Sau một thời gian hoạt động, Trường Đảng tỉnh, Trường Nghiệp vụ Hành chính tỉnh, Trường Hợp tác hóa nông nghiệp sáp nhập thành một trường lấy tên là Trường Đảng tỉnh nhằm thống nhất 3 nội dung giảng dạy là công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và quản lý Hợp tác xã.
Trong giai đoạn 1952 - 1976, Trường Đảng tỉnh, Trường Nghiệp vụ Hành chính tỉnh, Trường Hợp tác hóa nông nghiệp đã tổ chức được 235 lớp đào tạo bồi dưỡng cho 22.100 lượt học viên là cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở.
Từ 1976-1991, hai tỉnh Hòa Bình, Hà Tây hợp nhất thành tỉnh Hà Sơn Bình trên cơ sở đó, Trường Đảng, Trường Hành chính tỉnh Hà Sơn Bình được thành lập và sau 15 năm hoạt động hai trường đã mở được 1.010 lớp, đào tạo, bồi dưỡng cho 37.185 học viên.
Tháng 10/1991, Trường Đảng, Trường Hành chính tỉnh được tái lập và đứng chân ở làng chuyên gia sông Đà cũ. Đến ngày 20/2/1995, BTV Tỉnh ủy ra quyết định hợp nhất Trường Đảng tỉnh với Trường Hành chính tỉnh và lấy tên là Trường Chính trị tỉnh cho đến ngày nay.
Trong giai đoạn 1991-2012: Trường Đảng, Trường Hành chính, Trường Chính trị tỉnh đã mở được 495 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 35.421 lượt học viên. Đối tượng, nội dung, chương trình đào tạo bồi dưỡng giai đoạn này cũng được mở rộng và nâng cao. Ngoài đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ hệ thống chính trị cơ sở, nhà trường còn mở các lớp bồi dưỡng cán bộ công chức ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, các lớp đào tạo, bồi dưỡng trưởng, phó phòng các Sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành phố, bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp huyện…
Song song với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, trong tời kỳ này, nhà trường còn thực hiện 24 đề tài khoa học, trong đó có 4 đề tài cấp tỉnh, xuất bản 48 số nội san, biên soạn, chỉnh lý 47 bộ tài liệu đào tạo bồi dưỡng. Tổ chức 79 hội nghị, hội thảo khoa học với 165 báo cáo, tổ chức nhiều đoàn cán bộ, giảng viên, học viên đi nghiên cứu thực tế trong và ngoài tỉnh và một số hoạt động khác.
Từ năm học 2012-2013 trở lại đây, trong điều kiện có nhiều khó khăn do công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học chuyển dịch theo cơ chế thị trường. Song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh, các địa phương và đặc biệt là sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ, giảng viên nên nhà trường đã hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: đã mở và điều hành giảng dạy được 314 lớp với 19.748 học viên trong đó có 63 lớp đào tạo với 4.281 học viên. Việc nâng cao chất lượng giảng dạy được nhà trường đặt lên hàng đầu, với nhiều giải pháp được tích hợp. Đến nay, 100% giảng viên của trường đã sử dụng các phương tiện hiện đại và áp dụng phương pháp tích cực vào giảng dạy. Công tác quản lý đào tạo có nhiều đổi mới, cơ bản được thực hiện theo hướng đáp ứng nhu cầu của người học từ lập kế hoạch đến nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng… Nhà trường thường xuyên lấy ý kiến phản hồi của người học để hoàn thiện quá trình tổ chức, quản lý đào tạo và nâng cao chất lượng giảng dạy. Nét mới trong công tác đào tạo bồi dưỡng giai đoạn này là đã tổ chức thành công hội thi học viên giỏi lý luận chính trị lần thứ nhất.
Công tác nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh đã góp phần làm rõ, khẳng định và phát triển các luận điểm, luận chứng, luận cứ khoa học đáp ứng yêu cầu công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phục vụ sự nghiệp phát triển KT -XH, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương. 5 năm qua, nhà trường đã khai thác thực hiện 14 đề tài khoa học, trong đó có 1 đề tài cấp bộ, 1 đề tài cấp tỉnh; biên soạn chỉnh sửa 42 bộ tài liệu đào tạo bồi dưỡng; tổ chức 53 hội nghị, hội thảo khoa học với 403 báo cáo; xuất bản 18 số Thông tin lý luận - thực tiễn và nhiều hoạt động khoa học khác.
Công tác nghiên cứu thực tế có nhiều đổi mới, nhà trường đã phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, cải cách hành chính, dân vận khéo, xây dựng nông thôn mới, mô hình phát triển KT -XH, bảo đảm QP -AN… để đưa giảng viên, học viên đến nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm. Phương châm học đi đôi với hành, lý luận gắn liền thực tiễn được phát huy.
Công tác xây dựng đội ngũ giảng viên được nhà trường đặc biệt quan tâm, cùng với việc tăng cường về số lượng, điều chỉnh cho phù hợp về cơ cấu các chuyên ngành, nhà trường đã tăng cường đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đến nay, 2/3 giảng viên của trường đã có trình độ thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Cùng với đó để nâng cao chất lượng toàn diện, nhà trường đã ban hành quy định tiêu chuẩn giảng viên Trường Chính trị tỉnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Với những thành tích có được, nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba. Các năm 2012, 2013, 2016 được UBND tỉnh tặng bằng khen. Năm 2012, 2013, 2015, 2017 được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen. Năm học 2015-2016 được Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tặng Cờ thi đua xuất sắc, đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua các Trường Chính trị tỉnh miền núi trung du phía Bắc.
Đảng bộ Trường liên tục từ năm 1995 - 2010 đạt danh hiệu tổ chức cơ sở Đảng TSVM tiêu biểu; từ năm 2011 - 2014 đạt TSVM; năm 2015-2016 đạt TSVM tiêu biểu. Các đoàn thể trường hàng năm được công nhận vững mạnh và thường xuyên được cấp trên khen thưởng.
Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập trường, thay mặt Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, tôi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh và các địa phương. Cảm ơn và tri ân các thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường qua các thời kỳ đã không ngừng vun đắp cho truyền thống vẻ vang của nhà trường 65 năm qua.
Bước sang giai đoạn cách mạng mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học của trường đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Để hoàn thành được vai trò, sứ mệnh của mình, Trường Chính trị tỉnh xác định trong những năm tới cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nghiện cứu khoa học. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt, có phong cách phục vụ chuyên nghiệp, hiện đại.
Cần đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu đến năm 2025: 3/4 giảng viên của trường có trình độ thạc sĩ trở lên, Ban Giám hiệu, các khoa, phòng Đào tạo, phòng Khoa học - Thông tin - Tư liệu có tiến sĩ. Bên cạnh đó phải thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật những chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật mới; tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình theo hướng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng mà họ cần; tăng cường đưa giảng viên đi nghiên cứu, thâm nhập thực tế để gắn kết lý luận với thực tiễn; thường xuyên huấn luyện để giảng viên thành thạo trong sử dụng các phương tiện, công cụ hỗ trợ hiện đại và phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm.
Tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm khoa học, bảo đảm cung cấp những cơ sở khoa học phục vụ tốt nhất cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đồng thời tham mưu, tư vấn nhiều hơn cho cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt là các trang thiết bị hiện đại theo hướng đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học công nghệ cao và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bám sát và tranh thủ hơn nữa sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các địa phương nhằm tạo môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của nhà trường.