Thực hiện Chương trình làm việc toàn khoá, sáng nay (7/5), Hội nghị
lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khai mạc trọng thể tại thủ đô
Hà Nội.
Tại Hội nghị lần này, Ban chấp hành
Trung ương sẽ thảo luận, cho ý kiến về các nội dung: Xây dựng đội
ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức,
viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp; cải
cách chính sách bảo hiểm xã hội; và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý
các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương một số khía cạnh liên quan đến
các nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị lần này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung
ương 7
|
Về xây dựng đội
ngũ cán bộ các cấp, nhấn mạnh cán bộ và công tác cán bộ là vấn
đề đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị,
có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
nêu rõ, từ trước đến nay, nhất là trong những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta luôn
quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ
cách mạng. Có thể khẳng định, sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ và
những ưu điểm trong công tác cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định làm nên những
thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước. Song những
yếu kém, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong
công tác cán bộ cũng là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển
chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối
với Đảng và Nhà nước ta.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, hiện nay, đất nước đang đứng trước những
yêu cầu, nhiệm vụ mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới
đan xen. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã yêu cầu: Phải tập trung xây dựng đội
ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín,
ngang tầm nhiệm vụ theo đúng tinh thần "thời kỳ nào, phong trào nào thì
cán bộ đó".
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự
Hội nghị nghiên cứu kỹ các dự thảo văn bản và xuất phát từ thực tiễn phong phú
của địa phương, đơn vị, thảo luận, đánh giá khách quan, khoa học về những kết
quả, thành tích đã đạt được, phân tích sâu sắc những hạn chế, yếu kém còn tồn tại
và chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua,
đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính
sách về công tác cán bộ được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ,
nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ
đâu, ở khâu nào, ở cấp nào? Đồng thời phân tích, dự báo tình hình trong nước,
quốc tế trong thời gian tới; xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ mới, bối cảnh mới,
nhất là những yếu tố tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực đến cán bộ và công tác
cán bộ. Từ đó, đi sâu thảo luận, làm rõ, tạo sự thống nhất cao về quan điểm, tư
tưởng chỉ đạo, mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài và những nhiệm vụ, giải pháp
lớn, có tính đột phá khả thi cao để sớm khắc phục triệt để những hạn chế đã
nêu, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, xây dựng cho được một đội ngũ cán bộ các
cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
"Cố gắng chỉ ra khâu đột
phá là khâu nào? Đánh giá cán bộ hay sắp xếp, bố trí cán
bộ? Khắc phục tình trạng "chạy chức, chạy quyền" hay "thân quen,
cánh hẩu"? Chú trọng đặc biệt phẩm chất hay năng lực, hay coi trọng cả
hai? Vì sao có nhiều Nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu
quả lại thấp? Vì sao quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai?
Vướng mắc chính là ở chỗ nào? Cơ chế giám sát quyền lực đã đủ chưa? Chính sách
tạo ra động lực để cán bộ tâm huyết gắn bó với sự nghiệp là gì?..."- Tổng
Bí thư gợi mở.
Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII
|
Về cải cách chính sách tiền lương, sau khi chỉ rõ nhiều hạn chế bất
cập trong chính sách tiền lương hiện nay, cũng như nhấn mạnh đã đến lúc phải tiến
hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương để khắc phục những hạn chế,
bất cập nêu trên, Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương cần đánh giá
khách quan, khoa học về tình hình và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; phân
tích, dự báo bối cảnh tiến hành cải cách lần này, thấy hết những khó khăn,
thách thức cũng như thời cơ, thuận lợi mới.
Từ đó, thống nhất nhận thức về sự cần thiết, cấp bách và tính khả
thi của việc tiến hành cải cách chính sách tiền lương lần này; xác định rõ quan
điểm, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn;
những chính sách, biện pháp, nhất là những chính sách, biện pháp có tính đột
phá, khả thi cao để sớm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay, bảo đảm cho
cải cách tiền lương lần này thực sự tạo được sự đột phá trong chế độ phân phối,
tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng,
hiệu quả và sức cạnh tranh. Tập trung xem xét, quyết định những vấn đề mới, có
tính cải cách, đặc biệt là các vấn đề Bộ Chính trị xin ý kiến Trung ương.
Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Tổng
Bí thư đề nghị từ tổng kết thực tiễn và sự phân tích, dự báo một cách khoa học,
với tầm nhìn xa tình hình phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và thu
nhập của người dân trong trung và dài hạn, Trung ương cần trao đổi, thống nhất
về chủ trương, chính sách, biện pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện
chính sách bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.
Tổng Bí thư chỉ đạo tập trung xác định, làm rõ những quan điểm, mục
tiêu đổi mới; nội dung cải cách, nhất là các vấn đề như: Mở rộng diện bao phủ bảo
hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; bảo đảm cân đối tài
chính bảo hiểm xã hội trong dài hạn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp với bối cảnh,
tình hình mới; tăng cường sự liên kết và hỗ trợ giữa các chính sách bảo hiểm xã
hội; kế thừa và phát triển nguyên tắc điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với
tiền lương của người đang làm việc; rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo
hiểm xã hội để được hưởng lương hưu... Chú ý đến cả khu vực công và tư; người
đang làm việc và người đã nghỉ hưu; nơi có quan hệ lao động và nơi chưa có quan
hệ lao động, nhất là đối với nông dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu căn cứ vào phạm vi, tính chất, mức độ đổi
mới trong nội dung Đề án, tính đồng bộ với Đề án cải cách chính sách tiền lương
và tạo sự đồng thuận xã hội giữa người đang làm việc và người đã nghỉ hưu để thống
nhất quyết định ban hành Nghị quyết của Trung ương về cải cách hay chỉ là tiếp
tục đổi mới, hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị Trung ương lần này diễn ra
đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khoá XII, trong bối cảnh sau 2 năm rưỡi nỗ lực
phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực
và đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới, tốt đẹp hơn cho sự nghiệp đổi mới.
Đề nghị Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ tinh thần
trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để hoàn thiện
các báo cáo, đề án và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp./.
TheoVOV