Con đường ngoằn ngoèo từ cảng 3 cấp lên xóm Tháu dốc ngược. Hai bên đường là những căn nhà mới, vườn cây ăn quả sai trĩu cành. Qua xóm Tháu là con đường nhỏ đổ bê tông theo sườn đồi trơn trượt là căn nhà của ông Chiến. Là người Kinh nhưng nhà ông Chiến làm căn nhà sàn theo đúng phong cách của người Mường. Tôi đến cả nhà ông vừa đi lấy măng trên vườn về. ông Chiến chia sẻ: Măng này được trồng từ những năm lên đây lập nghiệp. Hồi đó, trồng theo chủ trương của Nhà nước hỗ trợ. Từ trồng măng, mỗi năm cũng thu được vài chục triệu đồng. Tuy thu hoạch vất vả nhưng giải quyết được những lúc khó khăn. Như hôm nay, cả nhà đi từ 6 - 10 giờ, 4 người thu được 2 tạ măng, bán được khoảng hơn 1 triệu đồng.
Sau chén trà, ông tâm sự về những ngày đầu lên xóm Vôi, xã Thái Thịnh khai hoang. Sau 3 năm lên khai phá vùng lòng hồ để làm thủy điện, ông đi bộ đội. Xuất ngũ trở về quê, ông nhớ vùng đất lòng hồ Hòa Bình rồi quyết định cùng vợ lên khai hoang lập nghiệp ở xóm Vôi. Ngày đó con đường từ thành phố Hòa Bình lên xóm Vôi chỉ là con đường mòn men theo đồi lên lòng hồ. Những ngày đầu, vợ chồng ông lên chỉ chặt gỗ, đan nứa dựng tạm căn lều rồi phát cỏ, làm đất trồng ngô, sắn, đậu. Ngày làm đủ thời gian, những đêm sáng trăng, vợ chồng ông lên đồi cuốc đất đến khuya mới về. Trồng được cây sắn, cây ngô cực nhọc là thế nhưng việc bán cũng không kém. Để bán được hàng, ông phải gánh gồng khoảng 7 km xuống thị xã Hòa Bình. Mỗi lần xuống phố, vợ chồng ông phải dậy từ 3 giờ, gánh hàng xuống đến nơi thì tờ mờ sáng. Xong việc, ông lại quay về đi làm. Những ngày không có ngô, có sắn, ông chặt củi gánh xuống bán. Bữa nào bán được thì mua được ít gạo, thức ăn lên núi sống.
Sau những lần trồng mơ, mai, mận thất bại ông quyết định đưa cây bưởi Diễn ở quê lên vùng lòng hồ. Khi mang lên, nhiều người cho rằng, cây bưởi chỉ hợp với dưới xuôi, vùng đất Hà Nội. Trồng đất đồi núi, khí hậu khắc nghiệt, cây rất khó sống mà quả sẽ không ngon. Trồng được 3 năm, cây cho quả bói. Quả chín, lầu đầu hái thử ông hồi hộp. Khi bóc vỏ quả cho mùi thơm, tép giòn, ngọt. Thành quả ban đầu giúp ông có thêm động lực tiếp tục nhân giống trồng thêm.
Đưa tôi đi thăm quan vườn bưởi sai quả, ông Chiến chia sẻ: Cây bưởi Diễn ở đây rất hợp, nhất là ở đất xen đá vôi. Cây ít phải chăm sóc, cho quả ngọt. Đến mùa, tư thương lên mua đều khen chất lượng quả hơn nhiều nơi khác. Từ những cây đầu tiên, giờ tôi đã nhân rộng được gần 10ha. Do không có vốn, phải làm dần nên cây có nhiều lứa khác nhau. Năm ngoái, vườn này thu hoạch được hơn 2 vạn quả. Ngoài thu nhập từ bưởi, gia đình còn có nhiều nguồn thu từ hồng, nhãn, ổi, na… Có điều kiện, năm ngoái ông làm đường bê tông giữa vườn để đi lại cho đỡ vất vả.
Chia tay, anh Nguyễn Văn Huy, con trai ông cho hay: Tài sản của bố mẹ tuy không nhiều nhưng đã để lại cho chúng em ý chí vượt khó, sự chịu khó lao động để có cuộc sống ấm no cho gia đình.
(HBĐT) - Những năm qua, NHCSXH tỉnh đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chương trình phát triển KT - XH của địa phương để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững.
(HBĐT) - Trong 6 tháng đầu năm, NHCSXH Việt Nam có 3 đợt giao vốn mới cho Chi nhánh NHCSXH tỉnh với 290 tỷ đồng.