/ha, sản lượng 1.170 tấn. Tuy nhiên, cũng như tại huyện Lạc Sơn, diện tích mía của huyện cũng chưa có kế hoạch tiêu thụ.
Như vậy, toàn tỉnh có 44,2% diện tích mía nguyên liệu chắc chắn đầu ra do ký hợp đồng với Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan. Gần 56% tổng diện tích mía đường của tỉnh do dân tự trồng và trồng theo hợp đồng với Công ty CP mía đường Hòa Bình với sản lượng gần 26.000 tấn chưa có kế hoạch tiêu thụ.
Tích cực kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ mía nguyên liệu cho dân
Đây cũng là lý do vào đầu tháng 12 mới đây, Sở NN&PTNT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn, 3 huyện vùng nguyên liệu mía đường mời các doanh nghiệp tiêu thụ trong và ngoài tỉnh để trao đổi, tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ, giải phóng mía nguyên liệu cho bà con. Tại hội nghị này, đại diện các doanh nghiệp đã quan tâm, thiện chí hỗ trợ nông dân các địa phương tiêu thụ mía nguyên liệu. Đơn cử là Công ty TNHH đường mía Việt Nam - Đài Loan, Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) thống nhất nếu phía tỉnh giải quyết xong những vướng mắc đối với diện tích dân trồng theo hợp đồng với Công ty CP mía đường Hòa Bình, doanh nghiệp sẽ tham gia thu mua mía nguyên liệu cho dân với giá cả phù hợp. Công ty CP T&T 159 Hòa Bình cũng tích cực vào cuộc, sẵn sàng tổ chức thu mua toàn bộ phụ phẩm từ mía để phục vụ chăn nuôi đại gia súc.
Người trồng mía xóm Đa, xã Tân Mỹ (Lạc Sơn) lo lắng tiêu thụ bởi nhiều diện tích mía nguyên liệu đã trổ cờ.
Ngay sau diễn biến "nóng" của cuộc họp này, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Công ty CP mía đường Hòa Bình chậm nhất đến ngày 15/12 phải có ý kiến chính thức về việc tiêu thụ mía nguyên liệu theo hợp đồng đã ký kết với hộ dân (TS đã trao đổi với PV chờ ý kiến cụ thể bổ sung sau). Trường hợp không có khả năng vận hành nhà máy, công ty liên hệ với các doanh nghiệp khác để tiêu thụ mía cho nông dân. Trao đổi với các doanh nghiệp, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị các doanh nghiệp cùng vào cuộc, chủ động đưa ra kế hoạch thu mua, hỗ trợ nông dân các địa phương tiêu thụ mía, giải phóng vùng nguyên liệu. Mặt khác, tới đây, khi các doanh nghiệp tiếp cận, thu mua mía cho nông dân, UBND các huyện vùng nguyên liệu tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, cung cấp thông tin chi tiết các hộ, các xứ đồng trồng mía. Đặc biệt, phát hiện và kịp thời xử lý các trường hợp thu phí trái phép các xe vào thu mua mía tại địa phương.
Cần tổ chức lại sản xuất mía nguyên liệu các năm tiếp theo
Với thực trạng và những khó khăn đang vấp phải trong tiêu thụ mía đường của tỉnh, đã đến lúc thực hiện giải pháp tổ chức sản xuất mía nguyên liệu các năm tiếp theo. Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, tỉnh xác định vùng nguyên liệu cho nhà máy mía đường Việt Nam - Đài Loan chủ yếu tại huyện Yên Thủy và một phần của huyện Lạc Sơn. Tại những vùng này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà máy, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để hình thành vùng sản xuất tập trung, có khả năng cơ giới hóa mạnh. Đồng thời, UBND các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy chủ động xây dựng dự án hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu mía đường theo chuỗi để tranh thủ được chính sách Nhà nước, hỗ trợ việc hình thành vùng nguyên liệu một cách chắc chắn.
Bên cạnh đó, với những diện tích không tiếp tục trồng mía đường, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để nông dân không ồ ạt chuyển sang trồng mía tím, mía trắng dẫn đến nguy cơ ứ thừa sản phẩm. Nên chuyển sang trồng cây thức ăn gia súc (cỏ, ngô sinh khối). Hiện tại, quy mô chăn nuôi trâu, bò của Công ty CP T&T 159 Hòa Bình đang mở rộng, có nhu cầu lớn về thức ăn thô xanh. Đề nghị công ty có kế hoạch cụ thể về nhu cầu thu mua theo từng thời điểm làm cơ sở để cơ quan chuyên môn tham mưu với UBND các huyện chỉ đạo công tác gieo trồng thành vùng nguyên liệu tập trung.
Yêu cầu công ty CP mía đường Hòa Bình trả lời về việc tiêu thụ mía nguyên liệu trước ngày 22/12/2019 Báo Hòa Bình vừa có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dũng về giải pháp tiêu thụ mía nguyên liệu niên vụ 2019 - 2020. Đồng chí cho biết: UBND tỉnh vừa ra văn bản yêu cầu Công ty CP mía đường Hòa Bình, UBND các huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy và Sở NN&PTNT tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp. Cụ thể, Công ty CP mía đường Hòa Bình làm việc với UBND các huyện có hợp đồng sản xuất, tiêu thụ mía nguyên liệu, cam kết tiêu thụ sản phẩm gửi về UBND tỉnh trước ngày 22/12/2019. Trường hợp khó khăn, không tiêu thụ được sản phẩm, UBND tỉnh sẽ có giải pháp phù hợp chỉ đạo các cơ quan liên quan và doanh nghiệp ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm mía nguyên liệu cho nông dân. UBND các huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy làm việc cụ thể với Công ty CP mía đường Hòa Bình về việc tiêu thụ mía nguyên liệu trước ngày 22/12/2019. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã trên địa bàn phối hợp với doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Sở NN&PTNT chủ trì, đôn đốc việc thực hiện tiêu thụ mía nguyên liệu niên vụ 2019-2020. Phối hợp với UBND các huyện, sở, ngành liên quan, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp cụ thể đối với công tác sản xuất, tiêu thụ mía nguyên liệu trong những năm tiếp theo báo cáo UBND tỉnh. |
Bùi Minh
Nhóm ý kiến:
Nông dân có thể yên tâm gắn bó với cây mía đường nếu có hợp đồng chặt chẽ
Thực tế cho thấy, nếu đảm bảo mức độ thâm canh để năng suất mía đạt trên 90 tấn/ha và có hợp đồng chặt chẽ, thực hiện hợp đồng nghiêm túc giữa nhà máy và người trồng mía, nông dân có thể có thu nhập tốt hơn nhiều cây trồng khác.
Mía đường của tỉnh đang gặp khó về tiêu thụ đối với những diện tích nông dân trồng theo hợp đồng với Công ty CP mía đường Hòa Bình, tập trung ở huyện Lạc Sơn 229,68 ha, Tân Lạc 15 ha. Với những giải pháp hỗ trợ thúc đẩy, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của tỉnh, trước mắt là kịp thời gỡ vướng đối với diện tích người dân trồng theo hợp đồng với Công ty CP mía đường Hòa Bình, tin rằng diện tích mía nguyên liệu sẽ được tiêu thụ trước khi kết thúc niên vụ.
Để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía đường, bên cạnh việc thực hiện hợp đồng nghiêm túc giữa nhà máy và người trồng mía, các nhà máy đồng thời cũng cần đảm bảo được được mức năng suất và trữ đường phù hợp để giảm giá thành sản xuất.
Nguyễn Hồng Yến
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV
Sẵn sàng tham gia thu mua sản lượng mía đường người dân đã hợp đồng với Nhà máy mía đường Hòa Bình
Kể từ ngày 6/12, Nhà máy mía đường Lam Sơn bắt đầu vào vụ ép đường. Hiện, giá sàn thu mua đối với vùng nguyên liệu là 750 đồng/kg. Chia sẻ với nông dân các địa phương đang gặp trở ngại về đầu ra, doanh nghiệp sẵn sàng đứng ra, cùng với Công ty đường mía Việt Nam - Đài Loan thu mua, giải quyết cho bà con về sản lượng mía đã ký với Nhà máy mía đường Hòa Bình. Trước đó, đề nghị Công ty CP mía đường Hòa Bình có trả lời chính thức bằng văn bản về cam kết tiêu thụ mía nguyên liệu niên vụ 2019 - 2020. Sau ngày 15/12 (PV bổ sung sau), nếu công ty này không có phản hồi, đề nghị Sở NN&PTNT báo cáo UBND tỉnh cho ý kiến chỉ đạo mời các công ty mía đường và địa phương có liên quan làm căn cứ để doanh nghiệp tham gia, thúc đẩy tiêu thụ kịp thời mía đường cho bà con.
Mặt khác, phía doanh nghiệp tiêu thụ cũng đề nghị các địa phương trong quá trình thu mua cần có tổ chức, cá nhân đứng ra làm đầu mối để làm việc, doanh nghiệp sẽ tổ chức thu mua tại bàn cân. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, quá trình từ thu hoạch, đưa lên bàn cân và vận chuyển về nhà máy chỉ diễn ra không quá 24 giờ.
Phạm Văn Văn
Giám đốc Công ty nguyên liệu - Công ty CP mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa)
Mong muốn chuyển đổi diện tích mía nguyên liệu sang trồng cây thức ăn gia súc
Liên tiếp mấy vụ trồng mía nguyên liệu gần đây, gia đình tôi lãi rất ít. Sau khi trừ chi phí, thu nhập bình quân khoảng 15 triệu đồng/ha. Thậm chí niên vụ trước, Công ty CP mía đường Hòa Bình vẫn còn nợ tiền thu mua nên nhiều hộ, trong đó có hộ gia đình tôi lâm vào tình cảnh rất khó khăn. Vì vậy, nếu vụ sản xuất này tiếp tục thất bại, mía không tiêu thụ được, tôi chỉ còn cách phá bỏ, chuyển đổi cây trồng.
Gần đây, nhu cầu về nguồn thức ăn cho gia súc được mở rộng, tôi đang cân nhắc thay thế diện tích mía nguyên liệu bằng trồng cỏ voi và ngô sinh khối để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Mong muốn chính quyền địa phương, các cơ quan hữu quan quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và mở hướng liên kết với các doanh nghiệp thu mua để đầu ra của chúng tôi ổn định hơn. Trước tiên, xã Ân Nghĩa rất gần với Công ty CP T&T 159 Hòa Bình, là địa bàn thuận lợi về nguồn thức ăn thô xanh nếu doanh nghiệp có nhu cầu.
Bùi Văn Nhơn
Hộ trồng mía nguyên liệu xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn)