(HBĐT) - Giai đoạn 1965 - 1972, cùng với cả nước, Hòa Bình nỗ lực chung sức xây dựng CNXH ở miền Bắc, sẵn sàng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tích cực chi viên cho chiến trường miền Nam.

Với khẩu hiệu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, đến giữa năm 1965, lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) trong toàn tỉnh đã có 41.164 đội viên, được biên chế vào 103 đại đội và 321 trung đội, trong đó tổ chức 14 tổ pháo binh, 197 tổ thông tin, 150 tổ công binh, 152 tổ trinh sát và hàng trăm tổ cứu thương. Lực lượng DQTV thường xuyên luyện tập bắn máy bay tầm thấp, cứu thương, phục vụ chiến đấu.

Ngày 31/5/1965, mở đầu cho phong trào bắn rơi máy bay địch bằng súng bộ binh, dân quân xã Liên Hòa (Lạc Sơn) dùng súng trường bắn rơi 1 máy bay phản lực F4H của Mỹ khi chúng đến gây tội ác tại địa phương. Ngày 19/4/1966, với tinh thần chủ động chiến đấu, quân dân xã Trung Thành (Đà Bắc) đã tổ chức lực lượng bí mật phục kích trên điểm cao 900, đón lõng máy bay Mỹ. Cũng như các lần bay trước, 1 máy bay F105 bay ngang qua trận địa, lực lượng trực chiến nổ súng kịp thời, với 3 loạt đạn súng trường đã bắn rơi "thần sấm” Mỹ. Ngày 20/7/1966, bằng 6 loạt đạn súng trường, dân quân xã Thu Phong (Kỳ Sơn) đã bắn rơi 1 máy bay F105, nâng tổng số máy bay của Mỹ bị dân quân Hòa Bình bắn rơi lên 3 chiếc.

Trong 4 năm (1965 - 1968), công tác tuyển quân tăng cường lực lượng chi viện cho các chiến trường luôn được Hòa Bình coi là vị trí quan trọng hàng đầu; toàn tỉnh đã động viên 10.127 thanh niên bổ sung vào quân đội, đi chiến đấu trên các chiến trường.

Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ, quân và dân tỉnh Hòa Bình đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn đóng quân trên địa bàn và độc lập tác chiến gần 1.000 trận, bắn rơi 39 máy bay Mỹ. Ngoài số thanh niên nhập ngũ và đi thanh niên xung phong, đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên các chiến trường, toàn tỉnh còn thành lập 709 đội thanh niên xung phong tại địa phương, gồm 20.525 người, riêng nông thôn có 18.856 người, trở thành lực lượng xung kích trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải, xây dựng công nghiệp địa phương, sản xuất, chăn nuôi. Thanh niên luôn đi đầu trong các lĩnh vực sản xuất, chiến đấu, công tác và học tập. Trong 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965 - 1968), quân và dân tỉnh Hòa Bình vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 14 Huân chương Quân công, 5 Huân chương Chiến công các loại, 32 Huân chương Lao động cho tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

Những năm tháng sau đó, Hòa Bình đã làm tốt việc "chia lửa” với quân và dân Hà Nội anh hùng, trong 12 ngày đêm lịch sử (từ ngày 18 - 29/12/1972), quân và dân Hòa Bình liên tiếp lập chiến công giòn giã, bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Điển hình là trận chiến đấu tại đồi Bù của dân quân xã Hợp Hòa (Lương Sơn) từ ngày 21 - 29/12/1972. Dưới làn bom đạn địch, trung đội dân quân Hợp Hòa phối hợp lực lượng vũ trang huyện cùng các đơn vị chủ lực kiên cường bám sát vòng vây, đánh trả quyết liệt, bắn rơi 1 chiếc trực thăng của Mỹ.

Kết thúc cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ, quân và dân Hòa Bình đã bắn rơi 10 máy bay, đưa tổng số máy bay Mỹ bị bắn rơi trên đất Hòa Bình trong 2 lần chống chiến tranh phá hoại lên 49 chiếc. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trên, ngày 13/12/1972, quân và dân Hòa Bình vinh dự được Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa. Trong khói lửa chiến tranh đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân dũng cảm, sẽ mãi mãi là bài ca hùng tráng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Do có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng vũ trang xã Lũng Vân (Tân Lạc) được phong tặng danh hiệu "Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Từ năm 1965 - 1972, Hòa Bình tiến hành 22 đợt giao quân, tuyển chọn 17.341 thanh niên tỉnh vào bộ đội. Sức người, sức của Hòa Bình gửi vào chiến trường đã góp phần cùng quân và dân giành thắng lợi trong Tổng tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam.

