Theo sách Việt sử lược, nhà nước Văn Lang gồm 15 bộ: Giao Chỉ, Việt Thường Thị, Vũ Ninh, Quân Ninh, Gia Ninh, Ninh Hải, Lục Hải, Thanh Tuyền, Tân Xương, Bình Văn, Văn Lang, Cửu Chân, Nhật Nam, Hoài Nam và Cửu Đức. Khi ấy, Hòa Bình nằm trong địa giới của bộ Gia Ninh. Nói rõ hơn, Hòa Bình nằm ở phía Đông Nam Bộ Gia Ninh, phía Đông Bắc và phía Bắc tiếp giáp với bộ Giao Chỉ và bộ Vũ Ninh, phía Đông Nam và phía Nam tiếp giáp với bộ Quân Ninh và bộ Cửu Chân, phía Bắc và Tây Bắc tiếp giáp với bộ Văn Lang - địa bàn trung tâm của nước Văn Lang.
Theo các nhà nghiên cứu, người Mường và người Việt cùng chung một nguồn gốc. Có thể nói rằng, từ thời đại Hùng Vương dựng nước, Hòa Bình đã là nơi sinh tụ chính của người Mường. Về đời sống, người Mường vào thời ấy chưa có gì khác nhiều so với người Việt. Ở đây, nền văn hóa đồng thau cũng phát triển rực rỡ như ở các bộ Văn Lang, Vũ Ninh, Giao Chỉ, Tân Xương, Quân Ninh, Cửu Chân... Nghề luyện kim đúc đồng Đông Sơn đã đạt tới đỉnh cao. Điều dễ nhận thấy, không cần chứng minh, là khối lượng đồ sộ của hiện vật đồng thau, từ những chiếc trống đồng lớn nặng 60 - 70 kg với đủ loại hoa văn đúc nổi, đúc chìm tinh xảo đến khối tượng bé xíu. Xét về nghệ thuật đúc đồng, những người thợ đúc đồng Đông Sơn đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật trong tất cả các khâu của quá trình đúc và gia công.
Với số lượng lớn các di vật đồng Đông Sơn được phát hiện ở Hòa Bình chứng tỏ sự phát triển tiếp nối, chuyển từ thời đại đá sang thời đại kim khí của cư dân Hòa Bình cổ.
Nhiều hiện vật bằng đồng thau như lưỡi qua, lưỡi giáo có 4 lỗ thủng ở gần cánh, lưỡi rìu hình lưỡi xéo gót vuông đều tìm thấy ở Hòa Bình. Rìu lưỡi xéo là một dạng đặc sắc của văn hóa Đông Sơn, thể hiện rõ phong cách Đông Sơn và không thể nhầm lẫn, vì chúng không hề xuất hiện có hệ thống ở các nền văn hóa khảo cổ khác. Vì thế, rìu lưỡi xéo còn được gọi là rìu Đông Sơn. Ở huyện Đà Bắc đã tìm thấy nhiều hiện vật đồ đồng thau có những lưỡi rìu hình lưỡi xéo, những lưỡi giáo giống hiện vật đồng thau tìm được ở Việt Trì... Qua đồng là một hiện vật có nguồn gốc ngoại lai nhưng chúng đã được chế tạo tại địa phương. Bên cạnh các loại hình dáng cổ truyền của Trung Nguyên (Trung Quốc), người Đông Sơn đã chế tạo ra những kiểu qua đồng mang đặc trưng địa phương. Qua đồng được tìm thấy ở di tích Hòa Bình. Giáo đồng được tìm thấy ở các địa điểm truyền thống Đông Sơn, sở dĩ phát huy được là vì đã bản địa hóa các yếu tố ngoại lai trong quá trình tiếp thu. Rất nhiều hiện vật Đông Sơn là bằng chứng cho thấy sự tiếp thu, phát triển những hiện vật có nguồn gốc từ bên ngoài. Nhưng sự hiện diện của những chiếc trống đồng lại là minh chứng rõ ràng, thuyết phục nhất về kỹ thuật đúc đồng và sự phát triển của văn minh đồ đồng - văn minh Đông Sơn trên đất Hòa Bình thời bấy giờ.
Những di tích tìm thấy ở Hòa Bình sớm nhất là những di tích thuộc nền văn hóa Hòa Bình với những dấu vết của người nguyên thủy. Khi đó, cư dân còn sống trong hang đá, mái đá theo từng đơn vị - được gọi là gia đình - có lẽ khi ấy chưa thể gọi là Mường. Bởi vì, mỗi Mường đều có một lang đứng đầu. Tuy nhiên, bắt đầu từ trống đồng sông Đà (tức là khoảng từ thế kỷ IV trước Công nguyên đến đầu Công nguyên), chúng ta bắt gặp những hình ảnh - theo suy đoán của các nhà nghiên cứu là người thủ lĩnh ngồi giữa thuyền trên trống. Có thể đấy là thủ lĩnh của một tộc người, có thể cũng là một lang của một Mường.
Qua bước đầu đối chiếu, so sánh, việc tìm hiểu cạp váy Mường và hoa văn còn cho thấy rằng, một số yếu tố Đông Sơn không những còn đọng lại trong văn hóa Mường, mà chắc chắn vẫn tồn lưu, với những liều lượng khác nhau trong văn hóa của nhiều cộng đồng người ở nước ta. Nghệ thuật trang trí cạp váy Mường nằm trong dòng của nghệ thuật Đông Sơn. Như vậy, kết hợp từ truyền thuyết, sử thi của người Mường (Đẻ đất, đẻ nước) với các hoa văn trên trống đồng - trống Mường và hoa văn cạp váy Mường, có thể tạm kết luận là: Các Mường được hình thành từ thời nhà nước Văn Lang - Âu Lạc - tương đương với thời kỳ văn hóa Đông Sơn - thời kỳ còn tìm được những di vật và chứng cứ sớm nhất về các Mường. Sau khi các Mường hình thành, người Hòa Bình sơ sử đã biết dựng nhà sàn để ở, không còn ở trong các hang động nữa. Ngôi nhà sàn là một sản phẩm văn hóa bản địa, có quan hệ với tín ngưỡng sùng bái vật thiêng và là kết quả của lối tư duy trực quan, suy nguyên thực tiễn rất phổ biến trong sự nhận thức thế giới khách quan của người Mường xưa, đánh dấu một mốc trong sự phát triển của xã hội, chuyển từ văn hóa hang động của con người sang giai đoạn mới: giai đoạn văn hóa nhà. Điều này càng được khẳng định hơn bởi hình hài ngôi nhà sàn mái cong trang trí trên trống đồng sông Đà.
V.T (TH)