Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 4.000 lồng cá, vượt 550 lồng so với mục tiêu Nghị quyết số 12/NQ-TU.
Hồ thủy điện Hòa Bình từng được coi là kho tàng quý báu về thủy, sinh vật và nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Bắc. Hồ thủy điện Hòa Bình địa phận của tỉnh có diện tích 8.900 ha, thuộc địa phận 19 xã của các huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Cao Phong và thành phố Hòa Bình, nơi rộng nhất 2 km, sâu từ 80-100 m, dung tích 9,5 tỷ m3 . Lòng hồ được bố trí hình lòng máng, xung quanh được bao bọc bởi các dãy núi đá cao, có thảm thực vật đa dạng, phong phú, nước hồ sạch, hầu như chưa bị ô nhiễm, đặc biệt là môi trường thuận lợi phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.
Ngày 13/6/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành NQ số 12/NQ-TU về phát triển nuôi các lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, giai đoạn 2014 - 2020 đặt mục tiêu: Phát triển sản xuất, nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình với một số đối tượng nuôi có giá trị, dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tạo thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiệu quả góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng trưởng bền vững ngành thủy sản. NQ đề ra mục tiêu cụ thể: Đến năm 2015 có 2.700 lồng cá, sản lượng nuôi, khai thác đạt 3.880 tấn, tạo việc làm cho 2.500 lao động; đến năm 2020 có 3.500 lồng nuôi cá, sản lượng nuôi, khai thác đạt 5.600 tấn, giải quyết việc làm cho 2.800 lao động; hình thành các mô hình liên kết doanh nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, duy trì và phát triển mạnh mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị hiệu quả.
Thực hiện NQ số 12-NQ-TU, UBND tỉnh đã giao các cơ quan chuyên môn tham mưu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nuôi cá lồng. Các huyện, thành ủy đã xây dựng NQ, kế hoạch cụ thể phát triển ngành nghề thủy sản, xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong lĩnh vực thủy sản phù hợp với thực tế của từng địa phương để tổ chức triển khai. Trong đó chú trọng khai thác các đối tượng nuôi có ưu thế, khả năng cạnh tranh như: cá lăng, chiên, trắm đen, rô phi…xây dựng và phát triển thành các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tổ hợp tác khu nuôi ứng dụng công nghệ, thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm; đổi mới và phát triển hệ thống quản lý và hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu cường độ khai thác, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia sản xuất và tiêu thụ cá lòng hồ… Huyện Đà Bắc có 7.000 ha mặt nước hồ thủy điện, nhiều năm nay, nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản đã và đang cải thiện đáng kể đời sống người dân. Huyện Đà Bắc đã ban hành NQ về phát triển thủy sản, đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển bền vững nghề cá. Đến nay, toàn huyện phát triển 1.300 lồng cá, tập trung ở các xã Tiền Phong, Vầy Nưa, Đồng Ruộng…
Xã Hiền Lương có 900 ha mặt nước là điều kiện lý tưởng để phát triển ngành nghề nuôi trồng thủy sản. Xã đã định hướng, tạo điều kiện cho người dân đẩy mạnh phát triển cá lồng bè cải thiện đời sống. Toàn xã có 194 lồng cá. Doanh thu từ nuôi cá và khai thác thủy sản đạt vài tỷ đồng/năm, đóng góp 30% tổng thu nhập của người dân. Chủ nhiệm HTX Dịch vụ thủy sản Xa Văn Huy cho biết: HTX đã phát triển được 50 lồng cá, tập trung nuôi các loại cá trắm, chép, chiên và cá hồi đang góp phần cải thiện thu nhập cho xã viên. Hiện nay, HTX đã liên kết với các tổ chức, tiếp cận với KH-KT, quy trình sản xuất sạch trong nuôi, chăm sóc cá, từ nguồn gốc thức ăn, cách thức phòng bệnh, phương pháp đầu tư, hạch toán kinh doanh, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, tạo sự phát triển ổn định từ nghề nuôi cá.
Đánh giá cho thấy: NQ số 12-NQ/TU đã đi vào cuộc sống. Qua 3 năm thực hiện, tỉnh đã hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu NQ đề ra. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4.050 lồng bè, tương đương với 250.000 m3 , vượt 550 lồng so với mục tiêu NQ đề ra. Tổng sản lượng thủy sản đạt 7700 tấn, vượt 2.100 tấn so với mục tiêu NQ. Tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 500 lao động, vượt 2.200 lao động so với mục tiêu NQ. Toàn tỉnh cũng thu hút được 35 doanh nghiệp, tổ hợp tác, trang trại hộ gia đình đầu tư nuôi thâm canh với quy mô lớn, chiếm 55% số lồng nuôi, 67% tổng sản lượng thủy sản cung ứng ra thị trường. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cá lồng bè, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh phát triển ngành nghề thủy sản trên địa bàn. Giá trị thu nhập 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng lên 125 triệu đồng/năm. Nhiều cấp ủy đảng cơ sở có cách làm hay thực hiện NQ số 12 như HTX Bãi Sang (Mai Châu), các nhóm hộ ở xã Ngòi Hoa (Tân Lạc)…
Mặc dù vậy, tỷ trọng ngành thủy sản vùng hồ vẫn còn thấp, chưa xứng với tiềm năng, việc đưa các giống các có chất lượng, giá trị cao vào sản xuất vẫn chưa nhiều, tính liên kết trong nuôi trồng thủy sản đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng hóa thiếu bền vững…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra các giải pháp thực hiện NQ số 12-NQ/TU. Trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của người dân trong quá trình sản xuất an toàn. ứng dụng công nghệ nuôi trồng thủy sản sạch và bền vững; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản xuất giống nuôi trồng, chế biến, xây dựng chỉ dẫn địa lý, quảng bá sản phẩm cá hồ Hòa Bình đến thị trường tiềm năng, tìm kiếm nhà phân phối có năng lực, uy tín trong tiêu thụ sản phẩm, phát triển và cải thiện bền vững đời sống người dân từ phát triển nuôi cá lòng hồ thủy điện.
L.C