Trên miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn (8 tháng), nhưng mức độ và quy mô ác liệt hơn trước. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, mang sức người, sức của phục vụ cuộc kháng chiến của dân tộc. Hàng nghìn người đã xung phong đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Mọi người đều hăng hái đảm nhận những công việc đột xuất, khó khăn. Từ tháng 4 - 12/1972, quân và dân Hòa Bình đã dành 367.000 ngày công, 5 triệu cây bương, tre, nứa, hàng nghìn m3 gỗ để phục vụ cho chiến đấu và những nhiệm vụ đột xuất của T.Ư. Lớp lớp thanh niên trai tráng ra mặt trận; các bà, mẹ, các chị ở lại xây dựng hậu phương. Tất cả đều góp sức mình cho cuộc kháng chiến đến ngày thắng lợi.


V.T (TH)


Các tin khác


Một số di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh

(HBĐT) - Hòa Bình có hàng trăm địa chỉ di tích với trên 100 di tích được xếp hạng; trong đó, 41 di tích được Bộ VH-TT&DL xếp hạng cấp quốc gia (14 di tích lịch sử - văn hóa (DTLS-VH), 9 di tích lịch sử cách mạng, 18 di tích danh lam thắng cảnh) và 60 di tích cấp tỉnh.

Hòa Bình trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám năm 1945

(HBĐT) - Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng trọng đại trong lịch sử nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước kéo dài 2/3 thế kỷ, kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đã đến với Hòa Bình khá sớm.

Tìm hiểu tiếng nói, chữ viết dân tộc Mường

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Mường, tiếp đó là dân tộc Kinh, Thái, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có ngôn ngữ riêng bên cạnh tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Nhắc đến Hòa Bình là nhắc đến dân tộc Mường với đặc điểm vừa tập trung về dân số vừa đậm đà về đời sống văn hóa ngôn ngữ Mường.

Cuộc đấu tranh của Nhân dân Mông Hóa tại núi Viên Nam

(HBĐT) - Đàn áp xong phong trào Đốc Ngữ - Đề Kiều, thực dân Pháp xem thời kỳ bình định miền Tây Bắc như đã kết thúc. Chúng ra sức tổ chức bộ máy cai trị. Không cam chịu cảnh áp bức, Nhân dân Hòa Bình lại nổi lên chống bọn thống trị. Tiêu biểu là cuộc nổi dậy của Nhân dân Mông Hóa dưới sự lãnh đạo của Tổng Kiêm và Đốc Bang. Tổng Kiêm tên thật là Nguyễn Văn Kiêm, là thuộc tướng của Đốc Ngữ, do chiến đấu xuất sắc, được phong là Lãnh binh, nên còn gọi là Lãnh Kiêm. Đốc Bang tên thật là Nguyễn Đình Nghiêm, người xã Mông Hóa, châu Kỳ Sơn khi đó cũng đang tập hợp lực lượng đánh Pháp và tay sai.

Nhân dân Hòa Bình tham gia phong trào Cần Vương của Đốc Ngữ chống thực dân Pháp xâm lược

(HBĐT) - Hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước của vua Hàm Nghi, trong toàn quốc đã bùng lên phong trào Cần Vương chống Pháp. Các phong trào kháng chiến chống Pháp của Nhân dân các dân tộc Tây Bắc nhanh chóng tập hợp lại xung quanh phong trào do Nguyễn Quang Bích lãnh đạo. 

Độc đáo lịch Mường Hòa Bình

(HBĐT) - Lịch của người Mường gọi là sách đoi, được sáng tạo dựa trên quan sát chuyển động của sao đoi. Lịch được làm bằng 12 thẻ tre, mỗi thẻ là một hang, trong đó có một số ngày trong tháng được khắc bằng những ký hiệu khác nhau để đoán định ngày tốt, xấu cho khởi sự công việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục