Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện thăm quan gian bưởi đỏ của các nhà vườn.
Đây là dịp để cộng đồng người trồng bưởi Tân Lạc quảng bá sản phẩm đặc sản.
Đông đảo cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh háo hức tham gia sự kiện này.
Từ khi có Nghị quyết số 10 – NQ/HU của Huyện ủy, diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện Tân Lạc tăng nhanh, giai đoạn 2013 – 2015, diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh tăng từ 109,7ha lên 509,2ha, vượt 358,4ha so với Nghị quyết, trong đó diện tích trồng mới trên 300ha. Đến năm 2017, tổng diện tích toàn huyện tiếp tục đạt 991,8ha, tăng 177,6% so với năm 2015, trong đó diện tích trồng mới 43ha, diện tích đã trồng từ 1 – 3 năm gần 599ha, diện tích cho thu hoạch 350ha. Vùng trồng bưởi tập trung ở các xã vùng dọc đường QL12B, QL6, một số xã phát triển nhanh diện tích là Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê, Ngọc Mỹ, Quy Hậu, Mãn Đức, Phong Phú. Thu nhập bình quân trên cây bưởi đỏ đạt trên 700 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ thu trên 1 tỷ đồng/ha. Để đặc sản bưởi phát triển bền vững, UBND huyện đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có múi Xuân Mai và một số hộ xây dựng vườn ươm giống bưởi, mua bán, trao đổi theo hình thức giống nông hộ, áp dụng kỹ thuật nhân giống vô tính đáp ứng nhu cầu về giống bưởi của nhân dân. Cây bưởi đã góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao giá trị, giảm nghèo bền vững.
Từ kết quả sản xuất bưởi đỏ của huyện, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án sản xuất Bưởi đỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020, đồng thời công nhận Mô hình sản xuất bưởi đỏ, bưởi da xanh của huyện Tân Lạc là mô hình sản xuất điển hình tiên tiến để triển khai nhân rộng trong toàn tỉnh. Ngày 13/4/2017, UBND tỉnh có Quyết định số 567/QĐ – UBND về việc thay đổi tên địa danh đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm Bưởi đỏ thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh. UBND huyện Tân Lạc đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”.
Việc được công nhận và cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể là cơ hội để huyện tiếp tục sản xuất bưởi đỏ, từng bước xây dựng thương hiệu, tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM. Phấn đấu đến năm 2020 diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện đạt 1.200ha làm cơ sở cho việc xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý "Bưởi đỏ Tân Lạc”.
Bùi Minh