(HBĐT) - Theo lời giới thiệu của các đồng chí trong Đảng uỷ xã Thu Phong (Cao Phong) chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của đồng chí Bùi Văn Phong, bí thư chi bộ xóm Đúng. Nằm ngay bên đường 12B, trên toàn bộ diện tích đất vườn của gia đình là các loại cây ăn quả đã cho thu hoạch. Đồng chí Bùi Văn Phong cho biết: Trước đây gia đình đầu tư trồng mía, nhận thấy hiệu quả kinh tế không cao đã chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả gồm cam lòng vàng, cam V2, quýt ôn châu, cam canh. Hiện vườn có trên 300 cây các loại, đến nay đã cho thu hoạch năm thứ hai, vụ thu hoạch năm 2016 cho thu khoảng 6 tấn quả.

 

Ngoài ra trong xóm còn nhiều hộ khác phát triển mạnh cây có múi như hộ ông Khuyến, ông Nguyên, ông Sơn…, đến nay hầu như gia đình nào trong xóm cũng trồng cam, quýt các loại với diện tích cây có múi toàn xóm khoảng 10 ha. Xóm cũng vẫn duy trì trồng mía nhưng diện tích giảm nhiều so với những năm trước, chỉ còn vài ha, nhiều diện tích trồng mía trước kia đã được chuyển sang trồng cây có múi, mở rộng trồng trên diện tích đất đồi, dự kiến tiếp tục phát triển thêm khoảng 3 ha cây có múi. Từ chuyển đổi cây trồng bước đầu cho hiệu quả kinh tế, nhiều hộ gia đình có tổng thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, trên 60% hộ dân trong xóm có kinh tế khá giả. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người toàn xóm đạt 26 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 7%.

 

 

Nhân dân xóm Đúng, xã Thu Phong (Cao Phong) chăm sóc mía thương phẩm.

 

Đồng chí Bùi Thanh Tịnh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết: Là xã được chọn làm điểm thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2011-2015, năm 2015 xã Thu Phong đã phấn đầu về đich nông thôn mới. Với lợi thế của địa phương là sản xuất nông nghiệp, trong đó thế mạnh là cây có múi, Đảng bộ xã đã tập trung lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững, giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã nông thôn mới.

 

Trồng trọt và chăn nuôi là hai ngành sản xuất nông nghiệp chính của xã. Đối với trồng trọt trước đây phần lớn diện tích được trồng mía, tuy nhiên vài năm gần đây cây có múi dần thay thế là cây chủ lực. Hiện toàn xã có 260,9 ha cây có múi, trong đó diện tích cam các các loại là 260 ha, với trên 70 ha đã cho thu hoạch. Năm 2016, toàn xã đăng ký trồng 33,7 ha bưởi cát quế, đợt 1 đã được huyện hỗ trợ trồng 7,43 ha tại các xóm Đúng, Thá, Thiều và Bưng 4, trong năm nay tiếp tục đề nghị hỗ trợ trên diện tích còn lại. Những năm gần đây, cây mía trắng thương phẩm cũng được nhiều hộ dân lựa chọn trồng thay thế cây mía tím do thu nhập mang lại cao hơn, giảm công chăm sóc với diện tích mía trắng toàn xã là 207 ha, mía tím 39 ha. Do đặc thù địa hình, điều kiện tự nhiên nên cây màu không được phát triển mạnh, diện tích lúa ít, trong đó, diện tích  lúa chiêm xuân trên 20 ha, lúa mùa 36 ha, diện tích cây ngô 166.9 ha.

 

Cùng với đó, chăn nuôi được duy trì phát triển ổn định với đàn trâu trên 470 con, đàn bò 167 con, đàn lợn trên 4.100 con, đàn gia cầm 25.000 con, đàn dê 285 con và 400 đàn ong. Để tạo điều kiện cho sản xuất, phát triển kinh tế, Đảng bộ xã lãnh đạo các Hội, đoàn thể chủ động, tích cực, đa dạng các hoạt động thiết thực hỗ trợ nguồn lực cho hội viên. Tiêu biểu như Hội Phụ nữ xã đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vận động hội viên tiết kiệm trên 86,6 triệu đồng giúp 29 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay đầu tư vào sản xuất. Duy trì hoạt động tiết kiệm tín dụng dư nợ trên 1 tỉ đồng giải quyết cho 591 hội viên vay vốn. Hội Nông dân duy trì 2 lớp chuyển giao KH-KT trồng cây có múi cho hội viên, đứng ra vay 300 triệu đồng cho 12 hội viên vay mua trâu sinh sản, kiện toàn 12 tổ vay vốn với tổng dư nợ 58 tỉ đồng… Những kết quả đó đã góp phần tích cực phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo trên địa bàn. Năm 2016, bình quân thu nhập đầu người đạt 26 triệu đồng/người, số hộ nghèo toàn xã còn 87 hộ, chiếm 9,5%.

 

Đồng chí Bùi Thanh Tịnh, Bí thư Đảng uỷ xã cho biết thêm: Tuy là xã đã về đích nông thôn mới nhưng vẫn còn những tiêu chí kết quả đạt được chưa bền vững như về môi trường, nhà ở, hộ nghèo… Cùng với khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, Đảng bộ xã tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, áp dụng tiến bộ KH-KT, đầu tư sản xuất nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng hàng hoá, giữ vững thương hiệu sản phẩm cam Cao Phong có thế cạnh tranh trên thị trường. Phấn đấu năm 2017 mức tăng trưởng kinh tế đạt từ 10% trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 28 triệu đồng.

 

                                           

                                                                                        Hà Thu

 

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục