(HBĐT) - Khắp những cánh đồng tại xã Độc Lập (Kỳ Sơn) những ngày cuối năm phủ màu xanh mướt. Người dân phấn khởi vì cây đậu cô ve năm nay được mùa, được giá. Từ sáng sớm, bà con nông dân đã tất bật thu hoạch đậu để kịp giao hàng cho tư thương đến từ Hà Nội, Hải Dương, Sơn Tây…
Dự kiến diện tích đậu cô ve của gia đình anh Trần Đại Nghi ở xóm Nội, xã Độc Lập (Kỳ Sơn) cho thu khoảng 2 tấn quả, thu nhập khoảng 20 triệu đồng.
Theo giới thiệu của cán bộ xã Độc Lập, chúng tôi đến thăm hộ anh Trần Đại Nghi ở xóm Nội, một trong những hộ có diện tích đậu cô ve nhiều nhất xã. Cầm trên tay những quả đậu cô ve dài, chắc quả, xanh mướt, anh Nghi phấn khởi chia sẻ: "Vụ bí thứ hai của gia đình kết thúc từ cuối tháng 9, tận dụng cọc, giàn có sẵn, tôi đã trồng thí điểm 300 m2 đậu cô ve. Đến nay, toàn bộ diện tích trồng sớm đã cho thu hoạch 4 tạ quả với giá 10.000 đồng/kg, tôi thu về 4 triệu đồng. Hiện nay, 1.200 m2 đậu cô ve trồng vào thời điểm cuối tháng 10 chuẩn bị cho thu hoạch. Nếu thời tiết thuận lợi, giá ổn định ở mức 15.000 - 16.000 đồng, dự kiến tôi sẽ thu về khoảng 20 triệu đồng.
Anh Nghi cũng cho biết thêm, việc tận dụng diện tích đất nghỉ để trồng đậu cô ve rất phù hợp bởi đây là giống cây trồng ưa thời tiết mát mẻ, dao động từ 18- 22oC. Đậu cô ve rất dễ trồng và không tốn công chăm bón. Trước đây, bà con thường trồng bí xanh, tuy nhiên, phải mất trên 90 ngày mới có thể thu hoạch được. Trong khi đó, đậu cô ve chỉ mất khoảng 45 ngày. Một số loại giống mới chất lượng cao chỉ ngoài 30 ngày là cho thu sản phẩm. Giống đậu cô ve rất ít sâu bệnh nên hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV.
Theo thống kê, diện tích trồng bí xanh trên địa bàn xã Độc Lập khoảng 12 ha. Trong đó đã có trên 100 hộ tận dụng đất trồng bí xanh, cọc, giàn có sẵn để trồng xen đậu cô ve với diện tích 7 ha, tập trung chủ yếu tại các xóm Nội, Nưa, Sòng. Tính trung bình mỗi ha cho thu khoảng 13- 14 tấn quả. So với mọi năm, đậu cô ve năm nay được giá hơn do thời tiết mát mẻ, thuận lợi cho sinh trưởng. Ngoài ra, sản phẩm năm nay có giá thành ổn định hơn, nhiều lúc không đủ hàng để cung cấp cho các thương lái.
Bên cạnh thuận lợi về thời tiết, khí hậu, từ năm 2016, thị trường tiêu thụ đậu cô ve cũng phong phú và đa dạng hơn. Không còn cảnh người dân phải chở hàng xuống các chợ ở thành phố để bán. Thay vào đó, cứ hai ngày một lần, tư thương từ Hà Nội, Sơn Tây và các tỉnh lân cận đến vườn của các gia đình thu mua sản phẩm.
Đồng chí Nguyễn Văn Thường, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết: "Là xã thuộc Chương trình 135, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân chỉ đạt 14,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 58%. Khoảng 2-3 năm lại đây, sau khi kết thúc vụ màu hè - thu, nhiều hộ dân trong xã đã trồng xen đậu cô ve để nâng cao thu nhập. Đối với xã nghèo như Độc Lập, trong khoảng thời gian 30- 45 ngày, người dân đã có thu nhập từ 8- 20 triệu đồng tùy vào mỗi diện tích của gia đình. Số tiền này sẽ giúp người dân trang trải cuộc sống và có cái Tết ấm no hơn. Thời gian tới, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng đậu cô ve, phát huy tối đa hiệu quả kinh tế để nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển KT- XH.
Đức Anh