(HBĐT) - Yên Thủy là huyện có đặc trưng của cả 3 vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Diện tích đất nông nghiệp có 22.977,32 ha, chiếm 73,53% tổng diện tích tự nhiên. Với điều kiện về đất, Yên Thủy có nhiều tiềm năng để phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong những năm gần đây, nông dân Yên Thuỷ đã tích cực chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn, trong đó có cây họ bầu, bí vì phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, có thể trồng cả 3 vụ / năm, dễ bảo quản sau thu hoạch và trong quá trình vận chuyển, hiệu quả kinh tế cao, được thị trường chấp nhận. Từ năm 2013, UBND huyện đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn về sản xuất và tiêu thụ bí xanh đảm bảo ATTP với quy mô 25 ha tại các xã Hữu Lợi, Đoàn Kết, Bảo Hiệu, Phú Lai, bước đầu đã hình thành các vùng sản xuất bí xanh đảm bảo ATTP. Các hộ tham gia nắm được quy trình kỹ thuật, chăm sóc đảm bảo theo tiêu chuẩn ATTP. Tuy nhiên, việc duy trì liên kết tiêu thụ của mô hình còn hạn chế. Các nhóm hộ sản xuất chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chủ yếu bán cho tư thương, chưa được cấp chứng nhận ATTP.
Nông dân xóm Bảo Yên, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy chăm sóc bí xanh an toàn thực phẩm theo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Việc mở rộng quy mô, diện tích cây rau họ bầu, bí đảm bảo theo tiêu chuẩn ATTP và duy trì kết nối bao tiêu sản phẩm ổn định là yêu cầu rất cần thiết để nâng cao thu nhập cho nông dân, từng bước xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm đặc trưng của huyện. Do đó, UBND huyện Yên Thủy đề xuất thực hiện Dự án sản xuất rau an toàn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thực hiện trong năm 2017. Huyện xây dựng dự án trồng rau an toàn liên kết tiêu thụ sản phẩm, tổng diện tích 40 ha trong đó bí xanh 20 ha, bí đỏ 20 ha thực hiện tại các xã: Bảo Hiệu, Đoàn Kết, Hữu Lợi, Yên Trị có 90 - 100 hộ tham gia sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm với HTX nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu. Duy trì ổn định quy mô trồng rau ATTP gắn với bao tiêu sản phẩm các năm tiếp theo. Xây dựng chuỗi liên kết giữa HTX nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu, HTX nông nghiệp các xã vùng dự án để đảm bảo quy trình từ sản xuất đến tiêu thụ; chất lượng sản phẩm được kiểm soát, đánh giá; giá cả ổn định, tạo niềm tin cho khách hàng. Đào tạo và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người lao động, sử dụng đất hiệu quả nhằm tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người nông dân. Đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm rau an toàn của địa phương.
Bắt tay vào thực hiện, UBND các xã vùng dự án tổ chức tuyên truyền, vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người dân tích cực tham gia. HTX nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu cử cán bộ theo dõi quá trình thực hiện dự án, đánh giá sản lượng; tổ chức ký kết, bao tiêu toàn bộ sản phẩm canh tác theo quy trình kỹ thuật và đạt yêu cầu chất lượng của HTX. Các hộ gia đình tham gia dự án trực tiếp ký kết hợp đồng liên kết và ký cam kết thực hiện dự án. Tham gia tập huấn và canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật; bán toàn bộ sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng cho HTX. HTX nông, lâm nghiệp Bảo Hiệu cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm bí xanh, bí đỏ đạt tiêu chuẩn với giá bình quân 4.000 đồngkg. Bình quân năng suất đạt 25 tấn / ha/vụ, trừ chi phí, lãi khoảng 80- 85 triệu đồng /ha; bình quân lãi 2,8 - 3, 2 triệu đồng/sào vụ (khoảng 2, 5 tháng).
Đồng chí Bùi Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thuỷ cho biết: Dự án được thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật quản lý nguồn nước hiệu quả, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý nên giảm đáng kể tác động ô nhiễm môi trường sản xuất và tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tạo được lòng tin đối với thị trường, có đầu ra ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân. Dự kiến tổng mức đầu tư cho dự án là 3.331 triệu đồng. Trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ 1.727, 8 triệu đồng; vốn doanh nghiệp 1.060 triệu đồng; vốn nhân dân góp 543, 2 triệu đồng. Dự án là tiền đề cho nhiều hộ dân của xã cùng tham gia đầu tư phát triển sản xuất, tạo động lực ban đầu cho người dân nhân rộng, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có chất lượng, ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đinh Thắng
(HBĐT) - Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2016. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.469 tỷ đồng, tăng 15,91% so với cùng kỳ, thực hiện 50,16% kế hoạch năm.
(HBĐT) - Trong những năm qua, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cho thu nhập cao của ĐV -TN là minh chứng cho khát khao làm giàu của tuổi trẻ huyện Cao Phong, thể hiện vai trò xung kích của thanh niên trong phát triển KT -XH, là nhân tố tích cực góp phần đẩy mạnh công cuộc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
(HBĐT) - Chiều 28-6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp với Trung tâm chiếu xạ Hà Nội (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) tổ chức chiếu xạ 3,5 tấn xoài tượng da xanh của tỉnh Sơn La xuất khẩu lần đầu tiên sang thị trường Australia theo đường biển. Đây là giống xoài được đánh giá rất tốt bởi xoài trồng tại Sơn La có chất lượng giòn, thơm ngon đặc trưng, rất phù hợp với thị hiếu ăn tươi hoặc chế biến tại Australia.
(HBĐT) - Ngày 28/6, Sở Tư pháp đã tổ chức hộ nghị triển khai Luật đấu giá tài sản và bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho công chứng viên, đấu giá viên. Dự hội nghị có đại diện sở, ngành: Văn phòng UBND tỉnh, TN-MT, Tài chính, KH-ĐT, NHNN, Cục THADS tỉnh; lãnh đạo UBND và các phòng tư pháp, TN-MT, Tài chính các huyện, thành phố; đại diện các tổ chức tín dụng; đội ngũ đấu giá viên, công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của đấu giá viên, công chứng viên trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Với điều kiện tự nhiên, khí hậu mát mẻ, địa hình đồi, núi trên địa bàn tỉnh rất thích hợp với nhiều loại cây dược liệu mọc tự nhiên trong rừng. Xạ đen, xạ vàng, sa nhân, giảo cổ lam… là những dược liệu quý trị bệnh và hỗ trợ trị bệnh, đưa vào sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Những dược liệu đó được các lang y sử dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, những năm qua, do tình trạng phá rừng làm nương, khai thác, bán nguyên liệu thô cho tư thương với giá rẻ dẫn tới dược liệu gần như cạn kiệt. Nhiều loại cây quý hiếm trong tỉnh đứng trước nguy cơ không có khả năng tái sinh.
(HBĐT) - Theo Sở NN &PTNT, hiện tại, toàn tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa chiêm xuân với năng suất bình quân ước đạt 56 tạ /ha. Các địa phương đang tập trung thu hoạch các loại cây màu vụ xuân và đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ phục vụ sản xuất vụ mùa, hè - thu trong khung thời vụ tốt nhất.