(HBĐT) - “Café doanh nhân 2016 bước đầu tạo ra sự chuyển động của bộ máy hành chính trong hỗ trợ doanh nghiệp. Chương trình café doanh nhân phải thực sự hiệu quả, hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển lành mạnh theo đúng Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.” Đó là đánh giá và quan điểm chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh đối với chương trình Café doanh nhân 2017.
Chương trình gặp mặt café doanh nhân được triển khai trong năm 2016 là việc làm cụ thể của tỉnh thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong việc xây dựng môi trường kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Từ những buổi gặp mặt ban đầu với mong muốn là diễn đàn tạo sự đồng cảm, sẻ chia giữa lãnh đạo tỉnh, cơ quan QLNN với doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Tiếp đến chương trình được điều chỉnh tập trung thảo luận theo các lĩnh vực chuyên đề, nhóm chuyên đề như: Thủ tục, chính sách thu hút đầu tư, giải ngân vốn xây dựng cơ bản; thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng; chính sách thuế, tiếp cận vốn; lĩnh vực xây dựng; lao động việc làm và an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự chương trình Café Doanh nhân.
Chương trình Café doanh nhân đã bước đầu tạo sự gần gũi sẻ chia giữa chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Tại các buổi gặp mặt café doanh nhân, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành cập nhật, lắng nghe, ghi nhận những sự chia sẻ, tâm tư nguyện vọng của những vấn đề từ thực tế phát sinh của việc thực thi chính sách tác động đến sự phát triển của doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để có sự chỉ đạo và định hướng giải quyết, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh cũng đã ghi nhận phản ánh của doanh nghiệp về một số cán bộ, công chức gây thiếu trách nhiệm gây khó khăn cho hoạt động doanh nghiệp.
Tại buổi tổng kết chương trình café doanh nhân 2016, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng: Với chương trình gặp mặt lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp có sự chia sẻ cởi mở và thân thiện với lãnh đạo đạo tỉnh, các cơ quan quản lý Nhà nước và mong muốn tiếp tục được duy trì chương trình theo hướng đổi mới và đi vào thực chất, hiệu quả hơn nữa. Đặc biệt, thông qua chương trình, bộ máy chính quyền đã chuyển động tích cực, hỗ trợ phối hợp tốt và hiệu quả hơn thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn phát triển sản xuất - kinh doanh. Các ý kiến của doanh nghiệp tập trung vào các nội dung như thủ tục hành chính về đất đai, mặt bằng, vốn các công trình đã hoàn thành, công trình thi công dở dang, vấn đề nộp tiền thuế, cấp quyền khai thác khoáng sản; thông tin quy hoạch chuyên ngành, các thủ tục xây dựng.
Hầu hết các ý kiến của doanh nghiệp đều được các sở, ngành trả lời, giải đáp. Ngoài ra trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành nghiên cứu trả lời, giải quyết theo thẩm quyền. Đã có hàng chục ý kiến được xem xét giải quyết, một số nội dung được giải quyết dứt điểm. Chẳng hạn như xây dựng giá bảng giá đất cho các KCN, cụm công nghiệp; cơ chế giúp doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đối với trường hợp dự án phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất; giải quyết các hộ dân cản trở thực hiện dự án sản xuất gạch không nung do Công ty TNHH xây dựng thương mại Hùng Mạnh và dự án kho hàng chứa nông sản tại thôn Trường Nen, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc do Công ty TNHH Tiến Phương làm chủ đầu tư; giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng khu du lịch sinh thái đa năng hồ Dè- núi Đúng của công ty CP TM&DL, công ty Thiên Anh; dự án KDC An Cư Xanh, phường Hữu Nghị (TP Hòa Bình) do Công ty CP TM Dạ Hợp; dự án Khu liên hợp thể thao Tây Bắc tại phường Thịnh Lang do công ty Hoàng Sơn làm chủ đầu tư…
Ông Hà Trung Nguyên, Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp. Sau mỗi buổi café doanh nhân, các sở, ngành đã tích cực hơn giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực liên quan đến thủ tục cấp phép xây dựng, thẩm định quy hoạch xây dựng, thẩm định dự án; thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công, dự toán xây dựng công trình lâu nay phức tạp và nhiều khó khăn đã chuyển biến rõ nét. Cán bộ, công chức Sở Xây dựng làm việc trong tâm thế hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục nhanh gọn và hiệu quả theo đúng quy định hướng dẫn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh đánh giá: Café doanh nhân đã bước đầu tạo ra sự chuyển động của bộ máy hành chính trong hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2017, chương trình café doanh nhân phải thực sự hiệu quả, hướng tới mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển lành mạnh theo đúng Nghị quyết số 35 của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Chính quyền phải đồng hành, phục vụ doanh nghiệp là quan điểm xuyên suốt. Chính quyền không thể bàng quan, vô cảm trước khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh chủ trương xem xét làm rõ trách nhiệm của cán bộ, công chức, cơ quan QLNN, chính quyền theo quy định của pháp luật nếu gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, cản trở doanh nghiệp phát triển. Đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng và hiệu quả phối hợp của các cơ quan QLNN trong giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động doanh nghiệp và người dân, giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh.
(HBĐT) - Tổng nguồn vốn huy động để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2016 của toàn tỉnh có 1.960,58 tỷ đồng.
(HBĐT) - Chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua lao động sản xuất khả quan khi cùng đoàn công tác của Ban quản lý (BQL) các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đi thăm một số doanh nghiệp trên địa bàn. Ngay sau nghỉ Tết, hoạt động của Công ty may Esquel Việt Nam tại KCN Lương Sơn đã trở lại làm việc bình thường. Công ty đang phát động các phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hoàn thành các đơn hàng của đối tác.
(HBĐT) - Được sự giới thiệu của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, chúng tôi về thăm xã Hợp Thành, đơn vị dẫn đầu của huyện về phát triển KT-XH năm 2016 vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, người dân trong xã tập trung xuống đồng sản xuất vụ chiêm - xuân.
(HBĐT) - Ngày 16/2, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Lương Sơn tổ chức hội nghị tổng kết công tác tín dụng chính sách năm 2016, triển khai công tác tín dụng chính sách năm 2017.
(HBĐT) - Ngày 16/2, Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị tổng kết công tác tín dụng năm 2016, triển khai công tác tín dụng năm 2017.
(HBĐT) - Đà Bắc là huyện nghèo theo Quyết định số 293/QĐ-TTg của Chính phủ. Là huyện rộng nhất tỉnh, địa hình chia cắt, diện tích tự nhiên lớn nhưng đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ ít, không bằng phẳng. Huyện có 19 xã và 1 thị trấn, trong đó có 14 xã thuộc khu vực III, 5 xã khu vực II, 15 xã vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà. Trong điều kiện đó, việc phát triển KT-XH, nhất là nông, lâm nghiệp đối với Đà Bắc khó khăn hơn nhiều địa phương khác trong tỉnh.