Năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính (TTHC) nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tháo gỡ rào cản, khó khăn trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh (SXKD), cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, thực tế, DN vẫn gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, chuyển động mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2018.


Người dân, doanh nghiệp đến giao dịch tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Bắc Ninh.


Nỗ lực vào cuộc

Tại hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN lần thứ hai tổ chức tháng 5-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố lấy năm 2017 là Năm giảm chi phí cho DN. Trong các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Chính phủ đều thảo luận và chỉ đạo cụ thể, trong đó trọng tâm là chỉ đạo rà soát, đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh; cải cách các quy định về quản lý chuyên ngành..., tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN.

Tinh thần Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động vì người dân và DN đã bước đầu lan tỏa tới các bộ, ngành, địa phương. Tháng 9-2017, Bộ Công thương đã tiên phong rà soát và cắt giảm, đơn giản hóa 675 điều kiện kinh doanh (ÐKKD) trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động rà soát và đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 ÐKKD (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 ÐKKD, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 ÐKKD. Bộ Tài chính cải cách các quy định và thủ tục về thuế, hải quan; Ngân hàng Nhà nước nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tín dụng; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người vay và người cho vay; Bộ Xây dựng tăng cường thực hiện các biện pháp rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan; Bộ Kế hoạch và Ðầu tư lồng ghép các thủ tục và rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh. Mô hình Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả khi thay mặt Thủ tướng Chính phủ kiểm tra và đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ, trọng tâm là tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN.

Những nỗ lực nêu trên đã góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, Việt Nam tiếp tục được tăng hạng khi xếp hạng 68 trong số 190 nền kinh tế được đánh giá, tăng 14 bậc so năm 2017. Không chỉ vậy, cộng đồng DN trong nước cũng ghi nhận những nỗ lực này. Chủ tịch Hội đồng quản trị (HÐQT) Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, tại Hưng Yên, hằng năm, các cơ quan chức năng chỉ gặp mặt DN một lần, nhưng năm nay đã có ba lần gặp gỡ, tiếp xúc với DN để lắng nghe những nguyện vọng, kiến nghị trong việc thực hiện cải cách, đơn giản hóa TTHC. Các ngành thuế, tài chính, hải quan... đều có những cách làm cụ thể, tạo sự chuyển biến tích cực hỗ trợ, tạo động lực cho DN phát triển.

Vẫn còn những rào cản

Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng khích lệ, thực tế, các DN, nhất là DN vừa và nhỏ, DN tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phải chịu nhiều chi phí đầu vào bất hợp lý. Theo Báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, các quy định TTHC dù cắt giảm, cải cách nhiều nhưng vẫn rườm rà, phức tạp, chưa tạo hết điều kiện cho DN trong SXKD; quá trình thực thi chính sách còn nhiều bất cập, chưa đúng tinh thần chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, Quốc hội, gia tăng thêm gánh nặng cho hoạt động SXKD; vẫn có tình trạng lạm dụng pháp luật và tùy nghi trong ứng xử của cơ quan công quyền với người dân, DN.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định, môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện hai năm vừa qua là minh chứng rõ nét cho sự cải cách, những nỗ lực rất lớn của Chính phủ, nhưng chúng ta vẫn trong tình trạng "trên nóng, dưới lạnh”. Thực tế, DN vẫn rất sốt ruột vì cải cách chưa thật sự tạo sự chuyển biến, đột phá. Không ít địa phương vẫn muốn neo giữ cách thức quản lý cũ, không muốn thay đổi hoặc chậm thay đổi. Ðại diện Hiệp hội DN Ðiện tử cũng đưa một thí dụ về thủ tục nhập khẩu sản phẩm ti-vi kết nối wifi hiện kéo dài tới ba tháng, trong khi thời gian làm thủ tục của cơ quan hải quan dài nhất chỉ 1 đến 2 ngày.

Chủ tịch HÐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh cho biết, các chi phí kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm cũng như chi phí giám sát quá trình từ nuôi trồng, khai thác đến chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn còn cao và chồng chéo. Cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá và DN phải mất phí, nhưng chứng nhận đó chỉ có giá trị trên mẫu. Mà hàng mẫu ít và không phải là sản phẩm xuất khẩu cho nên khi đối tác nhập khẩu yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng thì hầu hết sản phẩm đều phải kiểm định lại. Do đó, chi phí của DN đội lên rất nhiều.

Tiếp tục đồng hành cùng DN

Việc giảm chi phí cho DN là một chặng đường dài, đầy chông gai phía trước. TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng CIEM kiến nghị, năm 2018, Chính phủ cần tiếp tục coi là "Năm cắt giảm chi phí” cho DN, các giải pháp cụ thể gồm: Tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay trên cơ sở giảm lãi suất huy động; giảm chi phí logistics, rà soát, giảm chi phí cầu, đường, nhất là phí BOT; giảm ách tắc ở các cảng biển, cảng hàng không. Các định hướng lớn cho năm tới là: Tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn quốc tế tốt của kinh tế thị trường hiện đại trong thiết kế, giám sát và đo lường kết quả của cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh. Tất cả các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đều hướng đến phát triển các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh công bằng và tăng mức độ cạnh tranh thị trường, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, thúc đẩy SXKD tự do hơn, thuận lợi hơn, an toàn hơn; giảm rủi ro và chi phí.

Chủ tịch HÐQT Hugaco Nguyễn Xuân Dương kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cần tích cực vào cuộc, nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai. Việc tồn tại những rào cản cho thấy xuất phát từ những quy định không cụ thể, rõ ràng khiến những cán bộ, nhân viên cơ quan công quyền lợi dụng để làm khó DN. Do đó, cần quyết liệt hơn nữa trong cải cách TTHC, trong đó, hạn chế thấp nhất những quy định chung chung. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng cần xem xét điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm; đơn giản TTHC, kiểm tra chuyên ngành, góp phần giảm bớt khó khăn cho DN.

Năm 2017, năm "Giảm chi phí cho DN” đang dần khép lại với những kết quả bước đầu. Cộng đồng DN đang chuẩn bị bước vào năm 2018 với kỳ vọng một năm tiếp tục có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương trong cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh để DN tự tin, vững bước cạnh tranh và hội nhập thành công.

Tất cả các bộ, ngành phải chung nhận thức, quyết tâm cắt bỏ các giấy phép, thủ tục không cần thiết. Trong đó, quyết tâm thực hiện tinh thần của Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ là giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% thay vì 30 đến 35% như hiện nay. Chính phủ cũng bày tỏ quyết tâm khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần khẳng định mạnh mẽ: Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ công quyền nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà DN.

Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ



                                                                      Theo báo Nhân dân

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục