Mô hình nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap của hội viên doanh nhân CCB Phạm Văn Thuật thu hút đông đảo hội viên đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Cùng cán bộ Hội Doanh nhân CCB tỉnh, chúng tôi đến thăm mô hình nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Hòa Bình của doanh nhân Phạm Văn Thuật, một trong những hội viên CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế với việc mạnh dạn ứng dụng công nghệ nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap. Năm 2014, từ Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy về phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ thủy điện Hòa Bình, ông Thuật bàn với gia đình đầu tư nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap. Ban đầu, công ty của ông Thuật đầu tư hơn 20 lồng tại xóm Vôi, xã Thái Thịnh. Trong đó, chủ yếu là các loại cá rô đơn tính, trắm… Sau 2 năm đi vào hoạt động, hiện nay, công ty của gia đình ông đã phát triển ra 3 cơ sở nuôi cá lồng với 250 lồng cá ở khu vực thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc và huyện Mai Châu. Trao đổi về quá trình đầu tư nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGap, ông Thuật cho biết: Nuôi cá lồng không hề đơn giản, đặc biệt là đối với những người chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên với quyết tâm và mong muốn có thể xây dựng được thương hiệu cá sông Đà có chất lượng, uy tín, nhiều tháng, công ty thuê các chuyên gia, kỹ sư nông nghiệp chuyên về cá để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật. Các anh em trong công ty phải bám trụ mặt nước sông Đà, theo dõi từng lồng cá, từ việc cho ăn, trị bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật đảm bảo quy chuẩn VietGap.
Chăn nuôi được con cá lồng đã khó nhưng để sản phẩm cá đến được với thị trường không hề đơn giản. Vì vậy, ông Thuật chủ động tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm và cam kết cung cấp sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Hiện tại, sản phẩm cá sông Đà với các loại cá thương phẩm như: lăng, diêu hồng, rô, ngạnh, trắm đã được bày bán tại các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh và vào hệ thống siêu thị lớn như Big C… Trung bình mỗi năm, sản lượng của Công ty đạt 4 - 5 tấn cá sạch các loại, doanh thu đạt 3 - 4 tỷ đồng.
ông Phạm Văn Thuật chỉ là một trong nhiều hội viên doanh nhân CCB luôn tích cực lao động sản xuất, năng động, sáng tạo, mày mò học hỏi tìm hướng đi trong kinh doanh. Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, dù trong điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều CCB doanh nhân tỉnh Hòa Bình không ngại khó khăn, lao động sáng tạo, làm giàu chính đáng cho gia đình và đóng góp tích cực cho xã hội như doanh nhân CCB Nguyễn Thanh Giám, nhà phân phối sản phẩm gạch men, xứ vệ sinh cao cấp của nhiều thương hiệu nổi tiếng tại Hòa Bình, Sơn La; doanh nhân CCB Thành Biên với chuỗi dịch vụ viễn thông, trung tâm giải trí và trung tâm giáo dục chất lượng cao Sao Mai…
Hiện tại, toàn tỉnh có 240 hội viên doanh nhân CCB với nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó có 50 hội viên làm chủ doanh nghiệp; 5 hội viên làm chủ HTX; 40 hội viên sản xuất, kinh doanh dịch vụ và hơn 100 hội viên phát triển kinh tế dựa trên mô hình trang trại, gia trại tổng hợp. Các hội viên CCB đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Không chỉ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, các hội viên doanh nhân CCB còn triển khai nhiều hoạt động tương thân, tương ái giúp nhau trong cuộc sống. Sau hai tháng đi vào hoạt động, Hội đã trích quỹ 40 triệu đồng thăm hỏi, động viên giúp đỡ 4 hội viên bị ảnh hưởng do thiên tai.
Với những ý nghĩa thiết thực trong hoạt động, Hội Doanh nhân CCB tỉnh tiếp tục thu hút đông đảo hội viên tham gia sinh hoạt. Tính đến nay, Tỉnh Hội đã ra quyết định thành lập 11 Hội Doanh nhân CCB các huyện, thành phố, trong đó có 3 Hội huyện và thành phố đã ra mắt, đi vào hoạt động, góp phần tập hợp, liên kết để cùng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
P.L