(HBĐT) - Cuối tháng 11, niềm vui được nhân đôi với chính quyền và nhân dân Mường Bi khi được mùa bưởi, giữ giá, đồng thời đón nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc”, mở ra cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá, liên kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bưởi đỏ Tân Lạc thu hoạch rộ từ tháng 11. Dọc quốc lộ 12 B,
từ ngã ba thị trấn Mường Khến đến xã Đông Lai, bưởi sai trĩu, vàng óng, thơm
nồng, mang lại thu nhập cao cho biết bao gia đình. Bưởi đỏ là cây truyền thống
của huyện Tân Lạc, được trồng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước ở vùng đất
Đông Lai do ông Năm Hơn mang về trồng ở thôn Đồng Tiến. Giống bưởi đỏ phù hợp
với đất đai, khí hậu nên có hương vị riêng. Quả bưởi to đều, khi chín vàng ươm,
thơm lừng. Tép đỏ hồng, nhiều nước, bóc lại không ướt tay, hương vị ngọt thanh.
Trước người dân chỉ để bưởi làm quà dịp
lễ, tết. Sau này đã phát triển thành cây trồng chủ lực đem lại sự giàu có cho
nông dân.
Bưởi
đỏ Tân Lạc đã có nhãn hiệu tập thể, khẳng định được thương hiệu riêng có. ảnh:
Quang cảnh lễ đón nhận nhãn hiệu tập thể bưởi đỏ Tân Lạc.
Nhận thức tiềm năng, thế mạnh và dư địa phát
triển giống bưởi đỏ, huyện Tân Lạc đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và cụ thể
hóa thành kế hoạch để chỉ đạo phát triển vùng bưởi hàng hóa giai đoạn 2013-2020
với nhiều giải pháp cụ thể, định hướng, hỗ trợ người dân đẩy mạnh đầu tư thâm
canh, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất. Đến nay, diện tích, quy mô và sản
lượng bưởi đỏ Tân Lạc phát triển nhanh, cho hiệu quả mơ ước với nông dân trong
và ngoài tỉnh. Khoảng 4 - 5 năm trước, cả huyện có khoảng 100 ha bưởi, đến nay,
toàn huyện đã có trên 900 ha bưởi đỏ, trong số này có tới 1/3 diện tích đã cho
thu hoạch, tập trung ở các xã dọc quốc lộ 12 B như: Đông Lai, Thanh Hối, Tử Nê,
Mãn Đức và một số xã khác có điều kiện tự nhiên, khí hậu thích hợp.
Bưởi đỏ là cây trồng được xem có hiệu quả nhất
từ trước đến nay. Nhiều người vẫn nói, chẳng có loại cây trồng nào ngoài bưởi
đỏ có thu đều đặn 4 - 5 triệu đồng/ cây/năm. Tính ra có thể trồng 200 cây/ha,
trong thời kỳ kinh doanh cho thu từ 150 - 200 quả/cây, giá bán hiện tại 20.000
- 25.000 đồng/quả, có thời điểm 30.000 đồng/quả. Giá trị thu nhập của bưởi đạt
từ 500 -700 triệu đồng/ha, cá biệt có hộ đạt gần 1 tỷ đồng/ha. Năm nay, bưởi
đẹp và sai hơn, nhiều hộ trồng 40 - 45 cây là có hơn vạn quả, thu được hàng
trăm triệu đồng. Hiện nay, khách hàng ở Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh
Hóa, Nghệ An… đã đặt tìm mua bưởi đỏ tại vườn.
Chính quyền và người dân huyện Tân Lạc đã có
nhận thức đúng đắn về xây dựng và giữ gìn thương hiệu bưởi đỏ. Trên địa bàn
huyện đã xuất hiện nhiều nhóm hộ, tổ hợp tác sản xuất thực hiện theo các quy
trình an toàn tiêu chuẩn VietGap theo chuỗi giá trị. Riêng xã Đông Lai đã có
hàng chục ha bưởi thực hiện tiêu chuẩn VietGap.
Đồng chí
Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Định hướng tổ chức sản
xuất và tiếp cận thị trường với những sản phẩm đặc sản, truyền thống, có chất
lượng và có giá trị gia tăng cao dựa trên những lợi thế truyền thống, văn hóa
và kỹ năng của người dân, gắn sản xuất với bảo hộ sở hữu trí tuệ là giải pháp
quan trọng đang được huyện Tân Lạc thực hiện. Việc bưởi đỏ Tân Lạc được trao
giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp của huyện
phát triển bền vững, là cơ hội lớn để huyện Tân Lạc giới thiệu, quảng bá, liên
kết xây dựng, hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm của địa phương, góp phần
thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia
tăng và phát triển bền vững. Bưởi có thương hiệu, bà con sẽ bán được giá cao
hơn. Tuy nhiên cũng đặt ra những thách thức, yêu cầu mới để giữ gìn và phát
triển thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc trong thời gian tới. Huyện đặt mục tiêu đến
năm 2020 phát triển diện tích bưởi đỏ lên khoảng 1.200 ha. Hiện đang triển khai
các giải pháp cụ thể quản lý và kiểm soát tốt hơn chất lượng sản phẩm bưởi;
tăng cường phổ biến cho người trồng bưởi áp dụng quy trình thống nhất để bảo
đảm chất lượng của sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm,
tăng cường xúc tiến, quảng bá, tạo ra sự kết nối theo chỗi giá trị từ khâu
trồng trọt đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu bưởi đỏ Tân Lạc riêng
có, xứng với danh tiếng truyền thống văn hóa nổi tiếng vùng Mường Bi.
L.C