Những ngày qua tại các tỉnh Miền núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục có mưa lớn trên diện rộng, tại một số địa phương đã xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng của nhân dân và Nhà nước. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, sáng ngày 01/8/2017 đã xảy ra mưa lớn tại các địa phương: thành phố Hòa Bình 111,1mm; Lương Sơn 101mm; Lạc Thủy 72,2mm, hiện đang theo dõi diễn biến của mưa lũ. Ngày 4/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn gửi các Sở, Ban, ngành, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các huyện thành phố về chủ động ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ. Nội dung công điện như sau.
Thực hiện Công điện số 1131/CĐ-TTg ngày 04/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Để chủ động ứng phó, phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn, lũ quét và sạt lở đất gây ra, Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các ban, ngành; Giám đốc Công ty TNHH - MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Theo dõi chẽ diễn biến mưa, lũ; thông báo đến các cấp chính quyền xã, phường, thị trấn và người dân ở vùng sâu, vùng xa, chủ các phương tiện giao thông thủy, chủ đầu tư các công trình đang thi công đặc biệt là những công trình trên sông, suối và chủ các hồ chứa nước, hầm, lò khai thác khoáng sản biết diễn biến mưa lũ để chủ động các biện pháp phòng, tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối để chủ động di dời đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
2. Tăng cường cập nhật, phổ biến các bản tin cảnh báo, dự báo tình hình mưa lũ đến cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó.
3. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm; cắm biển cảnh báo, tuần tra, canh gác, cảnh báo cho người dân tại các điểm xung yếu, bến đò ngang, ngầm tràn giao thông, các đoạn đường bị ngập sâu, nước chảy siết khi có lũ; kiên quyết không cho các phương tiện, nhất là các xe chở khách đi qua các đoạn đường không đảm bảo an toàn.
4. Tăng cường công tác kiểm tra vận hành các công trình hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện trên địa bàn, chỉ đạo các chủ hồ bố trí lực lượng thường trực, theo dõi vận hành hồ đúng quy trình, đặc biệt là các hồ đã đầy nước, các hồ đang thi công. Thường xuyên kiểm tra các công trình đường dây điện cao áp; các tuyến đường giao thông trọng yếu trên địa bàn; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để xử lý khi có sự cố xảy ra; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Công văn số 958/SNN-TL ngày 28/7/2017 về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn hồ chứa nước thủy lợi trong mùa mưa lũ năm 2017.
5. Hướng dẫn phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các điểm bị ngập lụt, chia cắt. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện tại các khu vực xung yếu để kịp thời triển khai phương án khắc phục, thông tuyến khi xảy ra sự cố sạt lở gây ách tắc giao thông.
6. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h; phải bố trí Lãnh đạo trực chỉ huy tại Văn phòng thường trực; tăng cường kiểm tra, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ trên địa bàn; thường xuyên báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Giám đốc Công ty TNHH - MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện./.