(HBĐT) - Theo quy luật của thị trường, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng cao, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm. Thời điểm này, diễn biến nguồn cung hàng hóa và giá cả là vấn đề người dân quan tâm. Đây cũng là lúc cần phát huy cao nhất vai trò của các ngành chức năng trong công tác bình ổn thị trường.


Người tiêu dùng đến siêu thị Vì Hòa Bình (TP Hòa Bình) mua sắm hàng hóa bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán. 

Có biến động tăng giá hàng hóa Tết

Kể từ đầu tháng 1, hoạt động mua sắm hàng Tết bắt đầu diễn ra, dự báo tiếp tục tăng cao đến hết tháng 2/2020. Trong đó, nhu cầu về nhóm hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm công nghệ, thực phẩm tươi sống, rau - củ - quả, may mặc, đồ dùng gia đình, hương hoa... phục vụ nhu cầu Tết ước tăng từ 15 - 20% so với ngày thường.

Điểm qua tình hình thị trường hàng hóa, giá cả một số mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết theo xu hướng tăng nhẹ, tập trung vào nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch... Với nhóm thực phẩm công nghệ, nhu cầu tập trung vào các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng nhập khẩu từ nước ngoài, sức mua tăng trong nửa cuối tháng Chạp. 

Đặc biệt quan tâm tới sự biến động giá sản phẩm thịt lợn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung thịt lợn giảm mạnh gây sức ép lên mặt bằng giá. Hiện tại, giá thịt lợn thành phẩm bình quân dao động từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng kéo theo tình trạng các mặt hàng tươi sống thay thế như thịt gà, bò, trâu có xu hướng tăng nhẹ. Dự báo thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm tươi sống cùng với các nhóm thực phẩm công nghệ, may mặc, nhiên liệu... còn tiếp tục tăng làm đẩy chỉ số giá các nhóm này tăng, nhất là mặt hàng thịt lợn có thể đạt mức tăng cao.    


Đội cơ động trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm trakhâu lưu thông hàng hóa trong cao điểm dịp Tết Nguyên đán. 

Đảm bảo không thiếu hụt nguồn cung 

Diễn biến thị trường hàng hóa được Sở Công Thương phối hợp với các cấp, ngành, địa phương nắm bắt, theo dõi sát, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu. Ngành phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa. Triển khai chương trình bán hàng Tết, hội chợ thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng. UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các Ban quản lý chợ tạo điều kiện cho hộ kinh doanh tại chợ, cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng tự chọn dự trữ hàng hóa Tết đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Tham gia điều tiết, bình ổn thị trường, một số doanh nghiệp, nhà phân phối hàng hóa lớn của tỉnh đã tích cực triển khai chương trình bình ổn giá Tết, sử dụng nguồn vốn tự có của doanh nghiệp trong dự trữ nguồn hàng, thực hiện cam kết đưa ra giá bán bình ổn, cùng với địa phương tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường. Theo thông tin từ 4 doanh nghiệp thương mại tham gia (Công ty CPTM Định Nhuận, Công ty TNHH Anh Phong, Công ty CP Đầu tư Sơn Anh - Chi nhánh Hòa Bình, Công ty CP Dịch vụ thương mại tổng hợp Vincom), tổng lượng hàng Tết phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân trong chương trình bình ổn có trị giá 34 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Anh Phong đảm bảo cung ứng lượng hàng hóa bình ổn phục vụ Tết lên tới 25,7 tỷ đồng. Các doanh nghiệp áp dụng chương trình bình ổn đối với các nhóm hàng có sức mua tăng cao dịp Tết như: lương thực, thực phẩm, nước chấm, bột ngọt, sữa, rượu, bia các loại, nước giải khát...

Đồng chí Hoàng Đức Chính, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhận định: Dịp Tết Nguyên đán năm nay không lo khan hiếm hàng hóa. Hiện nay, hệ thống mạng lưới cung ứng đã được mở rộng và củng cố từ thành phố, các huyện cho đến vùng sâu, vùng xa. Cụ thể, có 5 siêu thị, 3 trung tâm thương mại, trên 20 cửa hàng chuyên doanh của các doanh nghiệp lớn cùng hàng trăm điểm mua sắm tự chọn, tiện ích tạo chuỗi cung ứng hàng hóa văn minh, đa dạng. Mặt khác, có hàng nghìn điểm bán lẻ phân bố tại khu vực vùng sâu, vùng xa do doanh nghiệp đứng ra phân phối, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân, đồng thời tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là cơ sở đảm bảo nguồn hàng để cung ứng cho thị trường trong dịp Tết năm nay đủ về số lượng, chất lượng, chủng loại.

Đồng bộ các giải pháp bình ổn giá Tết

Đó là nỗ lực, quyết tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước để người dân vơi bớt nỗi lo tình hình giá cả cũng như ảnh hưởng từ những biến động thị trường Tết. Với việc tổ chức tốt mạng lưới cung ứng, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, cùng việc đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá từ phía doanh nghiệp sẽ góp phần bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu.

Diễn biến giá cả thị trường năm 2019 ghi nhận có nhiều biến động. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm ước tăng 3% so với năm 2018. Chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Canh Tý 2020 nhằm tạo nguồn hàng ổn định cung ứng cho thị trường, khắc phục tình trạng thiếu hàng gây "sốt giá", giúp người nghèo, người dân có thu nhập thấp tiếp cận với những mặt hàng bình ổn giá.

Các giải pháp được thực hiện một cách tích cực và đồng bộ. Cụ thể, Sở Công Thương phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường về giá, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu, giá cả hàng hóa, nhất là những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Các doanh nghiệp thương mại trên địa bàn tỉnh dự trữ hàng hóa đảm bảo nguồn cung tiêu dùng thiết yếu. Khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới khu vực vùng sâu, vùng xa, chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường. Hiện đã có 4 doanh nghiệp triển khai chương trình với số vốn tự bình ổn trên 34 tỷ đồng, tăng 1 doanh nghiệp và 11% tổng số vốn tự bình ổn so với năm trước.

Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh chủ động xây dựng, triển khai phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp Tết Nguyên đán. Đảm bảo chất lượng xăng dầu và phối hợp tốt với cơ quan chức năng của địa phương trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường. Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức các hoạt động hội chợ, triển lãm. Cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền tới người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh về việc thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng sản phẩm thay thế hoặc sản phẩm thịt lợn đông lạnh để giảm bớt áp lực cho sản phẩm thịt lợn trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn khan hiếm, gây áp lực lên mặt bằng giá cả dịp Tết.    

 Bùi Minh


Kiểm tra, kiểm soát chặt về giá cả, chất lượng sản phẩm 

NGUYỄN BÁ THỨC Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh

Lực lượng Quản lý thị trường vừa triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Mục tiêu là đảm bảo ổn định thị trường, giá cả hàng hóa, chống đầu cơ nâng giá quá mức, ổn định sản xuất, kinh doanh. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về giá, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn.

Trong tháng 12/2019, số vụ kiểm tra được tăng cường với 89 vụ, phát hiện 27 vụ vi phạm với 32 hành vi, phạt vi phạm hành chính và hàng hóa tịch thu 170 triệu đồng. Tháng 1/2020 là thời điểm cận Tết, lực lượng tập trung kiểm tra, kiểm soát chặt về giá cả, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu, giá cả. Những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn được kiểm tra mạnh với các nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng hóa, việc niêm yết giá hàng hóa và bán theo giá niêm yết. Qua đó phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; giữ ổn định thị trường, bảo vệ quyền, lợi ích của doanh nghiệp chân chính, người tiêu dùng và phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân. 

Chuẩn bị nguồn hàng trên 100 tỷ đồng phục vụ nhân dân dịp Tết 

PHẠM THỊ NHUẬN Giám đốc Công ty CPTM Định Nhuận

Ngoài 3 tỷ đồng đã cam kết thực hiện trong chương trình bình ổn thị trường, Công ty CPTM Định Nhuận chuẩn bị nguồn hàng đa dạng, chất lượng cao với trị giá trên 100 tỷ đồng phục vụ nhân dân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Chúng tôi mong muốn cùng với các doanh nghiệp thương mại khác của tỉnh đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân.

Chúng tôi cũng đã nỗ lực để trở thành nhà phân phối bán lẻ có quy mô rộng khắp, hàng đầu của tỉnh. Đặc biệt, với phương châm ưu tiên phục vụ người nghèo, người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp đã tích cực mở rộng mạng lưới phân phối, cung ứng cho các vùng đặc biệt khó khăn với hệ thống hiện có trên 1.500 cửa hàng. Hàng hóa cung ứng đến người dân là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo về chất lượng, với giá tốt, cạnh tranh giúp tăng hiệu ứng của chương trình. 

Chương trình bình ổn thị trường giúp vơi bớt nỗi lo giá cả dịp Tết 

PHẠM THỊ THANH HIỀN Công nhân Công ty CP may Việt - Hàn (TP Hòa Bình)

Đón Xuân Canh Tý năm nay, chúng tôi được nghỉ và thưởng Tết theo quy định. Với lương và tiền thưởng Tết, tôi dự tính dành toàn bộ để mua sắm, chăm lo cho Tết của gia đình.

Có thuận lợi là sinh sống ở thành phố nên tôi dễ dàng tiếp cận các nguồn hàng Tết bình ổn giá. Để cân đối chi tiêu tiết kiệm mà vẫn đầy đủ là bài toán không hề đơn giản với người lao động mức thu nhập thấp, nhiều mặt hàng Tết đã tăng giá. Do đó, tôi tranh thủ đến điểm bán hàng bình ổn giá của các doanh nghiệp để sắm Tết sớm. Ngoài ra, trong dịp cận Tết có nhiều cửa hàng, trung tâm mua sắm mở chương trình khuyến mại, ưu đãi. Với tôi, đây là cơ hội để chủ động ứng phó với diễn biến giá cả thị trường tăng cao, giúp vơi đi gánh nặng tiêu dùng dịp Tết. 

Mong muốn có điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao ở vùng sâu, xa 

BÙI THỊ THOAN Xóm Bò, xã Lũng Vân (Tân Lạc)

Là người dân địa bàn vùng sâu, vùng xa, chúng tôi chưa có nhiều cơ hội được tiếp cận với các sản phẩm hàng hóa tốt, phù hợp với khả năng kinh tế và nhu cầu tiêu dùng, hàng Việt Nam chất lượng cao là nhu cầu cụ thể.

Tết Nguyên đán đang đến gần, với chất lượng cuộc sống ngày càng cải thiện hơn, nhu cầu mua sắm hàng hóa phục vụ đón Tết của người dân vùng nông thôn gia tăng đáng kể. Tuy nhiên, do điều kiện đường sá xa xôi, chúng tôi chủ yếu mua sắm hàng tại các chợ phiên và cửa hàng tạp hóa gần nhà. Việc nhận diện, phân biệt sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao với các mặt hàng khác còn nhiều hạn chế, một phần do nhận thức, thói quen tiêu dùng. Đơn cử như mặt hàng vải vóc, quần áo, đồ nhựa gia dụng ở chợ phiên vẫn khá nhiều hàng Trung Quốc. Tại địa bàn chưa có điểm bán hàng Việt Nam chất lượng cao chuyên biệt để lựa chọn mua sắm. Đây là nhu cầu cũng như mong muốn của người tiêu dùng nông thôn được tiếp cận, sử dụng sản phẩm hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng, giá cả phải chăng. 



Các tin khác


Chung tay giảm thiểu tình trạng ly hôn

(HBĐT) - Ly hôn là quyền nhân thân của mỗi công dân. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hệ lụy của việc ly hôn là không hề nhỏ. Với sự gia tăng các vụ việc xâm hại trẻ em, tệ nạn xã hội như hiện nay thì ly hôn thực sự là vấn đề cần quan tâm.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư

(HBĐT) - Tiến độ giải ngân nguồn vốn NSNN những năm qua của tỉnh luôn ở mức trung bình thấp của cả nước. Tại hội nghị đánh giá thực trạng, bàn giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: "Cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ bản. Làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Khắc phục tình trạng có tiền không tiêu được, không nhân nhượng dự án chậm tiến độ, nghiên cứu cơ chế bố trí vốn ưu tiên cho những công trình, dự án trọng điểm, tạo sức lan tỏa, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI”.

Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi ong lấy mật

(HBĐT) - Những năm gần đây, nghề nuôi ong lấy mật ở nước ta phát triển cả về số lượng và chất lượng, tập trung chủ yếu ở miền núi và trung du. Trong đó, tại Hòa Bình, "nghề có nhiều mật ngọt” đang tạo ra nhiều sức hút.

Tháo gỡ khó khăn công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính liệt sỹ

(HBĐT) - Trải qua các cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế, theo tiếng gọi của Đảng, hàng vạn người con quê hương Hòa Bình lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong đó, 5.777 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, 3.956 thương binh, bệnh binh để lại một phần xương máu ở các chiến trường… Đây là niềm vinh dự, tự hào về những đóng góp to lớn của quân và dân trong tỉnh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trong quá trình giải quyết chế độ, chính sách, nhất là việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ của tỉnh.

Phòng, chống xâm hại trẻ em - S.O.S

(HBĐT) - Xâm hại trẻ em (XHTE), đặc biệt là tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang là vấn nạn để lại hậu quả nặng nề không chỉ với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng lớn đến cả gia đình và xã hội. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều vụ xâm hại trẻ em. Không chỉ gia tăng về số lượng, mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng tăng lên ở cấp số nhân. Đây thực sự là vấn đề đáng lưu tâm và cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để đẩy lùi.

Giải pháp chống lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh

(HBĐT) - LTS: Năm học 2019 - 2020 đã chính thức bắt đầu được hơn 1 tháng, các nhà trường đã tiến hành việc họp phụ huynh đầu năm. Một trong những vấn đề phụ huynh và xã hội quan tâm nhất hiện nay là các khoản đóng góp của con em trong năm học mới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Hòa Bình đã trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT về những giải pháp đã, đang được ngành GD&ĐT tỉnh triển khai để không xảy ra tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục