(HBĐT) - Bloom Microventures là tổ chức phi Chính phủ của Anh, hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội với mục tiêu giảm đói nghèo nhờ mô hình du lịch vì người nghèo thông qua tín dụng vi mô. Bằng hình thức sử dụng nguồn thu từ du lịch để cung cấp các khoản vay nhỏ không cần tài sản thế chấp, lãi suất thấp cho phụ nữ nông thôn, giúp họ bắt đầu các hoạt động sản xuất, kinh doanh mang lại thu nhập bền vững. Dự án Bloom được duy trì triển khai từ nhiều năm qua tại xã Phú Minh (Kỳ Sơn).
Du khách tham gia trò chơi bịt mắt đập niêu tại điểm du lịch xóm Đồng Bài, xã Phú Minh (Kỳ Sơn).
Một chiều cuối tuần, chúng tôi về xóm Đồng Bài, nơi khởi đầu của loại hình du lịch tín dụng vi mô tại xã Phú Minh. Đi qua chiếc cổng làng theo con đường trục xóm được rải nhựa êm thuận, uốn lượn qua những ngôi nhà, chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà sàn nhỏ - cơ sở lưu trú của khách du lịch. Dưới hiên nhà sàn, một đoàn khách du lịch người nước ngoài đang chuyện trò vui vẻ. Những em nhỏ chạy nhảy, nô đùa. Một gia đình háo hức ngồi lên chiếc xe tự chế của người dân lái thử. Đôi ba người khoác ba lô dạo bộ quanh làng. Anh Bernie Huber, du khách người Đức hào hứng: Đây là lần đầu tiên tôi đến nơi này, cảm giác rất thú vị. Không khí làng quê trong lành. Khung cảnh yên bình, không ồn ào, xô bồ. Tuy cuộc sống của người dân còn khó khăn nhưng tình cảm rất thân thiện. Tôi hy vọng sẽ có dịp trở lại đây.
Là xã nằm ở vùng hạ lưu sông Đà, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp với hồ Đồng Bài nên thơ, hữu tình. Con người thân thiện, cuộc sống yên bình là những điểm nhấn thu hút du khách đến với Phú Minh. Qua kết nối với Hội Phụ nữ Dự án Bloom tổ chức các tuor du lịch đưa du khách trải nghiệm về cuộc sống cũng như tận hưởng không khí trong lành của làng quê nông thôn miền núi. Một phần doanh thu từ tour được sử dụng để cấp khoản tiền nhỏ cho một khách hàng vay. Dự án triển khai đầu tiên tại xóm Đồng Bài, sau đó được nhân rộng ra 6 xóm trên toàn xã.
Trong tour du lịch, du khách đến thăm một gia đình hội viên phụ nữ để tìm hiểu đời sống, sinh hoạt, hoàn cảnh gia đình, từ đó xác nhận hộ gia đình có được nhận một khoản vay tài trợ từ phí tour hay không. Ngoài ra, du khách còn tham gia các hoạt động khác như đi bộ, leo núi, câu cá, đi xe đạp, trò chơi dân gian, trải nghiệm công việc lao động, sản xuất cùng người dân địa phương như cấy lúa, nhổ sắn…
Trong năm 2016, dự án đã tổ chức 24 chuyến du lịch cho 157 khách nước ngoài đến thăm quan và du lịch tại xã. Đến hết năm 2016, tổng giá trị vốn vay từ dự án đã giải ngân 218 triệu đồng cho 120 người vay, số dư nợ 109 triệu đồng. Từ nguồn vốn hỗ trợ cùng với nguồn vốn của gia đình các hộ được vay vốn đầu tư vào chăn nuôi gà, cá, lợn, trâu, bò… góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Diệu, phụ trách hoạt động cho vay vốn dự án xã Phú Minh cho biết: Khách du lịch chủ yếu là người nước ngoài đến từ Mỹ, Anh, Đức và một số nước châu á. Với mỗi đoàn khách của dự án về du lịch tại xã sẽ có một hộ gia đình hội viên được vay vốn. Để được vay vốn, khách sẽ đến gia đình xem tình hình thực tế có đáp ứng điều kiện cho vay hay không. Đồng thời, quá trình sử dụng vốn vay, dự án thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn có đúng mục đích, yêu cầu hay không. Nhiều người sau khi vay vốn lần 1 tiếp tục được vay thêm lần 2. Lần 1 được vay 2 triệu đồng, lần 2 tăng lên 4 triệu đồng. Tuy số tiền vay không lớn nhưng có tác dụng thiết thực động viên, tạo động lực cho chị em nghèo, hoàn cảnh khó khăn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình.
Gắn du lịch với hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho phụ nữ nông thôn được tiếp cận với nguồn vốn đầu tư quy mô nhỏ để phát triển kinh tế gia đình, mô hình du lịch vì người nghèo thông qua tín dụng vi mô tại xã Phú Minh được người dân đồng tình, mang lại hiệu quả thiết thực. Chị Trần Hương Ly, cán bộ dự án Bloom cho biết: Trong giai đoạn đầu của dự án, hoạt động du lịch và tín dụng là hai hợp phần gắn kết chặt chẽ với nhau. Hiện, dự án đã kết thúc giai đoạn II, đang trong quá trình đánh giá hiệu quả của các hợp phần để có kế hoạch tiếp tục triển khai theo hướng phù hợp. Đối với nguồn vốn của dự án vẫn tiếp tục được quay vòng cho các hộ vay vốn. Tuy nhiên, giai đoạn sau hoạt động du lịch và tín dụng có thể sẽ tách biệt, bởi hiện nay tại địa bàn đã xây dựng được cơ sở lưu trú để khách du lịch nghỉ lại. Các dịch vụ du lịch mở rộng hơn, thu hút nhiều hộ dân tham gia, tạo nguồn doanh thu cho người dân khi có du khách đến thăm quan. Qua đó, người dân được hưởng lợi từ chính hoạt động dịch vụ du lịch để tăng thêm thu nhập, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hà Thu
(HBĐT) - Những ngày vừa qua, lực lượng liên ngành gồm: Cục Thuế tỉnh, Chi cục Đo lường chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp đồng loạt triển khai trên toàn tỉnh dán tem chống gian lận xăng, dầu. Việc dán tem những ngày đầu được các doanh nghiệp, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn phối hợp và tạo điều kiện khá thuận lợi. Doanh nghiệp, người dân trong tỉnh cũng đồng tình với chủ trương dán tem của lực lượng liên ngành.
(HBĐT) - ông Hà Văn Chiến (Cao Phong) hỏi: Đề nghị cho biết hoạt động kinh tế của Nhà nước đóng góp cho ngân sách Nhà nước (NSNN) như thế nào?
(HBĐT) - Thống Nhất là xã vùng ven thành phố Hoà Bình, từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả cao.
(HBĐT) - Theo NHCSXH tỉnh, từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay chương trình giải quyết việc làm (GQVL) theo Nghị định số 61/2015 đạt 3.524 tỷ đồng với 135 lượt khách hàng vay vốn.
(HBĐT) - Hiện nay, Hội LHPN xã Pà Cò (Mai Châu) có trên 400 hội viên, sinh hoạt tại 8 chi hội của 7 xóm. Phần lớn chị em tham gia sản xuất nông nghiệp và buôn bán nhỏ, cuộc sống còn nhiều khó khăn.
(HBĐT) - Chiều 11/4, đoàn công tác của UBND tỉnh đã có buổi làm việc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình xây dựng NTM tại TP. Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.