Theo thống kê của ngành Y tế, hàng năm, tại địa bàn tỉnh, nhu cầu sử dụng dược liệu mỗi năm vài trăm tấn. Tuy nhiên, phần lớn mua lại từ tỉnh khác và nhập khẩu. Trước thực trạng đó, một số nơi đã trồng các loại như: xạ đen, xạ vàng, ba kích, củ mài, giảo cổ lam, địa liền, hương nhu trắng, nghệ đen, quế, ý dĩ, mã tiền… Những loại dược liệu này được trồng nhỏ lẻ trên đất rừng, vườn tạp, đất sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp sản xuất thuốc đông y, thuốc từ dược liệu là Công ty CP dược, trang thiết bị y tế Hòa Bình và Công ty CP y dược học dân tộc Hòa Bình cùng nhân dân trồng trên 1.000 ha dược liệu gồm: giảo cổ lam, cà gai leo, gấc, gừng, xạ đen… bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, việc phát triển cây dược liệu đang gặp một số khó khăn như: chưa có quy hoạch cụ thể, chưa phát triển trồng, gây giống cây dược liệu nên không hình thành được vùng dược liệu tập trung có chất lượng cao, giá thành hạ, sức cạnh tranh trên thị trường thấp, khó đáp ứng được nhu cầu thị trường ngày nay… Ngành dược liệu chưa được sản xuất theo quy trình, quy hoạch, cụ thể, khâu sơ chế, chế biến, chiết xuất chưa được quan tâm đầu tư. ở các hộ gia đình, việc trồng và thu hái dược liệu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, quy mô nhỏ, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hái, bảo quản. Chất lượng sản phẩm đưa ra thị trường chưa được kiểm soát, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu thông qua tư thương. Điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, hơn 80% lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo nên người dân chưa thực sự quan tâm đến cây dược liệu. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn dàn trải, thủ tục hành chính còn phức tạp gây trở ngại cho doanh nghiệp phát triển cây dược liệu.
Trước thực trạng đó, vừa qua, ngành Y tế đã tham mưu phát triển ngành dược liệu qua việc giao một đơn vị làm cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước và tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời quy hoạch tổng thể phát triển cây dược liệu của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Xây dựng Trung tâm bảo tồn và phát triển dược liệu nhằm thu thập, lưu giữ, chọn tạo và sản xuất giống, nghiên cứu và phát triển, kiểm định chất lượng, đào tạo đội ngũ nhân lực, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển dược liệu. Khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh cung cấp giống cây dược liệu, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hái, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm theo các tiêu chuẩn như GAP -WHO để đảm bảo chất lượng dược liệu sau thu hái, chế biến, từ đó tạo các sản phẩm có chất lượng cao và ổn định, có khả năng cạnh tranh, vượt qua được hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu. Định hướng mỗi huyện hoặc doanh nghiệp đầu tư trồng từ 3 - 5 loài cây dược liệu phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng có năng suất, chất lượng cũng như giá trị kinh tế để xây dựng chỉ dẫn địa lý cho từng vùng trong tỉnh.
Việt Lâm
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 – 2020.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, huyện Lương Sơn thu hút 2 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 125 tỉ đồng, lũy kế đến hết 6 tháng, toàn huyện có 158 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án FDI với số vốn đăng ký 297.730 triệu USD, 142 dự án trong nước với số vốn đăng ký 14.138 tỷ đồng. Trong kỳ, huyện đã cấp đăng ký kinh doanh cho 144 hộ với số vốn 39.340 triệu đồng. Trong đó, cấp mới cho 114 hộ với số vốn 32.800 triệu đồng, cấp đổi cho 30 hộ với số vốn 6.540 triệu đồng.