(HBĐT) - Hiện nay, bất cập lớn nhất trong sản xuất rau xanh là tình trạng rời rạc giữa các công đoạn: sản xuất, thu gom sơ chế, bảo quản và mạng lưới tiêu thụ sản phẩm. Tại xã Dân Chủ (thành phố Hòa Bình), mô hình “Tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi giá trị” vừa được triển khai. Mô hình do Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật phối hợp với phòng Kinh tế thành phố thực hiện, kỳ vọng trở thành mô hình mẫu cho việc sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, hướng tới mở rộng trên phạm vi toàn tỉnh.
Chúng tôi đến thăm cánh đồng sản xuất rau an toàn xã Dân Chủ khi bà con nơi đây đang bắt tay vào thu hoạch lứa rau đầu tiên trồng theo phương pháp an toàn. Chị Bùi Thị Hòa, một trong những hộ tham gia mô hình cho biết: Các hộ đã được tập huấn kỹ thuật thông qua mở lớp, khám sức khỏe trước khi thực hiện vào các công đoạn sản xuất theo mô hình. Đặc biệt là trong suốt thời gian triển khai, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và thành phố thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát việc thực hiện sản xuất rau an toàn theo đúng quy trình từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, chăm sóc và thu hái.
Kể từ tháng 10/2016, mô hình chính thức được thực hiện với quy mô 3 ha, có 39 hộ sản xuất. Từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đã hỗ trợ kinh phí 3,8 tỷ đồng. Với việc tuân thủ theo đúng các bước quy trình, toàn bộ diện tích rau trong mô hình bao gồm các loại rau ăn lá, củ, quả như su hào, bắp cải, cải bẹ, cải muối dưa… phát triển tốt, có chất lượng, mẫu mã đảm bảo, an toàn cho người sử dụng. Mô hình sẽ kéo dài đến năm 2018. Dự kiến đến thời điểm đó, thành phố sẽ mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn lên 10 ha.
Hộ tham gia mô hình “Tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi giá trị” tại xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) chăm sóc diện tích rau an toàn vụ đông.
Đồng chí Nguyễn Hữu Cường, Trưởng phòng Kinh tế thành phố nhận định: Thành phố Hòa Bình là nơi tập trung dân cư đông, chủ yếu là các hộ phi nông nghiệp. Đây cũng là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, do đó nhu cầu tiêu thụ rau đảm bảo an toàn thực phẩm rất lớn. Việc triển khai các mô hình, dự án theo chuỗi giá trị khép kín từ khâu quy hoạch, hỗ trợ hạ tầng đến thu mua, tiêu thụ sản phẩm rất bức thiết. Với việc xây dựng mô hình “Tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo chuỗi giá trị” tại xã Dân Chủ sẽ góp phần nâng cao giá trị của cây rau, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và sức khỏe của người tiêu dùng.
Hiện tại, một phần sản lượng rau trồng theo phương pháp canh tác an toàn của hộ trong mô hình được HTX nông nghiệp Dân Chủ thu mua, còn lại do bà con tự tiêu thụ tại các chợ theo nhu cầu cung ứng của người dân trên địa bàn. Song hành với tổ chức sản xuất rau an toàn vừa bước đầu thực hiện, thành phố đã xây dựng nhà sơ chế, tìm kiếm các địa điểm để tới đây sẽ mở các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn. Phấn đấu trong tháng 2 khai trương cửa hàng đầu tiên trên đường Cù Chính Lan, thuộc phường Phương Lâm. Tiếp đó sẽ triển khai 4 điểm bán nông sản, thực phẩm an toàn, gồm 2 điểm phía bờ phải, 2 điểm phía bờ trái sông Đà.
Bùi Minh
(HBĐT) - Huyện Lương Sơn là địa bàn trọng điểm kinh tế, là một trong những huyện có số doanh nghiệp nhiều nhất tỉnh. Cả huyện có khoảng 400 doanh nghiệp ngoài dân doanh, doanh nghiệp tư nhân ở tất cả các loại hình.
(HBĐT) - Có dịp qua huyện Kim Bôi vào những ngày đầu xuân mới, tôi không quên dành thời gian đứng bên lề QL12B trải tầm nhìn về cánh đồng tươi tốt thuộc xóm Sào, xóm Mớ Đồi, xã Hạ Bì để cảm nhận sức xuân đang về.
(HBĐT) - Chiều 13/2, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về hoạt động của Hiệp hội DN và tình hình thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ vễ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
(HBĐT) - Trong những năm qua, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Mai Châu được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Xác định rõ vai trò của mình, Hội Nông dân huyện đã tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan vận động cán bộ, hội viên phát huy vai trò làm chủ, đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo, góp phần xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới.
(HBĐT) - Đến nay, trên địa bàn huyện Lạc Thủy có 67 trang trại đạt tiêu chí, trong đó có 55 trang trại đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế tập thể. Mô hình trang trại chủ yếu là trang trại tổng hợp (33 trang trại), trồng trọt (9 trang trại), chăn nuôi (18 trang trại).
(HBĐT) - Trong tháng 1, TP Hòa Bình có nguồn vốn đầu tư phát triển ước đạt 244,5 tỷ đồng, so cùng kỳ năm trước tăng 13,14%. Chia ra, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước thực hiện 20,6 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 12,57%, trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện 19,6 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 20,46%. ước tính nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp và hộ gia đình thực hiện 223,9 tỷ đồng, so cùng kỳ tăng 13,19%.