Nhà sàn, cồng chiêng và trang phục truyền thống là những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường

Nhà sàn, cồng chiêng và trang phục truyền thống là những nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường

(HBĐT) - Truyền thống văn hoá của dân tộc Mường không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau. Giữa màu xanh thiên nhiên núi rừng, những nếp nhà sàn vẫn tồn tại như một minh chứng rõ nét nhất về sức sống lâu bền của văn hoá Mường truyền thống.

 

Nguyên liệu và cấu trúc cơ bản của nhà sàn cổ truyền Mường

 

Nguyên liệu cơ bản được bà con sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ. Tỉnh ta có một số loại gỗ quý đặc trưng để làm những bộ phận quan trọng trong ngôi nhà như: gỗ trai, chò chỉ, nghiến; sến,  táu, dổi, de, đinh, lát... Vì chân cột nhà sàn thường được chôn sâu xuống đất từ 80 cm - 1m nên phải làm cột bằng thứ gỗ không bị mối ăn, không mục, không mọt. Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách...Trước đây nhà sản cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để nín những mộc phụ theo hình chữ  X, nay mới sử dụng đinh sắt. Nhà sàn truyền thống thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ. Gianh tốt thường cắt thành hai đoạn. Đoạn gianh gần gốc gọi là gianh chân hương, loại gianh này rất bền, nếu được khói có thể bền đến 20 năm mới phải thay. Nhờ lợp mái gianh nên nhà người Mường ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.

 

Nhà sàn là trung tâm trong không gian sống của người Mường. Trước đây, nhà sàn truyền thống của người Mường đều có cổng ngoài. Nhà người dân gọi là “cổng lang chang” được đan bằng tre và buộc phủ lá dong lên trên; nhà lang làm cổng gỗ, có mái che ở trên. Người Mường xưa thể hiện sự giàu có, địa vị xã hội bằng cách làm nhà to, làm nhiều nhà. Nhà sàn của nhà lang bậc trung hồi đầu thế kỷ XX thường dài đến 100 m. Với nhà lang nhỏ thường làm nhà dài 30-40 m, nhà dân thường có khả năng kinh tế thì thường khoảng 20 m.

 

Nhà sàn Mường cổ truyền thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái... (tương đương ba gian năm gian, bảy gian...). Các cửa số, kể cả cửa voóng toông (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước (trên) của ngôi nhà. Khoảng cách từ 2-3 m mới có một cửa, phía sau (hay dưới) thường chỉ có một cửa sổ và phía trong cũng chỉ có một cửa. Nhà người Mường thường chia làm hai phần chính và pên woai (bên ngoài) và pên cloong (bên trong). Pên woai là gian đầu tiên, là phòng khách, là nơi sinh hoạt chung, cũng là gian quan trọng nhất của nhà sàn, là bộ mặt của nhà sàn. Pên cloong được ngăn thành những gian riêng, buồng riêng để cho ông bà, cha mẹ, con gái, con trai... ngủ. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai khi nào được vào và ai khi nào không được vào.

 

Độc đáo và thú vị bố cục nhà sàn

 

Điểm độc đáo của nhà sàn Mường là có nhiều bộ phận cấu thành, trong đó, mỗi bộ phận lại có những tác dụng, ý nghĩa riêng. Trước khi bước chân lên nhà sàn, họ phải rửa chân ở một cái “mọôc chạn” đựng nước sạch. Mọôc chạn có thể là một cái bể đục từ đá, một cái chĩnh, cái chum nhỏ hoặc đơn giản là 3-4 cái ống bương chôn chụm một chỗ. Ngày Tết, người Mường thường cắm một cây nêu ngay bên cạnh mọôc chạn để cho tổ tiên biết chỗ rửa chân mà lên nhà sàn.

 

Sau khi rửa chân thật sạch, muốn lên nhà sàn Mường, đương nhiên phải qua cầu thang. “ Màn” (cầu thang) lên nhà sàn Mường thường là thang gỗ được đẽo thành hình chữ nhật và cũng có khi để nguyên thân cây gỗ tròn và chỉ cắt bậc vào chính thân cây đó. Tuy nhiên, số lượng bậc thang phải là lẻ, thường nhà sàn dựng ở các thế đất khác nhau, số lượng bậc cũng khác nhau, có thể là 3, 5, 7, 9 nhưng tuyệt đối phải là số lẻ. Màn không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc nhà.

 

Ngoài ra, nhà sàn còn có sạp nước và sạp phơi. Sạp nước là một bộ phận rất cần thiết và không tách rời của nhà sàn Mường cổ truyền. Đó là một cái sạp được làm bằng tre già nguyên cây hoặc loại bắp ván gỗ tốt như nghiến, trai..., cũng có thể làm bằng gỗ tròn. Sạp được làm thấp hơn sàn nhà chính thường từ 20-30 cm. Sạp là nơi dựng các ống bương to để vác nước, chum đựng nước, vại đựng nước, đá mài dao và các dụng cụ nấu bếp như xoong nồi, dao rựa, thớt, chậu rửa, đồng thời cũng là nơi chế biến thức ăn trước khi đem lên bếp để đun nấu. Còn sạp phơi được dựng phía ngoài cửa voóng, tránh voóng tôông. Nó chính là cái sân trời của ngôi nhà sàn nên nó được làm chắc chắn bằng những thứ vật liệu tốt. Sạp phơi thường được làm rộng rãi và chắc chắn nên ngoài việc phơi khô nông sản, sạp còn là nơi kéo sợi vào đêm trăng, nơi trái gái ngồi hát thường rang, bộ mẹng, hát ví, nơi các mế ngồi kể truyện cổ, truyện thơ cho con trẻ nghe, khi quá đông khách còn có thể dọn mâm cỗ ngoài trời.

 

Bếp lửa - linh hồn của nhà sàn Mường

 

Cuối cùng - bộ phận đặc biệt và quan trọng nhất của một ngôi nhà sàn là bếp lửa. Bếp chính được đặt ở pên cloong (bên trong) và pên đượi (bên dưới nhà sàn). Nơi đây ít có cửa voóng (cửa sổ) và gần vại nước (khạp khau). ở gian ngoài, gian khách cũng có một bếp phụ ở pên đượi (bên dưới). Bếp ở gian khách chỉ dùng để sưởi, hong khô các vật dụng... và đun nước pha trà. Trên bếp lò chính ở gian trong, người ta làm một cái giá to và vững chắc (khưa) để sấy khô các lương thực, thực phẩm như: ngô giống, lúa giống và sấy khô thịt trâu, bò. Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày, bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn. Trong lò bếp người Mường, dù cho đến khi có kiềng sắt, người ta vẫn dùng ba hòn nục (còn gọi là ba ông đầu rau - người Kinh). Ba hòn nục tượng trưng cho vua bếp (bua bêp). Việc dâng cúng vua bếp, người dân làm vào các dịp có nấu nướng lớn, còn mâm cúng không nhất thiết đặt cạnh bếp lò, có thể đặt ở ôông côông (thần thổ địa).  Điều đặc biệt, người Mường rất cẩn thận trong sử dụng bếp, tuyệt đối kiêng kỵ không được làm ô uế lò bếp. Khách đến nhà chơi cũng được gia chủ thân tình tiếp chuyện bên bếp lửa. Trong những ngày đông giá rét, mâm cơm thường được dọn ngay cạnh bếp lửa. ông bà, con cháu cùng ngồi quây quần bên bếp lửa sưởi ấm, trò chuyện. Thường người Mường ít khi để bếp tắt, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, bếp luôn có hơi ấm. Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hoá đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Mường đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.

 

Theo thời gian, nhiều ngôi nhà sàn cổ đã không còn nhưng cũng thật đáng mừng khi lại có những ngôi nhà sàn mới được dựng lên. Có thể vật liệu, bố cục nhà sàn bây giờ không còn giống như xưa nhưng những tiếng hò dô đồng lòng, đồng sức của cả dân làng trong ngày dựng nhà thì vẫn không thay đổi. Nhà sàn là vậy, nhà sàn chỉ có thể được dựng lên bởi sự chuẩn bị chăm chút kỹ lưỡng từng cây gỗ của gia chủ, bởi bàn tay khéo léo người thợ mộc trong mỗi chi tiết và quan trọng hơn cả là sự giúp sức của đông đảo người dân trong ngày dựng nhà, lợp nhà. Ngày dựng nhà, sau khi khung cột đã được dựng lên ngay ngắn, mâm cỗ lá dân dã và chén rượu thơm sẽ được gia chủ dọn ra đãi khách. Tiếng cười nói chúc phúc, câu thăm hỏi ân tình đoàn kết lại vang lên làm rộn rã, sinh động bức tranh xứ Mường ấm no, hạnh phúc.        

  

 

                                                                                      Dương Liễu

 

Các tin khác


Thủy điện Hòa Bình - niềm tự hào công trình thế kỷ

(HBĐT) - Xuyên suốt quá trình 135 năm thành lập tỉnh và 30 năm tái lập tỉnh, công trình thủy điện Hòa Bình như một dấu ấn đáng tự hào, ghi dấu mốc son chói lọi trong bản trường ca chinh phục sông Đà, góp sức xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Những nét khái quát về sự hình thành tỉnh Hòa Bình

(HBĐT) - Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP... Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng - cái nôi văn hoá của người Việt cổ.

Tự hào cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910)

(HBĐT) - Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, với truyền thống yêu nước, ngay từ khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ tại đây, Nhân dân Hòa Bình đã tổ chức nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân và chế độ lang đạo hà khắc. Trong dòng chảy lịch sử hào hùng 135 năm thành lập tỉnh, cuộc khởi nghĩa Tổng Kiêm - Đốc Bang (1909 - 1910) là một mốc son chói lọi về lòng yêu nước của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình.

Đảng bộ tỉnh - những mốc son lịch sử

(HBĐT) - Với truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh bằng những hành động, việc làm cụ thể, nắm bắt các cơ hội phát triển, trách nhiệm, nỗ lực thi đua thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Hòa Bình giai đoạn từ năm 2015 đến nay - những dấu ấn tự hào

(HBĐT) - Từ năm 2015 đến nay, với sự đoàn kết thống nhất, cùng nỗ lực vượt bậc của toàn tỉnh, Hòa Bình tiếp tục thu được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN, xây dựng hệ thống chính trị. Kinh tế tăng trưởng khá và bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành, lĩnh vực sản xuất đều phát triển. Hoạt động xúc tiến đầu tư trong giai đoạn này được đẩy mạnh, môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện; kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, quan tâm với nhiều công trình quan trọng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục