(HBĐT) - Được vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân, nhiều hộ dân ở xã Quy Hậu (Tân Lạc) đầu tư vào nuôi dê. Sau hơn 3 năm, hiệu quả đem lại trông thấy, các hộ không những trả đủ cả gốc lẫn lãi mà còn tạo được đàn dê hàng chục con. Nuôi dê đang trở thành một trong những hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng ở xã vùng 2 này.

 

 

Nhờ nuôi dê mà gia đình ông Bùi Văn Đôm, xóm Cộng 2, xã Quy Hậu (Tân Lạc) đã có cuộc sống ấm no.

 

 Đồng chí Bùi Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Hậu cho biết: “Năm 2013, Hội Nông dân xã được phân bổ 300 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân, 15 hộ ở các xóm: Cộng 1, Cộng 2 và Khang 1 được vay vốn từ quỹ này. Nhận thấy, ở các xóm có điều kiện tốt để phát triển nuôi dê nên đây là hướng đi được các hộ lựa chọn để sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi có hiệu quả. Ban đầu, số lượng dê có 180 con, đến nay đã tăng lên 360 con (chưa tính số lượng dê đã bán). Sau 3 năm có thể nói, đây là hướng đi đúng, các hộ không chỉ trả đủ tiền gốc, lãi vay mà còn duy trì được đàn dê để tiếp tục nhân đàn”.

 

Hộ ông Bùi Văn Đôm, xóm Cộng 2 là một trong những hộ đầu tiên đưa dê về nuôi từ cách đây hơn chục năm. Tận dụng dãy núi Vôi, ông Đôm đã dựng lều, làm chuồng trại nuôi dê. “Chuồng trại cũng không phải làm cầu kỳ vì gia đình tôi tận dụng luôn các hang hốc ở núi Vôi, chỉ làm thêm cầu để dê dễ đi lại thôi. Dãy núi đá thế này, ngoài con dê chẳng nuôi hay trồng được gì cả. Giống này như thú trên rừng, mỏm đá người không đi được nó cũng nhảy qua. Nhờ nuôi dê mà đời sống kinh tế gia đình đã có nhiều thay đổi”, ông Bùi Văn Đôm chia sẻ.

 

 “Ngôi nhà mới xây này cũng nhờ bán dê mà làm được. Ngày xưa giá chỉ 40 - 50.000 đồng /kg, giờ luôn giữ ở mức từ 120 - 150.000 đồng, thương lái đến tận nhà mua. Dê ăn tạp lắm, sáng thả lên núi, chiều tự về uống nước rồi lên hang ngủ. So với nuôi con lợn, con trâu đỡ vất vả hơn”, bà  Đinh Thị Liên (vợ ông Đôm) chia sẻ thêm. Chính nhờ thấy gia đình ông, bà nuôi dê đem lại hiệu quả kinh tế      khá mà nhiều hộ đã làm theo. Một số hộ vay vốn ưu đãi từ quỹ hỗ trợ nông dân cũng mua dê giống từ gia đình ông Đôm.

 

Hộ ông Bùi Cao Tường, xóm Cộng 1 là một trong số đó. Được vay 20 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ nông dân, ông Tường đã mua 10 con dê giống. Gia đình ông Tường tận dụng các hang rộng ở núi Vôi để làm chuồng cho dê. Nhờ chăm sóc tốt, đàn dê phát triển nhanh, số lượng được gia tăng hàng năm. “Sau 3 năm, từ 10 con ban đầu, đàn dê của gia đình tôi đã tăng lên 40 con. Đến tháng 5/2015, gia đình bán dê để trả cả gốc và lãi đã vay từ quỹ hỗ trợ nông dân, hiện nay còn lại trên 20 con. ưu điểm của dê là sinh sản nhanh, đầu ra lại ổn định nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm được kỹ thuật về phòng, trị các loại bệnh hay mắc phải”, ông Tường cho biết.

 

Cùng đợt vay, nhiều hộ khác ở xóm Cộng 1 đầu tư vào nuôi dê cũng đem lại kết quả khả quan. Nhóm hộ các ông: Bùi Văn Hào, Bùi Văn Chiến, Bùi Văn Tiến góp vốn cùng làm chuồng trại nuôi chung, hiện, đàn dê tăng lên trên 50 con. Hộ ông Bùi Văn Thực, xóm Khang 3 cũng đang sở hữu đàn dê trên 30 con đầy hứa hẹn. ở xóm Khang 1, đàn dê của gia đình ông Bùi Văn Thọ tăng lên trên 50 con. “Đến thời điểm này, gia đình tôi xác định, nuôi dê là hướng đi chính để phát triển kinh tế. Chúng tôi mong muốn được cấp trên tập huấn về kỹ thuật, hỗ trợ vay thêm vốn để mở rộng quy mô, tăng đàn dê”, ông Bùi Cao Tường, xóm Cộng 1 bày tỏ. Đó là cũng là mong mỏi của nhiều hộ dân khác đang đặt niềm tin vào con dê.

 

Tháng 8/2016, những hộ dân nuôi dê ở Quy Hậu có thêm sự hỗ trợ thiết thực khi tổ hợp tác phát triển kinh tế chăn nuôi dê xã Quy Hậu ra đời. “Tổ hợp tác là tập hợp các hộ có chung sở thích nuôi dê, trên cơ sở tham gia tự nguyện. Khi tham gia, các hộ sẽ thuận lợi trong việc trao đổi, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời, vấn đề tìm đầu ra cho con dê sẽ thuận lợi hơn”, đồng chí Bùi Thị Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quy Hậu cho biết. Hiện tổ này có 13 thành viên sắp tới sẽ tăng lên khoảng 30 hộ.

 

                                                                         Viết Đào

 

Các tin khác

Không có hình ảnh
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Sắc xuân thành phố bên sông Đà

(HBĐT) - Xuân đã về với thành phố bên sông Đà. Xuân hiện diện trên những chồi non, thảm hoa dọc những con phố thênh thang tỏa ánh điện lung linh. Xuân về trong lòng người, trong niềm phấn khởi của các bậc cao niên, trong ánh mắt hồn nhiên của những em nhỏ, trong nét mặt rạng ngời của dòng người hối hả đi sắm Tết.

Cam Cao Phong khẳng định thương hiệu trên thị trường

(HBĐT) - Năm 2016, cam Cao Phong được mùa và tiếp tục có những bước đi vững chắc, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Cao Phong đang khai thác hiệu quả lợi thế tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn lực KH-KT, lao động, phát triển vùng cam hàng hóa mang cuộc sống ấm no, giàu có cho người nông dân.

Thu hút đầu tư - cơ hội để Hòa Bình “cất cánh”

(HBĐT) - Với những tiềm năng, lợi thế so sánh đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp, cùng sự quyết liệt chỉ đạo bằng những việc làm, cam kết cụ thể thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư đã đạt được những kết quả khả quan, mở ra những cơ hội lớn để Hòa Bình “cất cánh” trở thành đầu tàu kinh tế vùng Tây Bắc.

Dấu ấn hoạt động khoa học và công nghệ

(HBĐT) - Năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong tỉnh có những điểm nhấn sắc nét. Theo đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH &CN, kết quả này thể hiện rõ sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, sâu sát của UBND tỉnh trong từng nhiệm vụ.

Đảm bảo đủ phương tiện vận tải hành khách trong dịp Tết Nguyên đán

(HBĐT) - Để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Đinh Dậu 2017, các doanh nghiệp vận tải hành khách trong tỉnh đã triển khai kế hoạch nhằm đảm bảo vận tải hành khách an toàn, kịp thời và không để thiếu xe trong những ngày cao điểm.

Nỗ lực đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

(HBĐT) - Bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trực tiếp là Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục