(HBĐT) - Để ổn định đời sống nhân dân, sớm khôi phục sản xuất, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra, Sở NN&PTNT đã ban hành công văn về việc tăng cường triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do thiên tai mưa lũ và khôi phục sản xuất nông nghiệp. Theo đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố thực hiện phương châm "Lấy vụ đông bù vụ mùa”, chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau:
Huy động nguồn lực "4 tại chỗ” khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra. Chủ động thành lập đoàn thống kê, rà soát và báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định. Tăng cường các biện pháp khôi phục sản xuất. Cụ thể:
- Đối với trồng trọt, bảo vệ thực vật: Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vụ đông. Khẩn trương thu hoạch ngô, lạc hè thu giai đoạn chín sớm và diện tích lúa chín trên 85% số hạt với phương châm "xanh nhà hơn già đồng”. Thực hiện các biện pháp tiêu thoát nước, thu dọn rác, phá váng, vun gốc, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh tạo điều kiện cho cây ăn quả, mía, ngô, rau, màu bị ngập úng sớm phục hồi, sinh trưởng, phát triển thuận lợi. Đẩy nhanh tiến độ gieo trồng rau vụ đông ưa lạnh, ngô sinh khối hoặc trồng cỏ phục vụ chăn nuôi…
- Đối với chăn nuôi thú y: Tuyên truyền chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát hộ và cơ sở chăn nuôi sớm phát hiện, xử lý kịp thời ổ dịch phát sinh; ngăn chặn hành vi làm phát sinh dịch bệnh. Chủ động lập kế hoạch, bố trí ngân sách địa phương phòng – chống dịch bệnh, nhất là ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao… Kiên quyết không nhập, cho phép vận chuyển gia súc, gia cầm; sản phẩm gia súc, gia cầm từ nơi có dịch vào địa bàn…
- Về nuôi trồng thủy sản: Chủ động xử lý, cải tạo môi trường, gia cố lồng nuôi, ao nuôi bằng các biện pháp kỹ thuật; thả giống cỡ lớn tái sản xuất. Thường xuyên theo dõi, vệ sinh môi trường nuôi trồng thủy sản, sớm phát hiện và có biện pháp xử lý kịp thời dịch bệnh thủy sản. Chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét cho thủy sản, giống thủy sản để tránh bị thiệt hại khi xảy ra rét đậm, rét hại.
- Đối với thủy lợi: Thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi, đê điều, kè; ứng trực 24/24h tại các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao; chủ động khắc phục công trình hư hỏng, thiệt hại nhỏ; kịp thời báo cáo sự cố vượt quá khả năng ứng cứu của địa phương. Chủ động tiêu úng ổn định đời sống nhân dân và phục vụ gieo trồng cây vụ đông; tích nước hợp lý các hồ chứa, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017 – 2018.
P.V