(HBĐT) - LTS: Nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập huyện Lương Sơn, trao đổi với PV Báo Hòa Bình, đồng chí Nguyễn Vũ Chi, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: “Lương Sơn đang sở hữu những lợi thế đặc thù và đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ. Huyện huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng Lương Sơn sớm trở thành vùng động lực kinh tế của tỉnh”.

 

  Đồng chí Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn trao giấy khen cho các tập thể có nhiều đóng góp trong phong trào xây dựng NTM xã Hòa Sơn, giai đoạn 2011 - 2015.

PV: Lương Sơn đang đứng trước cơ hội phát triển mới, có thể tạo đột phá về KT -XH, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Vũ Chi: Lương Sơn là huyện cửa ngõ phía đông bắc của tỉnh. Điều kiện địa lý, thiên nhiên, văn hóa, con người là những lợi thế để Lương Sơn phát triển mạnh mẽ. Là huyện vùng thấp, tiếp giáp giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội 30 km, kề cận với các vùng động lực phát triển của Thủ đô, có QL 6 và đường Hồ Chí Minh chạy qua, có nhiều địa hình bằng phẳng, thuận lợi để thu hút đầu tư, nhiều khu vực tài nguyên thiên nhiên phong phú, là cơ hội phát triển ngành nghề vật liệu xây dựng, khoáng sản theo quy hoạch. Bên cạnh đó địa hình xen kẽ nhiều đồi núi, thung lũng phẳng, kết hợp với hệ thống sông, suối, rừng tự nhiên, rừng nhân tạo, bản sắc văn hóa độc đáo mở ra cơ hội phát triển các loại hình thương mại - dịch vụ, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, kể cả du lịch cao cấp. Lương Sơn có 20 xã, thị trấn với dân số trên 10 vạn người. Huyện có sự đồng thuận, thống nhất trong tư duy và hành động, phấn đấu xây dựng quê hương, có nguồn nhân lực dồi dào, tạo động lực cho sự phát triển, hội nhập. Với những lợi thế vượt trội so với các huyện, thành phố trong tỉnh, trong quy hoạch phát triển KT -XH, Lương Sơn được xác định nằm trong vùng động lực kinh tế của tỉnh. Ngày 10/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1621/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng huyện Lương Sơn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó định hướng phát triển vùng đô thị công nghiệp TP Hòa Bình - huyện Kỳ Sơn - Lương Sơn gắn với hành lang kinh tế QL 6 và đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình, chủ trương phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ tạo thành trục phát triển mang tính động lực của tỉnh. Đô thị trung tâm huyện Lương Sơn được xác định trọng điểm đầu tư và phát triển.

 

PV: Xin đồng chí cho biết một số kết quả chủ yếu trong phát triển KT - XH của Lương Sơn?

 

Đồng chí Nguyễn Vũ Chi: Trong giai đoạn đổi mới, nhất là những năm gần đây, Lương Sơn đã tranh thủ hiệu quả sự giúp đỡ của tỉnh, tập trung thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành và đạt được những kết quả KT -XH đáng ghi nhận. Các tiềm năng, lợi thế đang được khai thác hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế luôn ở mức 2 con số. Nhiều lĩnh vực nằm ở tốp đầu của tỉnh. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng. Đến năm 2015, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng; thương mại, dịch vụ; nông nghiệp lần lượt là: 49,7%, 29,6%, 20,7%. Thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng /người/năm. Hộ nghèo giảm còn 4,35%. Lương Sơn tiếp tục khẳng định là điểm đến của các nhà đầu tư, dẫn đầu tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu, ngân sách, giải quyết việc làm của tỉnh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. 100% thôn, xóm được sử dụng điện lưới quốc gia. 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân, đã có 5 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 14, 1 tiêu chí/xã (tính đến tháng 9/2016). Các chính sách bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện dân chủ, công khai mang lại hiệu quả cao. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục có tiến bộ, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, tạo điều kiện thúc đẩy KT -XH…

 

PV: Xin đồng chí cho biết một số giải pháp chủ yếu để quản lý và khai thác hiệu quả tiềm năng, xây dựng Lương Sơn sớm trở thành vùng động lực kinh tế của tỉnh?

 

Đồng chí Nguyễn Vũ Chi: Được xác định là vùng động lực kinh tế của tỉnh vừa là vinh dự cũng đồng thời là trách nhiệm đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Lương Sơn. Phát huy kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận  những yếu kém, hạn chế, Lương Sơn sẽ tranh thủ tối đa sự giúp đỡ, thực thiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế là vùng động lực kinh tế của tỉnh, xây dựng kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế các xã trong huyện. Xây dựng, phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, bền vững. Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM để tạo thế ổn định, vững chắc cho sự phát triển chung của huyện. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng, nâng cao khả năng hội nhập. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hoá, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố, tạo sự đồng thuận xã hội cho quá trình phát triển của huyện. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Xây dựng, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và khu vực phòng thủ. Phát huy tiềm năng, thế mạnh nội lực của huyện, tranh thủ sự ủng hộ của tỉnh, của Trung ương, tạo động lực để phát triển; coi trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hành tiết kiệm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tiến hành từng bước xây dựng vùng trung tâm huyện Lương Sơn sớm trở thành đô thị loại IV, là hạt nhân vùng động lực kinh tế của tỉnh và trở thành huyện NTM vào năm 2020.

 

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

                                                                        

                                                                          Lê Chung (thực hiện)

 

Các tin khác

Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh, trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Phiên chợ nông sản hữu cơ, đặc sản Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 17/10, tại huyện Lương Sơn, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với UBND huyện Lương Sơn tổ chức “Phiên chợ nông sản hữu cơ, đặc sản Hòa Bình”. Phiên chợ có sự tham gia của 15 doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, 10 HTX đại diện cho hàng trăm HTX trong tỉnh và 30 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, chủ trang trại có quy mô sản xuất lớn.

Hiệu quả từ mô hình trồng cỏ chăn nuôi đại gia súc

(HBĐT) - Là xã thuộc khu vực 135, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, những năm qua, xã Hợp Đồng (Kim Bôi) tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế với những hướng đi phù hợp. Một trong số đó phải kể đến mô hình trồng cỏ vỗ béo trâu, bò.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh: Giám sát chặt chẽ hoạt động tín dụng, đảm bảo các quy định của pháp luật về tiền tệ

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh (NHNN tỉnh) đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và UBND tỉnh để chủ động xây dựng các giải pháp chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2016.

Xử lý doanh nghiệp Nhà nước không công bố thông tin theo quy định

(HBĐT) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về việc thực hiện công bố thông tin của DNNN.

Ngành NN&PTNT đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm

(HBĐT) - Vừa qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành NN&PTNT 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2016.

Triển vọng phát triển vùng bưởi đỏ hàng hóa

(HBĐT) - Cây ăn quả có múi được xác định là 1 trong 3 loại cây chủ lực trong quá trình thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Diện tích cây ăn quả có múi của cả tỉnh gần 5.000 ha. Diện tích trồng bưởi gần 2.000 ha, trong đó diện tích bưởi đỏ khoảng 900 ha và được trồng khá tập trung. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển thương hiệu sản phẩm. Qua tìm hiểu được biết, cây bưởi đỏ già nhất hiện nay có tuổi đời 34 năm. Đến nay có nhiều cơ sở để chứng minh giống bưởi này dù hoàn toàn không có chủ đích nhưng nó là sản phẩm lai hữu tính có nguồn gốc từ vùng Tân Lạc và là loài cây bản địa của địa phương. Đây là lợi thế quan trọng để phát triển thương hiệu bưởi đỏ Hoà Bình so với các giống bưởi khác.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục