(HBĐT) - Hòa Bình được đánh giá là tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả, bước đầu tạo được sự chuyển động trong tư duy và tổ chức sản xuất trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế, xây dựng các sản phẩm nông sản có lợi thế gắn với xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh vẫn còn khó khăn, bất cập cần giải quyết từ vấn đề nhận thức về tái cơ cấu; thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, huy động các nguồn lực; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng chuỗi liên kết, hình thành chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững.

Cam, quýt là sản phẩm nông nghiệp lợi thế của huyện Cao Phong. Đến nay, huyện Cao Phong đã có 900/2.087 ha cam, quýt thời kỳ kinh doanh, thu nhập khoảng 700 triệu đồng/ha.

 

Phát triển các loại sản phẩm có lợi thế cạnh tranh

Tỉnh đã phê duyệt nhiều quy hoạch, đề án, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất đã mang lại kết quả khả quan trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh ta. Các địa phương đã chú trọng lựa chọn sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế như cam, bưởi đỏ, mía tím, nhãn Hương Chi, su su, tỏi tía, gà đồi, lợn bản địa, cá vùng hồ để tập trung phát triển. Các chỉ tiêu về tái cơ cấu ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp tăng từ 4,37% ( năm 2013) lên 4,7% ( năm 2016). 5 lĩnh vực tái cơ cấu ngành nông nghiệp là trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, thủy lợi, lâm nghiệp đều có bước phát triển tích cực. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt chuyển biến mạnh mẽ.

 

Nếu như trước đây, lương thực với 2 cây trồng chủ lực là lúa và ngô được chú trọng thì đến nay đã đưa vào nhóm thứ 2. Tỉnh đã chuyển đổi hàng nghìn ha đất quy hoạch trồng lúa và cây màu sang trồng các loại cây ăn quả, cây có múi, rau an toàn. Tỉnh đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung cây có lợi thế như bưởi, cam, nhãn, rau an toàn tăng mạnh, hiệu quả sản xuất ngày càng cao.

 

Toàn tỉnh hiện có 6.300 ha cam, bưởi, trong đó, diện tích kinh doanh cho thu nhập từ 500- 700 triệu đồng/ha, trở thành mơ ước của nhiều địa phương, tạo ra làn sóng, hiệu ứng đầu tư phát triển vùng cam, bưởi đỏ. Mía, nhãn thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Các loại mướp đắng, bí xanh thu nhập 120 triệu đồng/ha. Diện tích rau hữu cơ, rau an toàn bản địa tăng lên đáng kể, thu nhập hàng trăm triệu đồng.

 

Bên cạnh đó, tỉnh đã xác định 5 loài vật nuôi có lợi thế, gồm trâu, bò, lợn, gia cầm và dê. Lĩnh vực chăn nuôi dịch chuyển tích cực theo hướng tăng tỷ trọng và giá trị chăn nuôi lợn và đại gia súc. Tập quán chăn thả truyền thống đang chuyển sang nuôi nhốt, công nghiệp và bán công nghiệp, liên kết chăn nuôi để phát triển bền vững. Chăn nuôi chuyển từ nông hộ sang chăn nuôi gia trai, trang trại, bảo đảm an toàn sinh học, môi trường, nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, giảm thiểu tác động đến môi trường.  Tỉnh đã hình hình các cơ sở chăn nuôi gà đồi, gà đen, vịt bầu bến, trong đó, gà đồi, gà đen, dê là sản phẩm đặc thù, thương hiệu của Hòa Bình và được thị trường tiêu thụ mạnh. Tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi tăng từ 1% năm (2013) lên 6,8% ( năm 2016), giá trị ngành chăn nuôi chiếm 26,4% giá trị toàn ngành.

 

Đối với lĩnh vực thủy sản, tỉnh đã bước đầu khai thác tiềm năng của hồ Hòa Bình phát triển nghề nuôi cá lồng, thực hiện các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, cung cấp sản phẩm sạch và an toàn đến người tiêu dùng. Thông qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giá trị thu nhập bình quân tăng từ 90,3 triệu đồng (năm 2013) lên 112 triệu đồng (năm 2016), riêng thủy sản tăng từ 80,8 triệu đồng lên 123 triệu đồng/ha mặt nước; giá trị tăng thêm và cơ cấu giá trị sản xuất ngành thủy sản tăng từ 8,9% (năm 2013) lên 16,2% (năm 2016).

 

“Nút thắt” của tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh được đánh giá là đạt được những kết quả tích cực. Song trên tổng thể vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết. Sở NN&PTNT đã thẳng thắn nhìn nhận: Sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, không có diện tích lớn để xây dựng cánh đồng lớn thu hút doanh nghiệp có tiềm lực vào sản xuất. Chưa thu hút được doanh nghiệp lớn vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực tế, một số doanh nghiệp đã đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, sau đó khó khăn tiếp cận đất đai đã chuyển hướng đầu tư vào các tỉnh khác. Tỷ trọng ngành trồng trọt còn cao trong cơ cấu ngành (73,09%). Sản lượng nông sản có lợi thế chiếm tỷ lệ thấp. Tỷ trọng ngành thủy sản, chăn nuôi tăng mạnh song thiếu tính bền vững. Quy mô sản xuất nhỏ và phân tán, tập trung tại thành phần kinh tế cá thể. Chưa phát huy được vai trò động lực của kinh tế tư nhân, cầu nối của kinh tế tập thể, hạt nhân của doanh nghiệp Nhà nước, liên kết sản xuất còn rời rạc.

 

Diện tích cây trồng bào đảm ATTP, chứng nhận VietGap chưa đủ lớn để hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Công tác quản lý kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp tại cơ sở còn nhiều bất cập. Nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp nông thôn thấp, trong khi khả năng huy động nguồn lực trong nhân dân không nhiều. Hạ tầng kỹ thuật vùng nông thôn còn thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất. Thị trường tiêu thụ nông sản không ổn định. Ngoài một số sản phẩm có giá bán tốt như cam, bưởi, vẫn còn tình trạng được mùa mất giá. Thu nhập và đời sống của người dân khu vực nông thôn còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh và toàn quốc.

 

Ngoài những nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan của những hạn chế, tồn tại trong tái cơ cấu ngành được nhìn nhận đó là: Nhận thức về tái cơ cấu chưa toàn diện, mới chỉ tập trung vào sản xuất mà chưa đẩy mạnh các giải pháp chế biến, nâng cao giá trị. Cơ chế, chính sách chậm ban hành, sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Đặc biệt, tỉnh chưa có những doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, dẫn dắt hình thành chuỗi liên kết khép kín sản xuất, tiêu thụ nông sản đáp ứng nhu cầu thị ngày càng đòi hỏi cao của thị trường.

Giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp

 

UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị và sự đóng góp của ngành nông nghiệp trong phát triển KT - XH của tỉnh; tăng thu nhập cho nông dân, giảm nghèo bền vững. Trong đó, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch không còn phù hợp và lập quy hoạch sản phẩm theo yêu cầu, quản lý chặt chẽ quy hoạch, bố trí nguồn lực thực hiện các dự án nằm trong quy hoạch. Chỉ đạo mở rộng quy mô sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và có giá trị cao, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh cây giống, đẩy mạnh bình tuyển, công nhận quản lý cây đầu dòng, cây ăn quả theo đúng quy định, cung cấp cây giống có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường. Đẩy mạnh ứng dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGap), ứng dụng KHKT vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế, từng bước hình thành vùng chuyên canh. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các địa phương xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và cân đối bố trí các nguồn lực để thực hiện đề án hàng năm. Siết chặt, tăng cường QLNN đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ đầu vào sản xuất; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các dự án ứng dụng công nghệ cao cho cây trồng. Chỉ đạo chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị cao hơn, thực hiện định hướng chỉ đạo xuyên suốt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần đi vào thực chất và hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo sự phát triển bền vững cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

 

 Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã kiến nghị với Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg; chính sách liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo quyết định số 62/2013/QĐ-TTg nhằm tạo điệu kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế được hưởng chính sách; ban hành cơ chế bố trí ngân sách hỗ trợ thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với các tỉnh chưa chủ động được ngân sách; xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm liên vùng, liên tỉnh nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; tăng nguồn vốn đầu tư công trung hạn thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về thu hút doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp nông thôn; hỗ trợ tỉnh giới thiệu sản phẩm có thế mạnh như cam, mía tím, cá sông Đà, rau vùng cao đến với thị trường trong nước vào quốc tế.

 

                                                               Lê Chung

Các tin khác


Quản lý, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản

Những năm gần đây, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, hội nhập quốc tế, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản. Từ đó góp phần nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh tại thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu, nhất là bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Giá vàng sáng 29/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 29/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 83 - 85,22 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra).

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục