(HBĐT) - Đồng chí Đào Anh Tuấn, Phó trưởng phòng LĐ -TB&XH huyện Kim Bôi khẳng định: Huyện Kim Bôi có địa bàn rộng, điều kiện KT -XH còn nhiều khó khăn, nằm trong chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ với 8 xã thuộc khu vực III và 29 thôn, bản đặc biệt khó khăn của các xã khu vực II. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Đặc biệt, huyện đã được sự đầu tư, hỗ trợ của nhiều dự án, chương trình giảm nghèo, trong đó có Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo được triển khai trong 2 năm 2015 và 2016 đã tạo điều kiện để một số hộ dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Các hộ nghèo xã Hợp Đồng (Kim Bôi) được bàn giao lợn nái đảm bảo chất lượng.
Từ năm 2015, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo đã triển khai mô hình nuôi ngan Pháp ở 3 xóm đặc biệt khó khăn ở xã Đông Bắc với 30 hộ tham gia, trong đó, xóm Đầm 12 hộ, xóm Định 5 hộ và xóm Trang 13 hộ. Tham gia Dự án, các hộ được tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, quy trình chăm sóc, cách sử dụng thuốc thú y để phòng - chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Các hộ được hỗ trợ con giống, cám thức ăn cho vật nuôi với tổng kinh phí thực hiện 250 triệu đồng. Tổng số con giống được hỗ trợ 3.000 con, mỗi hộ 100 con. Sau hơn 2 tháng triển khai mô hình, trọng lượng ngan cái đạt từ 2- 2,5 kg/con, ngan đực từ 4 - 5 kg/con (tùy từng hộ). Theo đánh giá của Phòng LĐ -TB&XH có 8/30 hộ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình. Hiệu quả về kinh tế đã góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo. Mức thu nhập của các hộ khi chưa tham gia dự án đều thấp hơn 400.000 đồng /người/tháng. Sau khi tham gia dự án tăng lên từ 500.000 - 600.000 đồng /người/tháng. Việc lựa chọn nuôi ngan phù hợp với điều kiện hộ nghèo vì ít phải đầu tư chuồng trại, ao, hồ, bãi chăn thả và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ở địa phương, công đầu tư chăm sóc ít, việc tiêu thụ cũng thuận lợi. Về nhận thức xã hội, Dự án đã làm chuyển biến tích cực trong cách suy nghĩ, đầu tư và chuyển đổi giống vật nuôi của người dân, đặc biệt là đối với người nghèo vốn kiến thức về phát triển kinh tế còn hạn chế. Hiện nay có 19 hộ tiếp tục đầu tư mua con giống để nuôi, các hộ còn lại đợi khi giá cả tăng, thời tiết thuận lợi mới đầu tư tiếp.
Phát huy hiệu quả của Dự án, năm 2016, Dự án “Hỗ trợ hộ gia đình nghèo nuôi lợn nái” tiếp tục được triển khai tại xã Hợp Đồng với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Mục tiêu của dự án là xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo, phát triển chăn nuôi phù hợp với điều kiện, thế mạnh của xã nhằm góp phần tạo thêm việc làm, chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, phát triển mô hình sản xuất từ hộ gia đình đến kinh tế trang trại và liên kết hợp tác sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Là hộ có mặt tại buổi giao lợn nái, gia đình anh Bùi Văn Thú, xóm Đai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Gia đình đông anh em, ra ở riêng với hai bàn tay trắng, đất đai ít. Ngôi nhà cấp 4 vợ chồng anh Thú ở bây giờ cũng nhờ vay từ Chương trình 167. Bốc thăm được con lợn nái đẹp, gia đình anh Thú mừng lắm vì đây sẽ là nguồn lực giúp gia đình anh ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Đồng chí Bùi Văn Biên, cán bộ LĐ -TB&XH xã Hợp Đồng chia sẻ: Xã có 7 thôn thì có 4 thôn đặc biệt khó khăn là xóm Đai, Ký, Trạo, Sim Ngoài. Tổng số hộ nghèo của xã có 364 hộ, chiếm tỷ lệ 43,13%. Năm 2016, để thực hiện mục tiêu giảm hộ nghèo toàn xã xuống còn 38,13%, việc Nhà nước đầu tư Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo là một động lực để xã thực hiện. Đến nay, cả 30 hộ nghèo thuộc các xóm đặc biệt khó khăn đã nhận đầy đủ con giống, chăm sóc phát triển khỏe mạnh. Khi bàn giao con giống, mỗi con lợn nái đã có trọng lượng từ 50- 55 kg, dự kiến sau 2 tháng có thể sinh sản được.
Theo đồng chí Đào Anh Tuấn, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo giúp hộ nghèo có việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn. Thông qua dự án nhằm tuyên truyền sâu rộng về chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo, từng bước làm thay đổi nhận thức, tự lực vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Ban quản lý Dự án cũng rút ra một số bài học kinh nghiệm là trong quá trình triển khai từ mua con giống đến kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh và bao tiêu sản phẩm là hết sức quan trọng. Các hộ phải có sự đồng thuận, quyết tâm cao vì mục tiêu thoát khỏi nghèo đói, vươn lên làm giàu từ phát triển kinh tế hộ gia đình… Việc lựa chọn mô hình, vật nuôi phải phù hợp với điều kiện địa phương, năng lực của người nghèo và đúng thời điểm mùa vụ thì hiệu quả sẽ cao hơn…
Hương Lan
(HBĐT) - Đó là công trình “Nghiên cứu thay đổi cách thức phòng trừ loài châu chấu mía với sự tham gia của cộng đồng”. Công trình do tác giả Nguyễn Hồng Yến, Chi cục Trưởng chi cục Trồng trọt, BVTV thực hiện từng đạt giải Nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ V - năm 2015.
(HBĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
160 tấn bùn được Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh nhập khẩu về từ Trung Quốc không được Bộ Công Thương cấp phép.
(HBĐT) - Tối 16/9, Lễ Tôn vinh sản phẩm nông sản tiêu biểu và biểu dương tấm lòng vàng vì nông dân Việt đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong số 154 sản phẩm được bình xét, chọn lọc từ các tỉnh, thành trong cả nước, tỉnh ta có 2 sản phẩm được tôn vinh là rau hữu cơ huyện Lương Sơn và cam Cao Phong.
(HBĐT) - Hồ Hòa Bình dài 70 km, trải rộng trên địa bàn 17 xã thuộc 5 huyện, thành phố, có 47 đảo lớn nhỏ, trong đó có 11 đảo đá vôi với diện tích 116 ha và 36 đảo núi đất, diện tích gần 160 ha phù hợp với phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
(HBĐT) - Xóm Lanh - xã Cao Sơn (Đà Bắc) là xóm tái định cư với một nửa số hộ dân ở xen ghép từ vùng chuyển dân hồ sông Đà. Thời điểm trước những năm 2000, cuộc sống của 64 hộ gia đình trong xóm gặp nhiều khó khăn, điện, nước sinh hoạt chưa có, giao thông cách trở. Hầu hết bà con có mức sống nghèo, lương thực tự túc, tự cấp, giao thương hàng hóa chậm phát triển.