Người dân xóm Pà Cò Con, xã Pà Cò (Mai Châu) dùng máy cắt, thu hái chè đạt năng suất cao.
Từ chỗ mất điểm tựa lòng dân...
Như thường lệ, lần nào đến với đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia, Pà Cò chúng tôi cũng đến thăm,
trò chuyện với những già làng là CB,ĐV lão thành ở đây. Tiêu biểu như ông Sùng A Sa ở xóm Pà Cò Con, nguyên là lãnh đạo UBND xã Pà Cò và cũng là người được nhân dân tín nhiệm bầu làm đại biểu HĐND tỉnh nhiều khoá liền. ông Sùng A Sa cũng là một trong những nhân chứng sống của thời kỳ vùng đất Hang Kia, Pà Cò còn là "lãnh địa” của cây thuốc phiện.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Sùng A Sa từng trăn trở: Ngày trước, khi cán bộ về vận động, được người dân ủng hộ, hơn 500 ha cây anh túc đã được triệt phá nhanh chóng trong thời gian ngắn. Cứ tưởng như vậy là xong, đâu có ngờ nó vẫn còn ẩn giấu những hiểm họa. Bởi chính ma tuý đã làm cho hệ thống chính trị ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò suy yếu. Người dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Sức chiến đấu của tổ chức Đảng, CB,ĐV cũng suy yếu. Khi đó, Hang Kia, Pà Cò trở thành điểm "nóng” về tệ nạn buôn bán ma túy của cả nước. Tại đây, có hàng chục đối tượng mang án tử hình và chung thân về tội buôn bán ma tuý trái phép. Trên vùng đất này, máu của các chiến sỹ phòng, chống ma túy, trong đó có cả những người con của đồng bào dân tộc Mông như trung uý công an Sùng A Trư đã phải đổ. Đó là khi lực lượng chức năng tổ chức vây bắt đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm Vàng A Khua (sinh năm 1956), tại xóm Hang Kia, xã Hang Kia vào ngày 5/2/2010. Trong quá trình bị vây bắt, biết là không thể trốn thoát, Vàng A Khua đã xả súng làm 3 cán bộ, chiến sỹ công an hy sinh, một số chiến sĩ khác bị thương. Không chỉ có vậy, đáng lo ngại hơn là tội phạm ma túy còn làm cho hệ thống chính trị địa phương suy yếu do con em, người thân và ngay cả một số CB,ĐV ở 2 xã cũng tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.
Điều mà nói như Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Sía thì: Từ khi trên địa bàn tình hình tội phạm về ma tuý trở nên phức tạp, chúng tôi đã mất nhiều CB,ĐV vì họ tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ. Trong đó, có nhiều người phải nhận mức án tử hình và chung thân.
Chủ tịch UBND xã Hang Kia Khà A Váu ngán ngẩm: Vì ma tuý mà có thời kỳ người dân hoàn toàn mất niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Bởi lẽ, có nhiều CB,ĐV phạm tội về ma tuý. Thậm chí, có thời điểm có xóm xoá cả việc sinh hoạt chi bộ; có xóm cả năm không tổ chức được sinh hoạt chi bộ vì nhiều đảng viên bị bắt về tội ma tuý. Đến thời điểm hiện nay, ma tuý là một trong những vấn đề nhức nhối của địa phương. Đáng nói hơn cả là vẫn còn có CB,ĐV tham gia mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý.
"Trên thực tế, chỉ khi nào người ta bị bắt thì chúng tôi mới biết đó là đối tượng ma tuý. Như mới đây, vào tháng 4/2017, khi lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang Khà A Ký, Bí thư chi bộ xóm Thung ảng đang trên đường vận chuyển trái phép chất heroin, khi đó chúng tôi mới biết đây là đối tượng ma tuý”, đồng chí Vàng A Váu, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Hang Kia cười buồn.
... Đến bước chuyển mới ở điểm"nóng” Hang Kia, Pà Cò
Bí thư Huyện ủy Mai Châu Nguyễn Đức Thịnh chia sẻ: Xuất phát từ khó khăn, phức tạp ở hai xã vùng cao đặc biệt khó khăn Hang Kia, Pà Cò, Huyện ủy đã tham mưu cho Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Đề án số 03 - ĐA/TU, ngày 14/10/2010 về "Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, phát triển KT-XH và đảm bảo QP-AN 2 xã Hang Kia, Pà Cò”. Theo đó, tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án gồm 24 thành viên do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Thực hiện Đề án, Huyện ủy thành lập Ban chỉ đạo cấp huyện để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc kiện toàn và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên ở 2 xã; rà soát, bố trí lại cán bộ chủ chốt có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực điều hành công tác và vận động quần chúng. Trong đó, chú trọng kiện toàn chất lượng đội ngũ cán bộ trẻ...
Từ thực tế đó, ở giai đoạn 2005 - 2010, số cán bộ ở 2 xã đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ không đáng kể. Riêng ở Hang Kia đội ngũ cán bộ hầu hết chưa qua đào tạo, thậm chí nhiều người mới học hết THCS. Thế nhưng đến nay, qua 6 năm triển khai Đề án 03, số cán bộ ở xã Hang Kia có trình độ chuyên môn được đào tạo đã chiếm 65%; xã Pà Cò cũng tăng lên 71,4%. Trong số đó có nhiều "hạt giống đỏ” đã được ươm mầm xanh như đảng viên Khà A Lau (sinh năm 1984), được giao trọng trách Bí thư Đảng ủy xã Hang Kia nhiệm kỳ 2015 - 2020 và là đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021; đảng viên Vàng A Váu (sinh năm 1986) được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hang Kia; đảng viên Sùng A Màng (sinh năm 1983) được giao trọng trách Chủ tịch UBND xã Pà Cò...
Trò chuyện với chúng tôi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hang Kia, Vàng A Váu cho biết: Đến nay, Đảng bộ xã đã có 114 đảng viên, sinh hoạt ở 10 chi bộ, tăng hơn 30 đảng viên so với năm 2010. Đảng bộ xã 3 năm đạt trong sạch, vững mạnh, 2 năm hoàn thành tốt nhiệm vụ; tỷ lệ đảng viên vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ chỉ còn 2,3%.
Còn theo đồng chí Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò: Hàng năm, tỷ lệ bình quân đảng viên của xã được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm 91,6%; đảng viên vi phạm tư cách, không hoàn thành nhiệm vụ còn 1,3%.
Đánh giá bước chuyển mới ở điểm "nóng” Hang Kia, Pà Cò, đồng chí Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Huyện ủy Mai Châu cho biết thêm: Trước kia nhiều chi bộ xóm họp không có ai phát biểu ý kiến. Lúc thông qua nghị quyết, tất cả đảng viên đều giơ ta nhưng khi thực hiện thì chẳng ai làm. Nay tình hình đã khác, sinh hoạt Đảng đã đi vào nền nếp. Các gia đình đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các cuộc vận động, phong trào thi đua ở địa phương. Trong đó, đáng kể nhất là trong cuộc vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, chống nạn tảo hôn, từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu... Chính từ sự gương mẫu thực hiện của đội ngũ CB,ĐV đã tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng. Từ năm 2015 đến nay, 2 xã Hang Kia, Pà Cò đã vận động thu hồi được 228 khẩu súng tự chế và súng quân dụng, chiếm tỷ lệ 98,9% số súng đã được rà soát, thống kê. Bên cạnh đó, từ việc vận động người dân tự nguyện, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, Hang Kia, Pà Cò đã xóa bỏ tập tục sử dụng súng bắn báo hiệu khi có người chết.
Trong công tác đảm bảo ANTT - TTATXH, đội ngũ CB,ĐV của 2 xã trở thành nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động các đối tượng phạm tội về ma túy có lệnh truy nã ra đầu thú. Theo đó đã vận động được 16/19 đối tượng bị truy nã ra đầu thú, từ đó làm giảm các điều kiện phạm tội.
Đáng nói hơn cả là việc đội ngũ cán bộ của 2 xã đã vận động thành công 36 người đi cai nghiện ma túy. Trong đó, nhiều trường hợp như vợ chồng Vàng Y Sáng và Khà Y Sáng ở xóm Hang Kia 1, đều trên 60 tuổi, nghiện ma túy trên 30 năm đi cai nghiện thành công. Sau khi cai nghiện, vợ chồng Vàng Y Sáng và Khà Y sáng đã thuyết phục hai con trai đi cai nghiện ma túy tập trung. Theo việc làm của vợ chồng Khà Y Sáng và Vàng Y Sáng, từ năm 2011 đến nay nhiều người Mông ở Hang Kia, Pà Cò đã làm đơn tự nguyện xin đi cai nghiện tập trung tại Trung tâm CB - GD - LĐXH tỉnh.
Từ chỗ chữa bệnh bằng cúng bái, đến nay người dân xã Hang Kia (Mai Châu) đã tin vào việc khám, chữa bệnh theo hướng dẫn của các y, bác sĩ.
Mới đây nhất, ở xã Pà Cò bước đầu thực hiện thành công việc vận động người dân cho thi hài người chết vào áo quan. Từ xưa, người Mông có tục không cho người chết vào áo quan và giết mổ nhiều gia súc, gia cầm để báo hiếu với những người đã chết... Những hủ tục đó ảnh hưởng đến TTATXH, vệ sinh môi trường và ảnh hưởng lớn đến đời sống, kinh tế của các gia đình. Trước tình hình đó, CB,ĐV cùng với người có uy tín trong cộng động dân cư đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Nhờ vậy, bước đầu có những chuyển biến đáng kể. Các dòng họ đã thống nhất không bắn súng để báo hiệu có người vừa qua đời. Có những dòng họ đã đồng ý thay đổi tập tục trong làm ma cho người chết.
Cụ thể, năm 2016, tại xã Pà Cò, cụ bà Phàng Y Khia, là mẹ của Bí thư chi bộ xóm Chà Đáy Sùng A Pha qua đời. Được sự đồng ý của gia đình, dòng họ Sùng đã vượt qua hủ tục bao đời nay, đưa thi thể cụ Phia vào áo quan và để thi hài trong nhà không quá 24 giờ. Điều này hoàn toàn khác với phong tục vốn có của đồng bào. Tiếp đó, đầu năm 2017, trên địa bàn xã có 2 người từ trần là cụ Sùng A Dê, xóm Xà Lĩnh 1 và cụ Hàng A Tang ở xóm Cang đã được gia đình, dòng họ cho vào áo quan. Đến nay, ở xã Pà Cò đã vận động được 5 gia đình có người qua đời cho vào áo quan. Trong đó, riêng dòng họ Sùng vận động được 3 gia đình có người qua đời cho vào áo quan. Có thể nói, đây là sự đổi mới về tư tưởng, vượt lên những quan niệm cũ không còn phù hợp, đi sâu, bám chắc trong đời sống của đồng bào ở Hang Kia, Pà Cò hàng trăm năm qua.
Cùng với việc củng cố hệ thống chính trị, 2 xã còn được phân bổ, lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, cơ sở hạ tầng 2 xã có bước phát triển khá. Hầu hết các tuyến đường liên xóm được bê tông hóa; hệ thống điện lưới, nước sinh hoạt đảm bảo. Nhà nước cũng hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống. Nhờ vậy, ở Hang Kia, Pà Cò đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Tiêu biểu như các gia đình: Vàng A Cấu, xóm Pà Khôm; Khà A Hờ ở xóm Thung ảng, Sùng A Dếnh xóm Thung Mặn có thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng/năm. Xã Pà Cò có gia đình ông Sùng A Pha, Bí thư chi bộ xóm Chà Đáy tiên phong trồng chè shan tuyết và cây ăn quả...
Đời sống người dân được nâng lên, các mặt VH-XH, y tế, giáo dục có chuyển biến tích cực. Những nét văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc được gìn giữ và phát huy; chất lượng giáo dục không ngừng được nâng lên. Theo thống kê, từ năm học 2010 đến nay, có 102 học sinh của 2 xã thi đỗ và được cử tuyển vào các trường Đại học. Trạm y tế 2 xã được đầu tư xây dựng mới theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, bổ sung trang thiết bị, dụng cụ y tế và cán bộ, y, bác sỹ; phối hợp với nhiều đoàn cán bộ y tế trong và ngoài tỉnh tổ chức khám bệnh miễn phí cho hàng nghìn người dân...
Rời Hang Kia, Pà Cò khi mặt trời đã chạm đỉnh núi Pà Háng, sương chiều dần phủ xuống khắp các nóc nhà. Trong tiếng khèn Mông vui tươi từ đâu vọng lại, ông Sùng A Sa vẫn nắm tay chúng tôi thật chặt: "Về nhé, lúc nào lại về với đồng bào mình”. Vâng! chúng tôi sẽ lên để uống với người Mông chén rượu vòng; lên để thấy sự đổi thay của vùng đất vốn từng bị ma túy hủy hoại cuộc sống người dân, làm tê liệt cán bộ; lên để thấy những điều mà trong cuộc rượu cả ông Sùng A Sa, Sùng A Vờ cứ gật gù tâm đắc mãi: "Đúng là từ việc triển khai thành công Đề án số 03 của Tỉnh ủy, Đảng lại về với người Mông mình rồi đó. Dân tin Đảng, tin vào cán bộ. Rồi đây, những việc khó, có dân liệu rồi cũng sẽ xong như cái tinh thần triệt phá cây thuốc phiện khi xưa ấy...”.