(HBĐT) - Từ thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn), con đường dẫn chúng tôi lên đến xã Ngọc Sơn khoảng 15 km sương mù dày đặc. Đường quanh co, gấp khúc với chi chít "ổ voi, ổ gà”. Bên này vách đá, bên kia là vực sâu. Những cung đường giao thông tại xã vùng cao Ngọc Sơn đã ảnh hưởng lớn đến đời sống, cản trở phát triển kinh tế của xã.



Đường giao thông tại khu vực trung tâm xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn) dẫn đi các xóm: Cang, Rộc, Khú trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Đồng chí Bùi Văn Hiềng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn cho biết: "Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay giao thông nông thôn tại Ngọc Sơn đã có chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2011- 2017, từ nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án lồng ghép với số vốn 2,7 tỷ đồng, xã đã huy động nhân dân đóng góp trên 1.700 ngày công để đầu tư, mở rộng các trục đường giao thông nông thôn. Tính đến nay, toàn xã có 22 km đường giao thông, trong đó đã cứng hóa được 9 km. Các trục đường liên thôn, xóm dài 9 km, cứng hóa đạt 40%. Đường giao thông tại các xóm: Trung Sơn, Cha, Vâng đã được cứng hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong vùng và tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa.

Mặc dù diện mạo giao thông nông thôn tại Ngọc Sơn đã có những khởi sắc nhất định, tuy nhiên để hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng NTM, xã đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, các trục đường liên xã, liên thôn, xóm sau khi đưa vào sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông. Toàn bộ hệ thống đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa. Hiện nay, vấn đề khiến chính quyền và nhân dân trăn trở nhất đó chính là trục đường từ UBND xã đi các xóm: Cang, Rộc, Khú dài 8 km mới cứng hóa được khoảng 20%, còn lại chủ yếu là đường nền đất, đá. Bởi những trở ngại về đường giao thông nên đời sống của người dân sinh sống tại khu vực này gặp nhiều khó khăn. Hàng hóa nông sản sau khi thu hoạch khó tiêu thụ.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Bùi Văn Nê, Trưởng xóm Khú cho biết: "Vụ thu hoạch ngô vừa qua, người dân trong xóm chỉ bán được với giá 27.000 đồng/yến, trong khi đó người dân khu vực trung tâm xã bán được giá 30.000 đồng/yến. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng giá cả chênh lệch do cước phí vận chuyển tại các xóm vùng sâu, vùng xa đường sá đi lại khó khăn”.

Không chỉ khiến kinh tế chậm phát triển, đường giao thông còn gây khó khăn cho hơn 150 học sinh của các xóm Rộc, Khú đang theo học tại các điểm trường khu vực trung tâm xã. Chị Bùi Thị Tiên ở xóm Khú than thở: "Nhà cách trường học gần 6 km. Sáng nào con gái tôi cũng phải đi học từ 5h30’ cho kịp giờ lên lớp. Mùa nắng thì nóng, mùa mưa thì đường lầy lội. Gia đình có xe đạp cũng không dám cho cháu đi vì đường có nhiều dốc cao, đất, đá lởm chởm rất nguy hiểm. Chính vì vậy, chúng tôi mong Nhà nước quan tâm sớm xây dựng đường bê tông dẫn tới khu vực trung tâm xã để con em chúng tôi đỡ vất vả hơn”.

Đợt mưa lũ lịch sử tháng 10/2017 làm sạt lở nhiều điểm trên tuyến đi xóm Rộc, Khú gây tắc nghẽn giao thông. Để kịp thời khắc phục khó khăn, nhân dân 2 xóm đã đóng góp trên 15 triệu đồng thuê máy móc, huy động sức dân xử lý những điểm sạt lở. Ngoài ra, chính quyền xã hỗ trợ nhân dân vật liệu sửa chữa các khu vực bị nước lũ tàn phá. Qua đó kịp thời thông tuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, với đặc thù của các xã vùng cao, mùa đông tại Ngọc Sơn thường xuyên xuất hiện sương mù dày đặc khiến các trục đường giao thông luôn trong tình trạng ẩm ướt, dễ trơn trượt. Chính vì vậy, người tham gia giao thông phải hết sức cẩn trọng khi lưu thông trên những tuyến đường đất, lầy lội.

Đồng chí Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn bày tỏ: Trong thời gian tới, chính quyền xã mong muốn Nhà nước hỗ trợ kinh phí để đầu tư, mở rộng và nâng cấp các trục đường giao thông nông thôn. Bên cạnh đó, xã sẽ tiếp tục huy động nhân dân hiến đất và đóng góp ngày công. Qua đó xây dựng được các tuyến đường giao thông huyết mạch, đáp ứng nhu cầu đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Đức Anh


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục