Công nhân Công ty TNHH GGS (KCN bờ trái sông Đà) trong dây chuyền may xuất khẩu.
Tổng mức đầu tư của Diostech cho nhà máy này lên đến 20 triệu USD, hứa hẹn thu hút hàng trăm lao động vào làm việc. Đây là tín hiệu vui cho phát triển công nghiệp cũng như thu hút đầu tư của tỉnh.
Trong bối cảnh vừa thi công hạ tầng nhà xưởng, vừa phải đảm bảo hoạt động ngay, Công ty Dạ Hợp đã phải bố trí tầng 1 khu nhà ở xã hội nhằm đảm bảo cho Công ty Diostech Co,.LTD có trụ sở cho hoạt động điều hành, xây dựng nhà xưởng.
Đại diện Công ty Diostech Co,.LTD cho biết, Công ty đã có thời gian dài hoạt động tại Việt Nam và có một nhà máy đang hoạt động tại Vĩnh Phúc. Sau thời gian nghiên cứu, Công ty thấy KCN bờ trái sông Đà là lựa chọn tốt do nơi đây có hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện, giá thuê hợp lý cùng lực lượng lao động địa phương cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố khác.
Như vậy, với sự đầu tư này, Diostech đã gia nhập nhóm các doanh nghiệp nước ngoài tại KCN bờ trái sông Đà như: Thấu kính R, Sanko của Nhật Bản, GGS của Hàn Quốc…
Còn tại KCN Lương Sơn, trong những ngày cận kề Tết Độc lập, hàng vạn kỹ sư, công nhân lao động hăng say làm việc trong các doanh nghiệp, KCN. Riêng KCN Lương Sơn hiện có hơn 10.000 lao động với hàng chục doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đẩy mạnh hoạt động sản xuất.
Huyện Lương Sơn được quy hoạch 3 khu công nghiệp, bao gồm: KCN Lương Sơn (83,08 ha) tỷ lệ lấp đầy giai đoạn I là 90%; KCN Nam Lương Sơn (200 ha) đã có nhà máy xi măng Trung Sơn (54,7 ha), nhà máy xi măng Vĩnh Sơn (34 ha) và trường đào tạo nghề (7 ha) đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy khoảng 48%. Riêng KCN Nhuận Trạch (213 ha) trước đây do Công ty CP cơ khí xây dựng số 18 (COMA 18) làm chủ đầu tư nhưng đến nay vẫn đang được nghiên cứu đầu tư.
Tính đến nay, toàn huyện Lương Sơn đã thu hút được 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng mức 280.530 USD, bằng 53% tổng dự án FDI đầu tư toàn tỉnh. Đồng thời đã có 478 doanh nghiệp trong nước được thành lập và hoạt động với số vốn đầu tư 9.180 tỷ đồng, chiếm 20% doanh nghiệp thành lập trong toàn tỉnh.
Trên bình diện toàn tỉnh, theo ông Vũ Mai Hồ, Giám đốc Sở Công Thương, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm của tỉnh ước tăng 9,69% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu tính về giá trị sản xuất công nghiệp, toàn tỉnh ước đạt 13.469 tỷ đồng, tăng 15,91% so với cùng kỳ, thực hiện 50,16% kế hoạch năm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao nhất do giá các nguyên liệu đầu vào ổn định, thuận lợi cho sản xuất.
Điểm đáng phấn khởi chính là việc một số đơn vị sau thời gian tạm ngừng sản xuất đã đi vào hoạt động như: chế biến đường, tinh bột... Ngành sản xuất, phân phối điện, cung cấp nước và xử lý nước thải duy trì mức tăng trưởng. Sản lượng điện thương phẩm tăng 19,88%; điện sản xuất tăng 1,38%...
Về chiến lược thúc đẩy hạ tầng phát trển lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới của tỉnh được biết, thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đã quy hoạch được 8 KCN (hoàn thành việc lập và công bố quy hoạch chi tiết) với diện tích phê duyệt 1.672 ha. Trong đó 7 KCN quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, riêng KCN Lương Sơn quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000.
Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh ta có 21 cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 663 ha. Trong đó năm 2015 đã thành lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 13 CCN với diện tích 312,6 ha, giai đoạn 2016-2020 bổ sung 8 CCN với diện tích 350,4 ha.
Cũng theo ông Vũ Mai Hồ, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh triển khai tái cơ cấu ngành công nghiệp nhằm tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; đảm bảo phát triển nhanh, bền vững và tăng thu ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo các điều kiện cần thiết và thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Triển khai đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng các KCN, CCN, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư và là một trong những động lực nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới.
Hồng Trung