Trục đường liên thôn từ trung tâm xã An Lạc (Lạc Thủy) dẫn vào thôn Lộc Thành hiện chưa được cứng hóa, đi lại rất khó khăn.
Trong giai đoạn 2011- 2016, xã An Lạc đã huy động trên 40 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, các chương trình, dự án lồng ghép để đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, nhân dân trong xã đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng NTM, tự nguyện hiến 6.000 m2 đất các loại và 1.500 ngày công lao động. Qua đó đã xây dựng các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm có vai trò đặc biệt quan trọng, điển hình như tuyến đường liên thôn Liên Phú 3 - Minh Hải đã cứng hóa được 5/7 km… Ngay sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy tối đa hiệu quả, cơ bản giúp nhân dân thuận tiện đi lại và giao thương, hàng hóa.
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, giao thông của xã hiện còn nhiều khó khăn, do đó chưa đủ điều kiện đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM. Theo thống kê của UBND xã, tổng chiều dài toàn bộ các trục đường giao thông của xã An Lạc 35 km, hiện mới cứng hóa được 14 km, đạt tỷ lệ 40%. Trong đó, tỉnh lộ 438B hiện xuống cấp trầm trọng cần được tu sửa và nâng cấp. Trục đường liên thôn từ trung tâm xã đi Lộc Thành dài 8 km hiện mới cứng hóa được 2 km. Ngoài ra, trên địa bàn xã có 20 ngầm, cầu đã xuống cấp và không thể đi qua khi lũ về. Hàng năm vào mùa mưa, nước suối dâng cao khiến học sinh phải nghỉ học, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều bị ngưng trệ.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn của giao thông trên địa bàn, đồng chí Quách Công Ninh, Chủ tịch UBND xã An Lạc cho biết: "Với địa hình đa phần là đồi, núi, có 4 con suối chảy qua chia cắt địa bàn xã An Lạc thành nhiều chòm dân cư nhỏ lẻ, dân cư sinh sống không tập trung. Chính vì vậy, để hoàn thành tiêu chí giao thông cần nhiều nguồn vốn mà xã không đáp ứng được. Do đó, khó khăn về giao thông đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân, kinh tế trì trệ và chậm phát triển. Theo thống kê năm 2016, thu nhập bình quân toàn xã đạt 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 41% (cao nhất huyện).
Phải mất gần 1 giờ đồng hồ, vượt qua 11 ngầm to, nhỏ, chúng tôi mới đến thôn Lộc Thành, nằm cách trung tâm xã chừng 8 km. Trò chuyện với chúng tôi, chị Quách Lệ Thủy, người dân sinh sống tại thôn Lộc Thành cho biết: "Mùa khô còn đi được chứ mùa mưa đi lại vất vả lắm, đường trơn trượt, nhiều người bị ngã. Ngoài ra, các em học sinh THPT hiện đang theo học tại điểm trường THPT Lạc Thủy C (xã An Bình- Lạc Thủy) phải dậy đi học từ 5 giờ sáng mà có khi không kịp giờ lên lớp”.
Cũng theo anh Quách Văn Dũng, Trưởng thôn Minh Thành cho biết: "Minh Thành, Minh Hải và Tân Thành là 3 thôn thuộc vùng III, thu nhập bình quân chỉ đạt 20 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên 55%. Người dân chủ yếu phát triển kinh tế đồi rừng, thống kê có khoảng 800 ha cây keo. Tuy nhiên, do đường giao thông không thuận tiện nên chi phí vận chuyển thường cao hơn từ 400.000- 500.000 đồng/chuyến. Ngoài ra, các mặt hàng lương thực, thực phẩm cũng có giá cao hơn so với khu vực trung tâm xã. Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ cứng hóa tuyến đường giao thông liên thôn đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân.
Đức Anh