Trên thị trường thế giới, mặt hàng xăng dầu đang có xu hướng tăng giá mạnh. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong vòng hai năm trở lại đây, giá xăng dầu giao dịch tại thị trường châu Á cũng ở ngưỡng cao. Tại Xin-ga-po, giá xăng được điều chỉnh theo chiều hướng tăng trong một số phiên giao dịch mới đây. Tính trung bình trong 15 ngày qua, giá xăng luôn vượt ngưỡng 64 USD/thùng và tăng đột biến lên ngưỡng 67 USD/thùng trong ngày cuối của tháng 8. Giá xăng tại Mỹ đã đạt "đỉnh" trong vòng hai năm trở lại đây, nguyên nhân chủ yếu do siêu bão Harvey ngày 26-8 gây thiệt hại nặng nề, khiến các nhà máy lọc dầu buộc phải cắt giảm sản lượng gần 25%, tương đương 4,4 triệu thùng/ngày. Không chỉ vậy, một số nhà máy lọc dầu phải đóng cửa do lũ lụt, trong đó có nhà máy Motiva lớn nhất nước Mỹ tại TP Pot A-thơ. Các đường ống dẫn nhiên liệu chính cho khu vực đông bắc và vùng Mít-oét bị ngừng trệ do bão đã khiến nguồn cung xăng dầu cho thị trường bị thiếu hụt nghiêm trọng, đẩy giá xăng dầu lên mức rất cao trên phạm vi toàn nước Mỹ. Hiện tại, giá xăng tại Mỹ đang được giao dịch ở mức 2,519 USD/ga-lông (3,785 lít).
Khi giá nhập khẩu xăng dầu từ thị trường Xin-ga-po tiếp tục đà tăng của giá xăng dầu thế giới, giá xăng dầu trong nước tăng theo là tất yếu. Theo quyết định điều chỉnh tăng giá của liên Bộ Tài chính - Công thương, từ 15 giờ ngày 5-9, giá xăng RON 92 hiện đạt mức 17.792 đồng/lít; xăng E5 có giá 17.539 đồng/lít; dầu đi-ê-den 0.05S có giá 13.950 đồng/lít; dầu hỏa 12.547 đồng/lít; dầu ma-dút 180CST 3.5S là 11.148 đồng/kg. Các chuyên gia nhận định, giá xăng đã tăng 10,8% trong bốn lần điều chỉnh liên tiếp và dầu đi-ê-den tăng 8,6%. Mức tăng như vậy đủ lớn để DN vận tải xin đăng ký tăng giá cước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi giá dầu thế giới tăng thì việc điều chỉnh giá xăng dầu trong nước tăng là điều hoàn toàn bình thường. Giá xăng dầu là chi phí đầu vào của rất nhiều loại hàng hóa như kinh doanh vận tải, sản xuất hàng công nghiệp sử dụng máy móc, nhiên liệu cao,… Chính vì vậy, việc điều chỉnh giá bán hàng hóa, sản phẩm là điều hợp lý theo quy luật của thị trường. Tuy nhiên, có tăng phải có giảm tương ứng. Chẳng hạn, mặt hàng nào tăng giá cao do tác động trực tiếp, mặt hàng nào tăng giá thấp do tác động gián tiếp và phải hạn chế tối đa các trường hợp mượn cớ tăng giá xăng dầu để tăng giá ồ ạt các mặt hàng khác. Muốn hạn chế được việc này, các bộ, ngành phải tăng cường giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, cố tình vin vào việc tăng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa nhằm chặt chém người tiêu dùng.
Ðại diện lãnh đạo hãng ta-xi Quê Lụa (Hà Ðông, Hà Nội) cho hay, trước sự cạnh tranh gay gắt giữa các hãng vận tải ta-xi trong thời gian qua, mặc dù giá xăng tăng bốn lần liên tiếp, với tổng mức tăng gần 1.800 đồng/lít nhưng hãng vẫn phải "nhìn trước, ngó sau" và cố gắng tiết giảm chi phí, giữ nguyên giá cước vận chuyển nhằm giữ thị phần và thu hút khách hàng. Hãng cũng xây dựng phương án khi giá xăng dao động trong khoảng 16 đến 18 nghìn đồng/lít sẽ giữ nguyên giá cước. Nếu giá xăng tiếp tục tăng trong thời gian tới thì việc tăng giá cước chắc chắn khó tránh khỏi. Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Ðình (Hà Nội) Nguyễn Mạnh Tuấn khẳng định, hiện tại các DN kinh doanh vận tải cố định đường dài vẫn chưa có phương án trình lên bến xe xin điều chỉnh giá cước vận tải do sức cạnh tranh giữa các DN cũng ngày càng khốc liệt. Tuy nhiên, nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng cao hơn nữa, chắc chắn các DN sẽ phải tính toán lại giá cước vận chuyển.
Việc điều chỉnh giá xăng dầu đang theo chu kỳ 15 ngày, song các DN vận tải, ta-xi khó có thể tăng, giảm liên tục theo chu kỳ đó, cho nên phải tính toán dự liệu kế hoạch kinh doanh trong một thời gian nhất định, tránh gây xáo trộn. Mỗi lần điều chỉnh giá cước rất phức tạp về mặt thủ tục, từ việc gửi công văn, chờ các cơ quan phê duyệt cho tới các chi phí như in ấn bảng giá, kẹp chì, phí kiểm định, nhân công,... khiến mỗi chiếc xe ta-xi tốn khoảng 250 nghìn đồng, và phải hoàn thành trong ba ngày. DN ít xe sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, nhưng DN có hàng trăm xe trở lên sẽ bị gián đoạn tức thời và tốn kém chi phí. Do đó, phần lớn DN đều phải "liệu cơm gắp mắm", tránh điều chỉnh giá cước đột ngột, làm giảm thị phần, mất khách hàng.
Theo thông lệ trước đây, giá xăng tăng khoảng 5%, các DN vận tải sẽ nghiên cứu, lên phương án điều chỉnh giá cước. Sau bốn lần tăng giá liên tiếp vừa qua, giá xăng đã tăng gần 11%. Sở dĩ các DN chưa tăng cước ngay vì còn nghe ngóng. Trước sức cạnh tranh của các loại hình vận tải phi truyền thống như hiện nay, DN vận tải truyền thống khó có thể công khai phương án tăng giá. Tuy vậy, không có chuyện DN "thắt lưng buộc bụng" chịu lỗ. Thay vì công khai tăng giá cước, DN sẽ tìm mọi cách để có lãi, trong đó không loại trừ hành vi nhồi nhét khách, chở quá tải. TheoNhanDan |