Chúng tôi tới thăm mô hình trồng cam của gia đình anh Bùi Văn Linh ở xóm Quà, một trong những mô hình làm kinh tế tiêu biểu của tuổi trẻ xã Yên Lập. Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện cộng với số tiền bán trâu, bò của gia đình, năm 2013, anh đã mạnh dạn trồng 1.200 gốc cam. Sau thu bói lứa cam đầu tiên, anh thu lãi gần 60 triệu đồng. Anh tâm sự: Thanh niên nông thôn chúng tôi đa số gắn với công việc nhà nông. Tôi đã tốt nghiệp đại học nhưng con đường xin việc khá gian truân, song không vì thế mà tôi chán nản. Tôi quyết tâm gác lại chuyện xin việc, ở nhà tập trung làm kinh tế. Được sự giúp đỡ của Đoàn xã Yên Lập, tôi tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cam, nhờ đó giúp tôi có thêm kiến thức để phát triển kinh tế trên mảnh đất của quê hương. Mới lập nghiệp nên còn nhiều khó khăn, song tôi luôn tự động viên cần phải cố gắng hơn nữa để chứng minh có nhiều con đường để lập nghiệp, không nhất thiết là phải đi làm Nhà nước.
Anh Bùi Văn Linh (bên trái), xóm Quà, xã Yên Lập (Cao Phong) khởi nghiệp từ 10 triệu đồng vốn vay ngân hàng, đến nay đã trồng 1.200 gốc cam cho hiệu quả kinh tế khá.
"Đoàn xã Yên Lập hiện có 220 ĐV-TN sinh hoạt tại 10 chi đoàn. Thời gian qua, BCH Đoàn xã đã có nhiều nỗ lực, cố gắng giúp ĐV -TN lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng. Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở xã, ở huyện mở lớp chuyển giao KH -KT cho ĐV -TN, từ đó tập trung đầu tư vào cây trồng, vật nuôi cho thu nhập cao. Hiện nay, cam, mía là 2 loại cây trồng chính được nhiều thanh niên trong xã chú trọng mở rộng và phát triển”, đồng chí Bùi Văn Chưng, Bí thư Đoàn xã chia sẻ.
Cũng là thanh niên thế hệ 8X, anh Bùi Như Khuê, xóm Mới, xã Thung Nai tập trung phát triển kinh tế từ nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ sông Đà. Hiện anh đã phát triển được 6 lồng cá. Cùng với chạy thuyền chở khách tại cảng Thung Nai, mỗi năm anh thu lãi gần 100 triệu đồng. Anh Khuê tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi và dự định tăng thêm số lồng cá trong thời gian tới.
Trao đổi về hành trình khởi nghiệp của ĐV -TN trên địa bàn huyện, đồng chí Bùi Văn Đoan, Bí thư Huyện Đoàn cho biết: Những năm trước, nhiều bạn trẻ chưa thành công bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó thiếu sự trợ giúp tích cực từ gia đình, bạn bè và cả các tổ chức, đoàn thể. Trước thực tế trên, Huyện Đoàn Cao Phong đã tích cực phối hợp với đơn vị liên quan hỗ trợ ĐV -TN giống, vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình. Hiện, toàn huyện có 3.440 ĐV -TN sinh hoạt tại 13 xã, thị trấn. Trong đó có gần 2.900 ĐV -TN ở nhà phát triển kinh tế gia đình với mức thu ổn định. Thời gian qua, chúng tôi tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình ĐV -TN hiểu rõ con đường thành công của mỗi ĐV -TN, không nhất thiết phải vào đại học. Từ đó, tạo điều kiện quan tâm, giúp đỡ, động viên con em mình tập trung phát triển kinh tế.
Tuổi trẻ huyện Cao Phong hôm nay đã và đang cháy lên những đam mê, khát vọng lập thân, khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Đó không chỉ là khát vọng mà là sứ mệnh của ĐV -TN. Với vai trò tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào. Lực lượng ĐV -TN huyện Cao Phong đã và đang góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Minh Tuấn (Đài Cao Phong)
(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017 – 2020.
(HBĐT) - 6 tháng đầu năm, huyện Lương Sơn thu hút 2 dự án đầu tư với số vốn đăng ký 125 tỉ đồng, lũy kế đến hết 6 tháng, toàn huyện có 158 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án FDI với số vốn đăng ký 297.730 triệu USD, 142 dự án trong nước với số vốn đăng ký 14.138 tỷ đồng. Trong kỳ, huyện đã cấp đăng ký kinh doanh cho 144 hộ với số vốn 39.340 triệu đồng. Trong đó, cấp mới cho 114 hộ với số vốn 32.800 triệu đồng, cấp đổi cho 30 hộ với số vốn 6.540 triệu đồng.